Hạ tầng

Gỡ điểm nghẽn giao thông 14 tỉnh, thành ven biển miền Trung

Hệ thống giao thông 14 tỉnh, thành ven biển miền Trung đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn một số điểm nghẽn cần tháo gỡ.

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ vừa diễn ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở nhiều vấn đề lớn, trong đó có đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của khu vực này. Đây cũng là vấn đề được 14 tỉnh, thành ven biển miền Trung đặc biệt quan tâm.

Cần nguồn lực lớn

img

Thi công dự án Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An)

Theo ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được quan tâm, ưu tiên đầu tư.

Tỉnh có tuyến đường bộ với tổng chiều dài khoảng 23.272km, gồm 13 tuyến quốc lộ dài 1.299,3km, 63 tuyến đường tỉnh dài 1.499,53km và các đường khác dài 20.492,1km. Tỉnh có sân bay Thọ Xuân (hoàn thành và khai thác từ năm 2013) và cảng nước sâu Nghi Sơn, cảng Lệ Môn…

Trên địa bàn tỉnh cũng đang triển khai một số dự án giao thông lớn như cao tốc Bắc - Nam; tuyến đường bộ ven biển để kết nối với các tỉnh ven biển phía Bắc và tỉnh Nghệ An…

Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển thì hệ thống hạ tầng giao thông hiện nay chưa thể đáp ứng. Vì vậy, tỉnh đang đề xuất Bộ GTVT đầu tư, nâng cấp các tuyến quốc lộ trên địa bàn theo quy hoạch được duyệt; tập trung kêu gọi đầu tư hạ tầng cảng hàng không Thọ Xuân, đáp ứng điều kiện trở thành cảng hàng không quốc tế trước năm 2025...

Nhu cầu vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 khoảng 34.919 tỷ đồng, trong đó, dự kiến ngân sách Trung ương hỗ trợ là 9.140 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là 8.141 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp khác là 17.638 tỷ đồng.

Tại Nghệ An, địa phương này có 17 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 1.795,7km; 38 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 910,5km; đường đô thị dài 1.680km. Về đường sắt, toàn tỉnh có 2 tuyến với tổng chiều dài 128km; có sân bay quốc tế Vinh công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm. Tỉnh cũng có 15 tuyến đường thủy nội địa cùng hệ thống cảng biển nhiều tiềm năng như cảng Cửa Lò, cảng cá Cửa Hội, cảng chuyên dùng xi măng The Vissai...

Ông Lê Hồng Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, Nghệ An là tỉnh đất rộng người đông, địa bàn dốc từ Tây sang Đông, với hệ thống sông ngòi chằng chịt. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông yêu cầu suất đầu tư rất lớn. Ngoài ra, hệ thống giao thông đường bộ ở Nghệ An được hình thành từ lâu, do đó quy mô nhỏ, tần suất khai thác nhiều nên hiện đã xuống cấp.

“Việc đầu tư là rất cần thiết nhưng đòi hỏi rất nhiều tiền. Tỉnh mong muốn được Trung ương quan tâm đầu tư cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế, đẩy nhanh tiến độ cao tốc Bắc - Nam và nâng cấp QL1, hiện nay đã có 1 số đoạn đã xuống cấp”, ông Vinh nói.

Kết nối liên vùng qua tuyến đường ven biển

Tại Quảng Bình, ông Phạm Văn Năm, Giám đốc Sở GTVT tỉnh thông tin, hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa phát triển.

Từ năm 2021, tỉnh Quảng Bình đã bắt đầu triển khai dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 với chiều dài 137km, đây là dự án mang tính liên vùng, kết nối với hệ thống đường ven biển của các tỉnh trong vùng.

Theo dự kiến, hôm nay (29/11) sẽ diễn ra Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trước đó, ngày 16/11, Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã được tổ chức.

Trong bối cảnh nguồn lực địa phương còn hạn chế, việc huy động nguồn lực khác gặp nhiều khó khăn, tỉnh mong muốn Trung ương quan tâm xem xét, có chính sách ưu tiên cho các tỉnh còn khó khăn như Quảng Bình để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.

Tương tự, ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam cho hay, Quảng Nam có vị trí địa lý rất quan trọng, là khu vực chuyển tiếp giữa đô thị Đà Nẵng với Tây Nguyên và các tỉnh Duyên hải miền Trung.

