Xã hội

Gỡ xong cơ chế, biển số xe đấu giá thế nào?

29/03/2022, 06:01

Cục CSGT đề nghị đề án thí điểm sẽ lựa chọn phương án thứ nhất, người trúng đấu giá biển số xe sẽ được sử dụng, không được phép chuyển nhượng.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa chỉ đạo Bộ Công an tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương về việc thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá.

Nếu đề án này được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Ba vào tháng 5 tới, việc đấu giá có thể được thí điểm ngay.

img

Theo đề xuất, kể cả khi bán xe, người trúng đấu giá vẫn được giữ lại biển số với điều kiện trong thời hạn 6 tháng phải gắn vào xe mới (Ảnh minh họa)

Thời gian thí điểm khoảng 5 năm

Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ dự án Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số xe thông qua đấu giá; báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép trình Chính phủ thông qua để trình Quốc hội theo quy định.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho biết, từ năm 2008, Bộ Công an đã lấy ý kiến các Bộ, ngành chức năng và báo cáo, sau đó được Chính phủ đồng ý cho đấu giá biển số. Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ sở pháp lý nên Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng đề nghị tạm dừng.

“Hiện Luật Đấu giá tài sản không đưa biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá. Còn theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, việc mua bán biển số xe bị cấm”, ông Giang cho biết.

Cũng theo ông Giang, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khi một quy định khác với luật thì Chính phủ có thể trình Quốc hội một Nghị quyết để thực hiện thí điểm trong thời gian nhất định.

“Chỉ cần được Quốc hội thông qua thì đề án đấu giá biển số xe có thể được triển khai thí điểm ngay”, ông Giang nói.

Cũng theo ông Giang, để có Nghị quyết thí điểm này, Chính phủ cần trình dự thảo để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào chương trình Kỳ họp thứ Ba, diễn ra vào tháng 5 tới. Sau đó, trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết để thảo luận và có thể xem xét trong một kỳ họp.

“Khi Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết thí điểm, thời gian thí điểm có thể là khoảng 5 năm. Hết thời gian này chúng ta có thể tổng kết, nếu thấy phù hợp thì có thể kiến nghị sửa các luật liên quan”, ông Giang cho biết thêm.

Theo ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, việc cần làm hiện nay là Bộ Công an nhanh chóng hoàn thiện dự thảo đề án để Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét. Nếu Quốc hội thông qua, việc đấu giá biển số xe sẽ được thực hiện sớm nhất có thể.

“Nếu chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng, theo tôi có thể trình ngay trong Kỳ họp tới. Chúng ta thực hiện sớm ngày nào thì ngân sách Nhà nước sẽ được bổ sung thêm sớm ngày đó. Hiện chúng ta đang “cấp không” biển số đẹp là rất lãng phí nguồn tài nguyên này”, ông Hòa phân tích.

Thường trú ở đâu, đấu giá ở đó

Theo lãnh đạo Cục CSGT, hiện đơn vị đang tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành để hoàn thiện đề án đấu giá biển số xe, trình lãnh đạo Bộ Công an ký tờ trình để báo cáo Chính phủ.

“Theo dự thảo, tất cả biển số ô tô cá nhân trong kho chưa được đăng ký đều có thể đưa ra đấu giá. Tổ chức, cá nhân chỉ được tham gia đấu giá biển số của địa phương nơi đóng trụ sở hoặc đăng ký thường trú”, lãnh đạo Cục CSGT chia sẻ.

Ngày 23/1/2021, một chủ xe Mercedes Benz GLC 200 ở tỉnh Bình Dương gây chú ý khi bốc trúng biển số đẹp 61A - 888.88. Sau khi chiếc xe 1 tỷ đồng này gắn biển số ngũ quý, đã có khách trả giá tới 7 tỷ đồng.
Trước đó, cuối tháng 12/2020, chiếc Kia Seltos 2020 bản Premium 1.4 Turbo vốn có giá niêm yết 719 triệu đồng đã được rao bán với giá 1,5 tỷ đồng vì chủ xe may mắn bốc được biển số “lộc phát” 686.86.
Hay tháng 9/2020, chiếc Mercedes Benz C300 AMG phiên bản mới 2020 sở hữu BKS 51H - 777.77 được rao bán với giá 5,5 tỷ đồng, trong khi giá niêm yết 1,929 tỷ đồng...
Không chỉ ô tô, mới đây, một người đàn ông ở Thái Bình đã bấm được biển số “ngũ quý 5” và chỉ sau 2 tuần bốc được biển số đẹp, chủ nhân chiếc Vision đã bán lại chiếc xe với giá đủ mua một chiếc Honda SH mới tinh trị giá hơn 100 triệu đồng.
Trước đó, vào tháng 7/2020, một chiếc Honda Vario 125 đời 2020 với biển số «ngũ quý 9» cũng được một người chơi xe tại TP.HCM rao bán với giá 900 triệu đồng, gấp 20 lần mức giá 45 triệu đồng của xe nguyên bản.


