Quản lý

Grab không có “cửa” né mức thuế mới

30/11/2020, 06:25

Grab sẽ phải chịu trách nhiệm khai thay và nộp thay thuế cho toàn bộ doanh thu của đối tác tài xế xe công nghệ.

img
Bà Tạ Thị Phương Lan

Nghị định 126 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ ngày 5/12/2020 quy định mức thuế GTGT 10% đối với mọi cuốc xe công nghệ thay vì mức 3% như hiện nay.

Ngoài lo ngại các hãng tăng giá cước, một vấn đề nhiều người quan tâm là liệu việc thu thuế có thực hiện được triệt để hay không, nhất là đối với Grab?

Báo Giao thông trao đổi với bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế xung quanh vấn đề này.

Thu nhập của tài xế sẽ không bị ảnh hưởng

Thưa bà, vì sao phải thay đổi cách tính thuế đối với taxi công nghệ tại thời điểm này?

Hầu hết các hãng taxi công nghệ đã kê khai theo hình thức là đơn vị kinh doanh vận tải từ khi có Nghị định 10 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, hãng taxi công nghệ Grab vẫn tự cho mình nằm ngoài đối tượng đó và không chịu kê khai hạch toán.

Trốn thuế bị phạt gấp 3 số tiền đã trốn
- Phạt tiền tối đa không quá 200.000.000 đồng đối với người nộp thuế là tổ chức thực hiện hành vi vi phạm thủ tục thuế. Phạt tiền tối đa không quá 100.000.000 đồng đối với người nộp thuế là cá nhân thực hiện hành vi vi phạm thủ tục thuế.
- Phạt 20% số tiền thuế thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn quy định đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn.
- Phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn đối với hành vi trốn thuế.

(Điều 6 Nghị định 125 quy định về xử lý vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn)

Trong khi đó, từ trước đến nay chính sách thuế chưa có những quy định rõ ràng đối với hoạt động của hãng taxi công nghệ vì đây là lĩnh vực mới. Do đó, Nghị định 126 đưa ra các quy định, điều khoản theo pháp luật Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế cho một đơn vị hoạt động toàn cầu như Grab chứ không phải riêng ở Việt Nam.

Chiếu theo quy định của quốc tế, không có ở đâu mà lại để cho Grab đang làm như ở Việt Nam hiện nay, đó là xuất hóa đơn chia làm 2 phần và khách hàng chỉ thanh toán được phần nhỏ của giá trị số tiền mình bỏ ra. Việc này đã không còn hợp lý trong bối cảnh tự do cạnh tranh.

Khi Nghị định 126 có hiệu lực, việc thu thuế của các hãng taxi công nghệ được thực hiện bằng cách nào?

Các hãng taxi công nghệ phải khai nộp thuế GTGT trên 100% doanh thu thay cho cách kê khai cũ.

Ví dụ, trước đây đặt một chuyến xe Grab hết 100.000 đồng. Grab nhận về 20.000 đồng và chỉ phải kê khai 10% thuế GTGT cho khoản thu này. Còn tài xế nhận 80.000 đồng và phải chịu 3% thuế GTGT của cá nhân.

Lúc này, chính khách hàng là người chịu thiệt khi phải nhận 2 lần hóa đơn với mức 3% và 10% thuế GTGT của các khoản nêu trên nhưng chỉ có giá trị thanh toán phần 10% của 20.000 đồng.

Ngược lại, với cách tính thuế theo quy định mới, khi thu tiền từ khách hàng mức 100.000 đồng thì hãng Grab phải xuất hóa đơn với mức 10% thuế GTGT của đúng 100.000 đồng, khách hàng sẽ nhận được hóa đơn có giá trị thanh toán bằng tất cả số tiền mình bỏ ra.

