Điện ảnh

Giải mã sức hút bền bỉ của phim truyền hình Trung Quốc

19/08/2021, 06:00

Hàng chục năm qua, phim truyền hình Trung Quốc vẫn “xưng vương” ở khu vực với đủ thể loại từ kiếm hiệp, ngôn tình, cổ trang, lịch sử...

SMCP nhận định, Trung Quốc đang nhanh chóng trở thành cường quốc giải trí toàn cầu khi liên tục sản xuất phim truyền hình dài tập với kinh phí khủng.

Đáng nói, hàng chục năm qua, phim truyền hình Trung Quốc vẫn “xưng vương” ở khu vực với đủ thể loại từ kiếm hiệp, ngôn tình, cổ trang, lịch sử cho đến gần đây là thể loại đam mỹ… Liệu có công thức tạo thành công cho môn nghệ thuật thứ 7 của đất nước tỷ dân này?

img

Triệu Lệ Dĩnh và Vương Nhất Bác trong phim “Hữu Phỉ”

Từ sức hút bền bỉ

Nửa đầu năm 2021, có đến 10 bộ phim Trung Quốc đạt hàng tỷ lượt xem trên các nền tảng chiếu phim trực tuyến. Đơn cử, “Đấu la đại lục” đạt 5,5 tỷ lượt xem, trung bình 100 triệu lượt xem mỗi ngày - trở thành phim có lượt xem “khủng” nhất nửa đầu năm; “Hữu Phỉ” của Triệu Lệ Dĩnh và Vương Nhất Bác thu hút 5,4 tỷ lượt xem; “Ở rể” trở thành phim có lượt xem cao kỷ lục của iQiyi với con số 5,33 tỷ…

Đặc biệt, những “Trần tình lệnh”, “Sơn hà lệnh”, “Hạo y hành”... còn tạo thành một làn sóng khởi đầu cho thời kỳ cởi mở hơn về cộng đồng LBT trên màn ảnh Hoa ngữ.

Không chỉ phổ biến ở trong nước, People Daily cho rằng, điện ảnh Trung Quốc cũng ăn nên làm ra tại các thị trường nước ngoài.

Thậm chí, dòng phim cổ trang của Trung Quốc còn có sức ảnh hưởng “vượt mặt” các nước phương Tây.

“Nguyên nhân là vì khán giả nước ngoài luôn háo hức tìm hiểu thêm về đất nước và lịch sử của đất nước bằng cách xem phim truyền hình Trung Quốc”, People Daily bình luận.

Theo khảo sát của Global Times, bước đột phá quốc tế đối với phim truyền hình Trung Quốc chính thức bắt đầu từ năm 2015 khi Netflix mua loạt phim đầu tiên được sản xuất tại Trung Quốc vào năm 2011 là “Hậu cung Chân Hoàn truyện”.

Số liệu của chính phủ cho thấy, trong năm 2015, Trung Quốc đã xuất khẩu 381 bộ phim truyền hình dài tập trị giá 377 triệu nhân dân tệ (58,2 triệu USD), vượt mức nhập khẩu lần đầu tiên sau một thập kỷ.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, doanh thu xuất khẩu của các bộ phim truyền hình Trung Quốc đã tăng lên 510 triệu nhân dân tệ (78,7 triệu USD) vào năm 2016 và 633 triệu nhân dân tệ (97,7 triệu USD) vào năm 2017.

SMCP tiết lộ thêm, đến năm 2018, bộ phim “Diên hi công lược” còn đánh bật cả loạt series đình đám của Mỹ như “House of Cards”, Westworld”, “Game of Thrones”, trở thành bộ phim truyền hình được tìm kiếm nhiều nhất trên công cụ tìm kiếm Google.

Phim được đón nhận ở hơn 70 quốc gia và khu vực, trở thành bộ phim truyền hình Trung Quốc phổ biến nhất trên thế giới. Sự nổi tiếng lớn của phim thậm chí còn thu hút sự chú ý của đài HBO.

Alice Leung, Tổng giám đốc phân phối quốc tế của nền tảng phát hành trực tuyến iQiyi cho biết, nền tảng này ngày càng được nhiều mạng truyền hình quốc tế tiếp cận, trong đó có cả K+ của Việt Nam.

Các đơn vị này đều muốn mua bản quyền phát sóng phim truyền hình của Trung Quốc, từ đó tạo thành một hiệu ứng rộng rãi về bộ phim.