Về quy trình đấu giá, Bộ Công an cho biết, sẽ giao công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức đấu giá biển số. Công an cấp tỉnh sẽ ký hợp đồng thuê tổ chức đấu giá tài sản.

Quá trình đấu giá thực hiện công khai và qua hình thức trực tuyến, niêm yết rõ ràng thời gian chốt mức giá để mọi mọi người đều có thể tham gia. Sẽ có một mức giá khởi điểm do Bộ Tài chính đưa ra, ai trả giá cao nhất sẽ trúng đấu giá đối với biển số đó, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Về quyền sử dụng biển số đấu giá, ban đầu có hai phương án. Phương án thứ nhất là người trúng đấu giá sẽ được sử dụng, không được phép chuyển nhượng biển số.

Với phương án hai, người trúng đấu giá biển số xe được sử dụng, chuyển nhượng, mua đi bán lại như một loại hàng hóa.

Hiện Cục CSGT đề nghị đề án thí điểm sẽ lựa chọn phương án thứ nhất, người trúng đấu giá biển số xe sẽ được sử dụng, không được phép chuyển nhượng.

Tuy nhiên, theo nội dung mới nhất, dự thảo đề xuất biển số không theo xe mà gắn với người, kể cả khi bán xe vẫn được giữ lại biển số và điều kiện là người trúng đấu giá phải làm thủ tục đăng ký, gắn biển số trúng đấu giá vào phương tiện trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với biển số trúng đấu giá. Nếu quá thời hạn, sẽ mất quyền đăng ký biển số trúng đấu giá và không được hoàn trả tiền trúng đấu giá.

Nên cho chuyển nhượng

Đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho rằng, trong quá trình thực hiện cần có quy định chặt chẽ để tránh lợi dụng việc đấu giá để trục lợi cá nhân, “lợi ích nhóm” hay trường hợp bỏ cọc như khi thực hiện đấu giá đất ở một số địa phương vừa rồi.

“Cần phải xây dựng quy định về đấu giá minh bạch, tránh “quân xanh - quân đỏ” trong đấu giá. Để tránh hiện tượng bỏ cọc, nếu cần sẽ nâng tỷ lệ đặt cọc cao hơn so với các tài sản khác”, luật sư Hậu nêu quan điểm.

Ông Hậu cũng cho rằng, trong quá trình đấu giá cần lưu ý, đầu số, chữ cái đang cấp biển ở các địa tới đâu thì tổ chức đấu giá biển đẹp ở đầu số và chữ cái đó, để tránh việc lộn xộn trong công tác quản lý.

“Ví dụ, biển số Hà Nội đang cấp là 29H - xxx.xx cho các ô tô thì chúng ta nên tổ chức đấu giá biển số đẹp ở dãy 29H - xxx.xx, không nên đấu giá trước sang K,M,L… vì thế sẽ xa so với thực tế cấp biển”, ông Hậu phân tích.

Về quyền sử dụng của người đấu giá, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho rằng, cả hai phương án đều có những lý do riêng. Việc đề xuất “cho phép người trúng đấu giá được sử dụng, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp biển số trúng đấu giá” là hợp lý bởi người đấu giá đã bỏ 1 khoản tiền lớn để nhận về biển số, vì thế họ có quyền bán, tặng, thế chấp tài sản của mình.

Tuy nhiên, với quan điểm của phương án biển số đấu giá đi theo người có điều kiện ràng buộc như Cục CSGT mới đưa ra, luật sư Hậu cho rằng, có thể chấp nhận trong giai đoạn thí điểm. Như vậy, biển số xe đấu giá sẽ không phải là một loại hàng hóa của kinh tế thị trường mà nó là sự giao thoa giữa quản lý Nhà nước và nhu cầu của người dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.