Xã hội

Giới thiệu người ứng cử Đại biểu quốc hội thế nào?

25/02/2016, 06:30

Ngày 24/2, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị hướng dẫn giới thiệu người ứng cử...

pho chu tich _tong thu ky vu trong kim phat bieu k
Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim phát biểu khai mạc hội nghị

Trao đổi với báo giới bên lề hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho biết, hiện nay pháp luật không cấm nhưng cũng chưa có quy định về việc vận động bầu cử qua mạng xã hội (Facebook, Blog...). “Tuy nhiên, tôi cho rằng, không nên vận động bầu cử qua mạng xã hội. Việc vận động bầu cử cần được thực hiện theo quy định của pháp luật, phải qua hội nghị tiếp xúc cử tri do MTTQ tổ chức”, ông Pha nêu quan điểm.

Cấp trưởng không đủ sức khỏe thì giới thiệu cấp phó

Hướng dẫn cách giới thiệu người ứng cử đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở T.Ư, ông Pha cho biết, việc giới thiệu người ứng cử ĐBQH của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiến hành từ ngày 24/2 - 10/3.

Theo quy trình, việc giới thiệu người ứng cử qua ba bước. Đầu tiên, ban lãnh đạo của các cơ quan, tổ chức họp dự kiến người ứng cử. Sau đó tổ chức lấy ý kiến nhận xét của cử tri tại nơi làm việc và nơi cư trú về người ứng cử và tổ chức hội nghị ban lãnh đạo mở rộng để thảo luận giới thiệu người ứng cử.

Cụ thể, nếu cơ quan, tổ chức dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể nhưng phải đảm bảo 2/3 cử tri tham gia; Còn có 100 cử tri trở lên tổ chức hội nghị đại diện nhưng phải đảm bảo 70 cử tri tham gia. Chậm nhất là ngày 13/3, người ứng cử phải hoàn thành việc nộp hồ sơ ứng cử ĐBQH, để đến ngày 15/3 đưa vào danh sách hiệp thương.

Theo ông Pha, cuộc bầu cử lần này các cơ quan T.Ư chỉ giới thiệu một người/cơ quan tham gia ứng cử. Hiện, không có quy định cơ quan, tổ chức phải giới thiệu người đứng đầu. Vì vậy, các cơ quan không nhất thiết phải giới thiệu người đứng đầu và có thể giới thiệu cấp phó hoặc người tiêu biểu, đại diện của cơ quan mình. Riêng các Bộ và 5 tổ chức chính trị xã hội mà người đứng đầu không tham gia BCH T.Ư nữa, khi giới thiệu ứng cử ĐBQH phải được Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý.

Địa phương không "mặn mà"

Về độ tuổi cũng như điều kiện sức khỏe của người ứng cử, theo ông Pha, một số kỳ trước có trường hợp các cơ quan, tổ chức giới thiệu người nhiều tuổi quá nên khi tiếp xúc không đảm bảo sức khỏe và cuối cùng bị trượt. “Vì vậy, cấp trưởng không đủ sức khỏe thì có thể giới thiệu cấp phó”, ông Pha nói và thông tin thêm, trong Khóa XII, có 15 ứng cử viên được T.Ư phân bổ về địa phương nhưng không trúng cử, trong đó khối MTTQ có 7/31 người, khối cơ quan Nhà nước có 8/183 người.

Bày tỏ lo ngại về việc này, ông Trần Tình, Phó chủ tịch T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam nói: “Chúng tôi nhiều lần giới thiệu người tiêu biểu, nhưng nhiều tuổi nên khi đi tiếp xúc thì nhiều người cứ bảo, các cụ già rồi nên nghỉ để lớp trẻ làm. Chính điều này khiến nhiều ĐB do Hội đưa về địa phương thường bị “rớt”. Tâm trạng hiện nay là địa phương không mặn mà với đại biểu T.Ư, nên ĐB đưa về thường bị “rớt đài”, đôi khi lại mất uy tín”, ông Tình nêu quan điểm và đề nghị MTTQ khi phân bổ ứng cử viên về địa phương nên chọn nơi phù hợp để các ứng cử viên có lợi thế hơn.

Trấn an những lo lắng ấy, ông Pha nói, việc trúng cử phụ thuộc vào uy tín, khả năng vận động của người ứng cử và lá phiếu của cử tri chứ MTTQ không có thẩm quyền “can thiệp” việc phân bổ địa bàn ứng cử cũng như khả năng trúng cử.

Ông Pha cho biết, trong hồ sơ ứng cử của các ứng cử viên ĐBQH Khóa XIV phải có bảng kê khai tài sản, thu nhập theo hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử quốc gia.

“Bất cứ ai khi kê khai tài sản phải chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung của bản kê khai đó, bản kê khai này không phải xong bầu cử là xong mà theo người đó đến hết nhiệm kỳ”, ông Pha nói và cho biết thêm, nếu có khiếu nại, tố cáo của cử tri về việc kê khai tài sản thu nhập của ứng cử viên thì MTTQ sẽ yêu cầu xác minh, nếu không chỉ lưu vào hồ sơ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.