Hạ tầng

Đường tránh "hóa" đường đô thị, ai hưởng lợi?

10/07/2020, 06:31

Khi các tuyến tránh xây dựng xong, địa phương đua nhau khai thác lợi ích từ nguồn quỹ đất xung quanh đầu tư các khu đô thị, khu công nghiệp...

img
Hàng loạt khu đô thị mọc lên sát cạnh đường tránh TP Thanh Hóa

Cả nước có hàng chục tuyến đường tránh qua các đô thị được đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách, vốn xã hội hóa. Mục tiêu đầu tư tuyến tránh nhằm kéo giảm ùn tắc, TNGT cho khu vực trung tâm các thành phố, thị xã. Thế nhưng, khi các tuyến tránh xây dựng xong, địa phương đua nhau khai thác lợi ích từ nguồn quỹ đất xung quanh để đầu tư các khu đô thị, khu công nghiệp, biến các đường tránh trở thành các đường đô thị.

Đô thị, khu công nghiệp mọc san sát trên đường tránh

Tháng 4/2005, dự án xây dựng đường tránh TP Thanh Hóa dài hơn 10km (tổng mức đầu tư 822 tỷ đồng) do Công ty CP BOT đường tránh TP Thanh Hóa làm chủ đầu tư đã được khởi công theo hình thức BOT, nhà đầu tư huy động vốn xây dựng và hoàn vốn qua thu phí. Ban đầu, dự án được đề xuất xây dựng để giảm ùn tắc trong nội đô TP Thanh Hóa, nhưng kể từ khi dự án hoàn thành (năm 2009) đến nay, tuyến đường này chẳng khác nào một con đường nội đô, các khu đô thị, khu dân cư mọc lên san sát nhau dọc hai bên.

Khi tuyến tránh TP Tân An được đầu tư xây dựng, nhiều doanh nghiệp đã đến đầu tư dự án, đa phần là dự án nhà ở. Chúng tôi đang phải xây dựng các đường nội bộ kết nối với quốc lộ trước, để nhà đầu tư triển khai các dự án này”.
Ông Phạm Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An

Ghi nhận của PV trên tuyến tránh TP Thanh Hóa (đoạn QL1A qua địa bàn phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa), hiện nay, hàng loạt khu bất động sản, khu dịch vụ được tỉnh Thanh Hóa kêu gọi để triển khai đầu tư xung quanh tuyến đường như: Siêu thị BigC, khu đô thị Vinhomes Star City… Năm 2019, địa phương tiếp tục xây dựng và đưa vào hoạt động hai tòa nhà Thành ủy và UBND TP Thanh Hóa.

Tương tự, dự án đầu tư đường tránh TP Phủ Lý dài 43km (tổng mức đầu tư 2.046 tỷ đồng) thực hiện theo hình thức BOT được khởi công năm 2014, hoàn thành năm 2016. Tuy nhiên, đến nay hình hài của nó đúng nghĩa là một tuyến đường đô thị hơn là đường tránh khi hàng loạt các khu công nghiệp dọc hai bên tuyến mọc lên như nấm.

Điển hình, trên địa phận huyện Kim Bảng, Khu công nghiệp Đồng Văn IV đã được quy hoạch trên diện tích 300ha có 36 dự án được đầu tư. Khu vực cuối tuyến về phía Nam, Khu công nghiệp Thanh Liêm với tổng quy mô 293ha cũng đã thành hình. Giai đoạn I của dự án khu công nghiệp này do tỉnh Hà Nam phát triển có diện tích 150ha đã được lấp đầy với nhiều dự án đầu tư lớn của Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Tân Á Đại Thành, Nutifood… Giai đoạn II của dự án có diện tích 143ha đang được Công ty CP Bất động sản Capella (Capella Hà Nam) triển khai đầu tư mở rộng và kêu gọi thu hút đầu tư.

Tình trạng đường tránh “hóa” đường đô thị cũng đang xảy ra tại dự án đầu tư tuyến tránh TP Vinh (Nghệ An) và tránh TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) khi hàng loạt khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị được các địa phương triển khai xây dựng dọc các tuyến đường này.

Trao đổi với Báo Giao thông, một cán bộ Sở GTVT Hà Tĩnh chia sẻ: “Vốn dĩ khi làm tuyến đường tránh mục đích ban đầu là giảm thiểu lưu lượng phương tiện đi vào xuyên tâm TP Hà Tĩnh, tránh tình trạng tắc nghẽn trong nội đô. Thế nhưng, những năm gần đây, nắm bắt lợi thế giao thông thuận lợi, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mới hoặc dịch chuyển nhà máy ra khỏi đô thị và xây dựng dọc hai bên khiến các tuyến đường này trở thành đường đô thị”.

Ở phía Nam, khoảng 10 năm trước, lúc tuyến tránh TP Tân An (tỉnh Long An) chưa được đầu tư, giá đất trong khu vực xung quanh tuyến đường chỉ vài trăm nghìn đồng/m2. Vừa qua, giai đoạn 2 của tuyến tránh TP Tân An do Bộ GTVT đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước (dự án dài 5,9km, tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng) đã hoàn thành, kéo theo nhiều dự án bất động sản mọc lên.

Ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc Công ty Đại Đương cho biết, khi tuyến tránh TP Tân An được nâng cấp, mở rộng 4 làn xe hoàn thành từ cuối năm 2019, đã có nhiều “ông lớn” chọn mảnh đất này để thực hiện các dự án “khủng”. Điển hình là các doanh nghiệp lớn như: FLC, Đồng Tâm Group, Trần Anh Group, Him Lam, VinGroup… đã đến đây tìm hiểu đầu tư.

