Chuyện dọc đường

Giấy đi đường và ý thức công dân

11/08/2021, 06:16

Sau một ngày ban hành quy định “siết” việc cấp và sử dụng giấy đi đường, TP Hà Nội đã rất nhanh chóng điều chỉnh theo hướng giảm bớt giấy tờ.

Theo đó, người đi đường chỉ cần xuất trình giấy tờ tùy thân kèm theo giấy đi đường. Như vậy, so với quy định ban hành hôm 8/8, thành phố giảm bớt các loại giấy tờ gồm: Lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

img

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường của người dân. Ảnh: Tạ Hải

Sau khi thành phố điều chỉnh, một số phiền toái đã được giải quyết, đường phố nhanh chóng thông thoáng trở lại, không như ngày hôm trước khi xuất hiện cảnh ùn tắc tại một số chốt kiểm soát.

Rõ ràng, lãnh đạo thành phố đã rất nhanh chóng nắm bắt, tiếp thu ý kiến của người dân và giải quyết kịp thời những bất cập phát sinh sau khi quyết định được đưa ra.

Nhưng mặt khác, thực tế này cũng cho thấy, để đưa ra một quyết định ảnh hưởng tới số đông người dân trong bối cảnh dịch bệnh hết sức phức tạp như hiện nay không dễ dàng một chút nào.

Ở đây, chúng ta có thể hiểu được lý do mà thành phố tính đến việc “siết” quy định giấy đi đường, với mục tiêu là hạn chế đến mức thấp nhất những trường hợp ra đường không thực sự cần thiết.

Và khi đó, các cơ quan đơn vị, thay vì có thể “du di” như trước, phải tính toán được phương án hợp lý nhất để chỉ cấp giấy đi đường cho những người thật sự cần phải đến làm việc tại trụ sở cơ quan, đơn vị mình.

Trong bối cảnh Hà Nội xuất hiện hàng chục ca nhiễm, phần lớn ca nhiễm trong cộng đồng như thời gian qua, quyết định của Hà Nội là rất cần thiết. Dù nội dung quy định có chút chưa cụ thể, rõ ràng và trong khâu tổ chức thực hiện còn chưa lường trước được những tình huống phát sinh, song tất cả đã được điều chỉnh rất sớm.

Bởi thế mà thay vì chỉ trích, chúng ta nên hiểu và chia sẻ. Mọi biện pháp được đưa ra trong lúc này cũng chỉ đều nhằm hướng tới việc ngăn chặn tối đa sự lây lan của dịch bệnh, sớm kiểm soát được để đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Ở một góc độ nào đó, việc đảm bảo hài hòa giữa phòng chống dịch và hạn chế ảnh hưởng tới cuộc sống, công việc của mỗi người dân trong lúc dịch bệnh khẩn cấp như hiện nay không hề đơn giản.

Trong thời gian qua, một số tỉnh, thành phố đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 và đã đạt một số kết quả ban đầu tích cực.

Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người dân, gây tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.

Thực tế cho thấy, đại đa số người dân đều thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, chấp hành các quy định và khuyến cáo. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người bất chấp và đôi khi ý thức của một vài cá nhân có thể ảnh hưởng đến nỗ lực của cả hệ thống chính trị.

Hơn lúc nào hết, đây là lúc mọi người dân cần chia sẻ, thông cảm trước những khó khăn, phức tạp trong phòng, chống dịch. Đồng thời, tích cực hưởng ứng, tham gia phòng, chống dịch vì sức khỏe của chính mình, vì cộng đồng và sự phát triển của đất nước.

Nói cách khác, ý thức công dân giữa lúc “nước sôi lửa bỏng” hiện nay là một trong những yếu tố rất quan trọng góp phần vào chiến thắng dịch bệnh.

Lê Như Tiến
(Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.