Bên cạnh đó, tài xế sẽ chỉ bị khấu trừ 1,5% thuế thu nhập cá nhân mà không phải nộp thêm khoản thuế 3% thuế GTGT cá nhân. Và Grab sẽ phải chịu trách nhiệm khai thay và nộp thay thuế cho toàn bộ doanh thu của đối tác tài xế xe công nghệ.

Hiện Grab vẫn không thừa nhận là đơn vị kinh doanh vận tải, vậy nếu họ không chịu áp mức thuế mới thì có công cụ nào để xử lý?

Grab có công nhận là đơn vị kinh doanh vận tải hay không cũng không liên quan bởi khi Nghị định 126 có hiệu lực nghĩa thì bắt buộc các đối tượng được quy định trong đó phải thực hiện.

Dù từ trước đến nay Grab luôn không công nhận đơn vị kinh doanh vận tải nhưng họ vẫn kê khai thuế theo hướng dẫn của đơn vị kinh doanh vận tải, tuy nhiên, mức doanh thu chỉ kê khai là phần họ nhận (khoảng 20%), phần còn lại kê khai doanh thu của cá nhân chứ không phải là “toàn bộ doanh thu nhận từ khách” như quy định mới.

Với quy định mới, nếu Grab không thực hiện kê khai thì phải chịu mức phạt vi phạm theo quy định xử phạt hành chính thuế của Luật quản lý thuế, được chỉ rõ trong Nghị định 125 vừa mới ban hành. Trong đó, nói rõ các hình thức vi phạm, tùy tình tiết, tùy mức độ mà có những mức xử lý tương ứng.

Tóm lại, với cách áp thuế mới, việc quản lý thu có khả thi không?

Doanh thu họ khai thế nào thì thu thuế đúng như vậy, theo mức của Nghị định mới kể từ thời điểm có hiệu lực. Việc quản lý thu lại là vấn đề khác, nó lại liên quan đến câu chuyên họ có kê đúng hay không.

Cơ quan thuế chỉ xác định cá nhân nhận bao nhiêu thì nộp thêm 1,5% và không can thiệp vào việc lái xe nhận bao nhiêu, hãng taxi được bao nhiêu. Việc kê khai của họ sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam và với những mức phạt tương xứng…

Phía Grab thắc mắc, mức thuế GTGT mà các tài xế công nghệ phải đóng bắt đầu từ ngày 5/12 sẽ giữ nguyên 3% hay tăng lên 10%? Điều này được lý giải ra sao?

Thực tế, với cách tính cũ, Grab sẽ đẩy trách nhiệm cho tài xế đóng mức 3% thuế GTGT cá nhân và “né” được rất nhiều thuế. Ngoài ra cũng nhập nhèm được khoản thu phí nền tảng 2.000 đồng khi tự nhận là hoạt động mô hình công nghệ. Do vậy, với nghị định mới này, mức thuế của Grab sẽ bị tăng lên và họ tự cho đấy là phần thuế của cá nhân tài xế tăng và tiếp tục trừ vào cá nhân là không đúng.

Nên hiện tại, để nói thuế của tài xế bị tăng hay giảm thì lại phụ thuộc vào cách chia phần trăm của Grab khi Nghị định 126 có hiệu lực như thế nào. Nếu đúng bản chất, giữ nguyên mức chia cũ và Grab thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng quy định thì tài xế đang giảm được 3% thuế GTGT cá nhân.

Việc điều chỉnh thuế không đánh vào cá nhân nên thu nhập của tài xế không bị ảnh hưởng và việc đó phụ thuộc phần lớn vào quyết định hợp đồng giữa 2 bên.

Thị trường cạnh tranh sẽ có giá hợp lý nhất

img
Trước khi có Nghị định 126, Grab được hưởng chính sách thuế GTGT thấp, được cạnh tranh về giá nhưng Nhà nước thất thu thuế (Trong ảnh: Khách hàng lên xe GrabCar)Ảnh: Tạ Hải

Với nghị định mới, công cụ nào để giúp taxi công nghệ hoạt động bình đẳng với taxi truyền thống?