“Giao thông chính là yếu tố quyết định để các nhà đầu tư lựa chọn đầu tư. Ở đâu giao thông thuận lợi, ở đó có những mảnh đất, ngôi nhà với giá trị được tăng lên hàng nhiều lần”, ông Đông nói.

Bất cập nảy sinh từ kẽ hở chính sách

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP - Bộ GTVT) cho biết, tính đến nay, trên cả nước có hàng chục dự án tuyến tránh qua các thành phố, thị xã đã được đầu tư và đưa vào sử dụng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và vốn xã hội hóa. Trong đó, chỉ tính riêng trên tuyến QL1 có 9 dự án tuyến tránh được đầu tư bằng hình thức BOT, tổng mức đầu tư khoảng 11.000 - 12.000 tỷ đồng gồm: Tuyến tránh TP Phủ Lý (Hà Nam), tuyến tránh TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa), tránh TP Vinh (Nghệ An), tránh TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), tránh TP Đồng Hới (Quảng Bình), tránh TP Tam Kỳ (Quảng Nam), tránh TP Biên Hòa (Đồng Nai), tuyến tránh TX Cai Lậy (Tiền Giang), tránh TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng).

Các địa phương hưởng lợi rất lớn từ việc khai thác quỹ đất dọc các tuyến đường tránh, tiếp theo là các nhà đầu tư bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh khu công nghiệp, người dân hưởng lợi nhiều từ giá trị đất đai tăng lên.

Trong khi đó, các nhà đầu tư hạ tầng giao thông đã bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để làm các dự án đường tránh lại đang phải gánh chịu hậu quả khi nguồn thu phí không đủ hoàn vốn, nhiều trạm bị người dân cản trở thu phí. Thậm chí, một số nơi, chính quyền địa phương còn không cho đặt trạm trên tuyến đường tránh với lý do giờ đã là đường đô thị nên phải di chuyển trạm đi nơi khác. Đây là bất cập rất lớn, các cơ quan chức năng cần có giải pháp xử lý dứt điểm vấn đề này để đảm bảo lợi ích cho các nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP - Bộ GTVT)

Theo ông Huy, hầu hết các đô thị thuộc các tỉnh, thành nằm trên tuyến QL1 nếu không được mở rộng trong quá trình đầu tư nâng cấp QL1, đến nay đều cơ bản có đường tránh qua các thành phố, thị xã.

“Trước đây, do nguồn ngân sách rất khó khăn, nên các địa phương trên tuyến QL1 đều kiến nghị Bộ GTVT xây dựng các tuyến đường tránh qua các khu vực đô thị, thành phố, thị xã theo hình thức BOT. Nhà đầu tư dự án sẽ hoàn vốn thông qua thu phí”, ông Huy nói và cho biết, mục tiêu của các dự án đường tránh là giảm ùn tắc, giảm TNGT và giảm ô nhiễm môi trường cho khu vực trung tâm các thành phố, thị xã.

Tuy nhiên, ông Huy thẳng thắn chia sẻ, sau khi các dự án đường tránh được đầu tư và đưa vào khai thác, địa phương nơi dự án đi qua đã lập tức kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng ngay các khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư dọc quỹ đất hai bên đường, dần biến các tuyến đường tránh trở thành các đường đô thị, không còn mang ý nghĩa là đường tránh nữa.

Từng chủ trì rất nhiều đề án quy hoạch giao thông trên khắp các địa phương trong cả nước, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) nói: “Đúng là có bất cập rất lớn! Nhà đầu tư bỏ tiền để xây dựng các tuyến đường tránh nhưng thu phí không đủ hoàn vốn, trong khi các tuyến tránh khi đưa vào khai thác lại biến thành các đường đô thị.

Các tuyến đường tránh phục vụ trực tiếp cho sự phát triển KT-XH của các địa phương, lẽ ra các địa phương phải bỏ tiền ra đầu tư xây dựng để thu hút đầu tư, phát triển quỹ đất, xây dựng các khu đô thị, tuy nhiên, thực tế thời gian qua, “trăm dâu” đều đổ đầu Bộ GTVT. Đây rõ ràng là kẽ hở của chính sách và các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp để bịt kín lỗ hổng này”, ông Sơn chia sẻ.

Lấy dẫn chứng về bất cập tại dự án đường Láng - Hòa Lạc (nay là Đại lộ Thăng Long), ông Sơn cho biết, khi thực hiện, TEDI làm đúng theo thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật để đảm bảo hệ thống thoát nước cho tuyến đường. Tuy nhiên, sau khi Đại Lộ Thăng Long đi vào khai thác, hàng loạt khu đô thị mọc lên dọc tuyến, đẩy hết hệ thống thoát nước ra Đại lộ Thăng Long khiến tuyến đường này nhiều đoạn thường xuyên ngập úng khi mưa lớn.

“Hệ thống thoát nước của dự án chỉ đảm bảo thoát nước cho Đại lộ Thăng Long, không thể thoát nước cho cả các khu đô thị xung quanh. Nhưng hễ đường ngập là nhiều người đổ hết trách nhiệm cho chủ đầu tư, tư vấn thiết kế làm sai khiến đường bị ngập lụt, đây là điều hết sức phi lý”, ông Sơn chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.