Nhu cầu nguồn vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh rất lớn. Về phía Trung ương, theo các quy hoạch giai đoạn 2021-2030 đã được phê duyệt, Quảng Nam cần đầu tư hạ tầng sân bay Chu Lai, cảng biển Quảng Nam; cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ với tổng mức đầu tư trên 30.000 tỷ đồng.

“Hiện nay, Trung ương chỉ cân đối được cho dự án mở rộng QL14E khoảng 1.850 tỷ đồng, phần còn lại chưa cân đối được”, ông Tuấn nói và đề nghị Trung ương hỗ trợ cơ chế để đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa đầu tư, tiếp tục bố trí các nguồn vốn thuộc nhiệm vụ chi của Trung ương.

Tại tỉnh Thừa - Thiên Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cũng cho biết, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, việc huy động nguồn lực gặp khó khăn.

Thời gian tới, tỉnh ưu tiên đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông kết nối giữa các đô thị, tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa biển Thuận An, đường phía Tây phá Tam Giang - Cầu Hai...

Tại Bình Định, mới đây địa phương đầu tiên của tỉnh là thị xã Hoài Nhơn đã bàn giao mặt bằng triển khai cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2. Như vậy, sau khi khởi công cao tốc Bắc – Nam, sẽ có 2 tuyến đường lớn chạy song song được triển khai cùng lúc là tuyến đường ven biển và cao tốc. Đến năm 2025, dự kiến 2 tuyến đường này hoàn thành.

Địa phương kỳ vọng tuyến đường ven biển kết nối Quảng Ngãi đến Phú Yên sẽ mở ra không gian phát triển mới, tăng kết nối liên vùng.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết, Sở GTVT Bình Định đang tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét lựa chọn phương án tuyến Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. Như vậy, sắp tới, hệ thống giao thông Bình Định sẽ được kết nối hơn nữa trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và kết nối lên Tây Nguyên.

Xây dựng các trục kết nối cao tốc liên vùng

Với hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận nằm giáp ranh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các địa phương này có thế mạnh kinh tế biển nên việc đầu tư các tuyến đường kết nối liên vùng giữ vai trò động lực quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Ninh Thuận cho biết, theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2020-2025 một trong những trọng tâm là đầu tư phát triển các tuyến giao thông nội tỉnh kết nối với các tuyến cao tốc Bắc - Nam, QL1, QL27, tuyến đường ven biển. Vừa qua tỉnh đã phê duyệt đề án phát triển kinh tế về phía Nam. Do vậy, việc đầu tư các đường nối từ cao tốc Bắc - Nam với QL1 và cảng biển tổng hợp Cà Ná trở nên rất cấp bách. Dự án có chiều dài 14,80km, tổng mức đầu tư khoảng 903 tỷ đồng.

Còn tại Bình Thuận, ông Nguyễn Tấn Lê, Giám đốc Sở GTVT tỉnh thông tin, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh những năm qua dù phát triển vượt bậc với tuyến QL1 dài hơn 160km, đường ven biển, tuyến vận tải biển Phú Quý, cảng biển quốc tế Vĩnh Tân, song đến nay hệ thống giao thông vẫn chưa được kết nối đồng bộ, trở thành “điểm nghẽn”.

Phát triển cao tốc, hoàn thành tuyến ven biển

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung bao gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, trong đó có 3 tiểu vùng là: Bắc Trung Bộ (gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) và vùng Nam Trung Bộ (gồm: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận).

Theo Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị ban hành ngày 3/11, một trong những nội dung quan trọng được đề cập là đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông.

Cụ thể, kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, khu công nghệ cao Đà Nẵng và các cảng hàng không, cảng biển. Tập trung đầu tư phát triển hệ thống đường bộ cao tốc, đặc biệt là các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông để kết nối toàn bộ các địa phương trong vùng.

Xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; kêu gọi và thúc đẩy đầu tư tuyến đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn (đoạn qua Nghệ An), đường cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo; đường cao tốc Đà Nẵng - Thạch Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y.

Đến năm 2030, toàn vùng có khoảng 1.554km đường bộ cao tốc. Hoàn thành tuyến đường bộ ven biển tại các địa phương trong vùng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.