Nghị định mới chính là hướng đến sự bình đẳng giữa các hãng taxi truyền thống và công nghệ bởi từ trước đến nay, các hãng taxi truyền thống vẫn đang kê khai 10% thuế GTGT trên toàn bộ doanh thu thu từ khách hàng.

Trong khi, Grab là mô hình hợp tác kinh doanh với tổ chức. Đây là mô hình mới nên câu chữ trong luật cũng chưa có. Các văn bản hướng dẫn trước đây chưa ràng buộc pháp lý khi taxi công nghệ tham gia vào hệ thống vận tải. Vì vậy Nghị định 126 đã được bổ sung các điều khoản để ràng buộc, đưa Grab hoạt động một cách công bằng với các hình thức vận tải khác.

Đồng thời, thực hiện thống nhất các nghĩa vụ về thuế và hóa đơn giống nhau theo đúng luật thuế trong nước, phù hợp quốc tế và cũng là công cụ thực thi buộc các hãng taxi công nghệ phải tuân thủ pháp luật về thuế.

Nhiều người đang lo nếu áp thuế GTGT theo quy định mới sẽ khiến số thuế các hãng taxi công nghệ phải nộp sẽ tăng lên, từ đó các hãng sẽ tăng giá cước và cuối cùng khách hàng bị thiệt. Ý kiến của bà thế nào?

Khi đã xác định là đơn vị kinh doanh vận tải thì buộc các hãng phải xây dựng một khung giá và khách hàng là người lựa chọn khung giá đó.

Câu chuyện ở đây đang được hiểu sai ở chỗ trách nhiệm nộp 10% được quy cho tài xế hoặc khách hàng mà bản chất thuế đang hướng đến tính chung, tính đúng của luật, tránh thất thoát nguồn thuế của nhà nước.

Còn cũng có thể sau khi có nghị định mới thì hai bên sẽ phải điều chỉnh lại hợp đồng. Có thể trước đây chia cho cá nhân 80% thì bây giờ phải ràng buộc thuế thì hãng sẽ chia cho tài xế thấp đi. Đó là thỏa thuận lại quyền lợi được hưởng chứ không phải là thuế.

Chúng ta lại đang hướng đến câu chuyện cạnh tranh của thị trường. Tất cả các hãng taxi đều phải áp dụng một mức thuế như nhau nên không có chuyên ai lợi hơn ai ở trong thị trường cạnh tranh.

Nghị định 126 hướng đến pháp lý lâu dài và chuẩn cơ bản…

Vậy có cách nào để kiểm soát việc tăng giá cước của các hãng?

Giá cả trên thị trường hoàn toàn do thị trường quyết định, cơ quan thuế không có chức năng quản lý việc này. Các hãng cạnh tranh nhau, từ đó khiến cho hãng phải tự điều chỉnh mức giá phù hợp.

Pháp luật thuế phải bình đẳng giữa tất cả các loại hình vận tải và phải dùng chính sách thuế để điều chỉnh vĩ mô kinh tế .

Nói về câu chuyện trước đây, Grab được hưởng chính sách thuế GTGT thấp và được cạnh tranh về giá nhưng nhà nước thất thu thuế. Trong khi, so với các hãng khác, mức giá khách hàng phải trả không hề rẻ. Rõ ràng, Grab đang lợi hơn về thuế suất nhưng người tiêu dùng vẫn bị thiệt.

Một thị trường có sự cạnh tranh, sẽ cho nhiều sự lựa chọn và chắc chắn giá sẽ hợp lý nhất.

Cảm ơn bà!