Đến chiến lược toàn cầu

img

"Tư Đằng" với sự tham gia của Cảnh Điềm và Trương Bân Bân đạt 3,9 tỷ lượt xem

Mỗi năm điện ảnh hoa ngữ vẫn tập trung cho ra đời một số bộ phim khai thác về tình yêu ngôn tình, thanh xuân, học đường, cung đấu…

Tuy nhiên, với chuỗi đề tài quen thuộc, sở dĩ truyền hình Trung Quốc vẫn ăn nên làm ra trong hàng thập kỷ qua phải được tổng hòa từ nhiều yếu tố. Trong đó, Global Times nhấn mạnh, cốt truyện vẫn là “vũ khí” quan trọng để thừa thắng xông lên.

“Những câu chuyện nội dung phim ý nghĩa cũng là một trong những lý do giúp cho bộ phim được khán giả nhớ tới nhiều hơn. Bạn có thể không nhớ tất cả các chi tiết trong phim, nhưng lại nhớ đến một vài chi tiết những câu trích dẫn ý nghĩa.

Ngoài ra, việc ê-kíp sẵn sàng bỏ ra kinh phí khủng cho khâu sản xuất và chiêu mộ những gương mặt ăn khách, bảo chứng phòng vé cũng là cách tối ưu để thu hút khán giả”, Global Times phân tích.

Đơn cử, sự thành công của “Diên hi công lược” một phần nhờ sự xuất hiện của diễn viên Xa Thi Mạn, Tần Lam…; “Hữu Phỉ” với sự góp mặt của “nữ hoàng bảo chứng rating” Dương Mịch và “chàng thơ” 9x Vương Nhất Bác hay “Tư đằng” có thể cán mốc 3,9 tỷ lượt xem nhờ phản ứng hóa học rất tốt của Cảnh Điềm và Trương Bân Bân…

Kompasiana còn chỉ ra rằng, Trung Quốc còn tận dụng triệt để quyền lực mềm trong chiến lược quảng bá toàn cầu. Trong đó, chiêu bài tận dụng các ngôi sao K-pop, sở hữu lượng fan đông đảo đang được nhà sản xuất truyền hình Trung Quốc thực hiện thành công.

“Chẳng hạn, nhóm Seventeen có 2 thành viên là người Trung Quốc. Theo báo cáo của Soompi, tháng 7/2021, Seventeen đã có chỉ số danh tiếng thương hiệu tăng 17,53% so với tháng 6, chiếm vị trí thứ hai sau BTS với tư cách là nhóm nhạc nam có ảnh hưởng nhất.

Nhà sản xuất “Warrior” nhanh chóng hợp tác với Seventeen trong ca khúc OST của phim. Nhờ đó, tác phẩm nhanh chóng đạt rating 3,1% ngay từ tập đầu ra mắt”, Kompasiana phân tích.

Thực tế cho thấy, Trung Quốc vẫn đang hiện thực hóa tham vọng trở thành kinh đô điện ảnh thế giới, nhiều tập đoàn của Trung Quốc còn đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng các studio hàng đầu thế giới như Kinh đô điện ảnh phương Đông của Tập đoàn Vạn Đạt ở Thanh Đảo hay đầu tư những phim trường hàng ngàn hecta ở Trùng Khánh.

Thậm chí, khi các tập đoàn gặp khó, Chính phủ Trung Quốc còn dùng các nguồn vốn kích cầu cho vay lãi suất thấp để hỗ trợ hay hợp tác thực hiện các dự án lớn. Đây cũng là mục tiêu nằm trong chiến lược nâng cao quyền lực mềm và phổ biến văn hóa Trung Quốc ra thế giới.

Đánh giá về thực trạng truyền hình nước nhà, Giáo sư Emilie Yeh Yueh-yu, Giám đốc Trung tâm Công nghiệp Điện ảnh và Sáng tạo tại Đại học Lĩnh Nam (Hồng Kông) nhận định, phim truyền hình Trung Quốc đang cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm của Hàn Quốc.

“Nguyên nhân là đã có rất nhiều tài năng ở Trung Quốc có thể viết những câu chuyện cảm động và thú vị, đồng thời tạo ra những tác phẩm gây được tiếng vang trên toàn cầu”, Giáo sư Emilie Yeh Yueh-yu nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.