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội:
Có nộp thuế tiền thu từ phí sử dụng
nền tảng?

img

Khi tăng thuế GTGT lên 10% đối với các cuốc xe công nghệ thì cũng cần phải tăng thuế thu nhập cá nhân đối với tài xế. Cụ thể, thay vì 1,5% hiện nay, cần tăng lên 20% như đối với mức thuế thu nhập doanh nghiệp của taxi truyền thống đang đóng. Bởi lẽ cá nhân hay tổ chức kinh doanh sinh lợi phải có nghĩa vụ thuế bình đẳng, hiện cá nhân lái xe hợp tác kinh doanh với Grab chỉ phải nộp 1,5% thuế thu là bất hợp lý.

Đặc biệt, hiện Grab đang thu 2.000 đồng phí duy trì nền tảng trên mỗi chuyến đi của hành khách, vậy khoản thu này Grab sử dụng thế nào, có kê khai nộp thuế hay không? Thêm nữa, một số tiền lớn khách hàng nộp vào tài khoản chờ của Grab có được công khai, có được trả lãi, có tính vào doanh thu của Grab? Tiền của khách nộp vào tài khoản thì là doanh thu của Grab và Grab cũng phải nộp thuế cho phần doanh thu này.

T. Duy (Ghi)

Tài xế lo bị tăng chiết khấu, giảm thu nhập

Anh Trịnh Đình Sơn, tài xế GrabCarPlus điều kiển xe BKS 30F - 754.xx cho biết, việc tăng thuế từ 3% lên 10% sẽ khiến mức chiết khấu của hãng đối với tài xế tăng lên hơn 30%, nếu như hãng đánh vào tài xế. Hiện một cuốc xe có giá 100.000 đồng tài xế phải nộp lại cho Grab hơn 28.000 đồng. Một ngày chạy xe có tổng doanh thu 1 triệu đồng, sau khi trừ chiết khấu, trừ hết chi phí lái xe còn được 500.000 đồng. Nay tăng thuế thì chỉ còn 200.000 - 300.000 đồng, không đủ chi phí trang trải cuộc sống nên chắc chắn nhiều tài xế sẽ không chạy được nữa.

“Kể cả nếu Grab có đánh vào khách hàng thì khách hàng sẽ thấy giá đắt không đi nữa, đồng nghĩa với tài xế không có thu nhập”, anh Sơn nói.

Đồng quan điểm, tài xế Nguyễn Thành Công, tài xế GrabCarPlus điều khiển xe BKS 88A - 122.xx cho rằng, khi tăng thêm 7%, mức chiết khấu tài xế phải đóng sẽ hơn 30%. Grab sẽ không bao giờ chịu chi phí thuế này. Khách ít, xe thì nhiều, nếu tăng thêm chiết khấu chắc lái xe sẽ nghỉ hết. “Qua nhiều năm tôi chạy xe cho thấy, cuối cùng giá cước sẽ đánh vào khách hàng và khách hàng sẽ phải chịu. Grab đang độc quyền trên thị trường, họ cắt chiết khấu hay tăng giá cước bao nhiêu thì tài xế và hành khách cũng phải chịu”, anh Công cho hay.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Grab cho biết: “Quan điểm của Grab là tuân thủ tuyệt đối pháp luật. Nếu trên thực tế được xem là đơn vị vận tải, Grab sẽ chịu trách nhiệm của người nộp thuế đối với phần doanh thu phát sinh của công ty theo mức thuế áp dụng tương ứng. Hiện nay, chúng tôi đang nghiêm túc tuân thủ theo Công văn 384/TCT-TNCN ngày 8/2/2017 của Tổng cục Thuế”.

Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, sau khi Nghị định 126 có hiệu lực, văn bản số 384/TCT-TNCN ngày 8/2/2017 của Tổng cục Thuế về chính sách thuế đối với hoạt động hợp tác kinh doanh của Công ty Grab Taxi sẽ bị bãi bỏ, xóa bỏ những bất cập, chồng chéo giữa hoạt động của taxi công nghệ và các hãng hoạt động kinh doanh vận tải khác.

Trần Duy

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.