Văn hóa - Giải Trí

GS. TS Trần Văn Phòng: "Con tưới xăng đốt cha mẹ là nỗi đau của cả xã hội"

29/11/2022, 18:38

GS. TS Trần Văn Phòng cho rằng, việc 3 con gái đốt nhà mẹ, chỉ là một hiện tượng cá biệt nhưng cho thấy sự suy thoái đạo đức đã xuất hiện.

Chiều 29/11, Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” bước sang phiên thảo luận thứ 2 về chủ đề: "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ mới".

Yêu cầu cấp thiết trong thời kỳ quá độ

Trong tham luận, GS.TS. Đinh Xuân Dũng - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết, hiện nay, chúng ta đang trong những năm đầu của thời kỳ quá độ “lâu dài, đặc biệt khó khăn, phức tạp”.

img

GS.TS Đinh Xuân Dũng trình bày tham luận tại hội thảo (Ảnh: Zing)

Theo ông Đinh Xuân Dũng, thời kỳ này đang đặt ra rất nhiều sự lựa chọn, tính đa chiều trong nhận thức, trong thế giới tinh thần dẫn tới các xu hướng: lựa chọn đúng hướng, đứng vững; sự lúng túng, chờ thời và sự chệch hướng, cả cơ hội và “ngược hướng”… bởi vì các hệ giá trị và chuẩn mực văn hóa đang được sắp xếp lại, tìm tòi mới, mở ra đa dạng hơn, từ đó đặt con người trước những thử thách và sự lựa chọn.

Một sự phân nhánh, phân hóa không tránh khỏi: những người thủy chung với lý tưởng, khát khao tìm tòi đổi mới, kiên định gắn chặt với năng lực sáng tạo; những người bảo thủ, thủ cựu; những người đuối sức không đi tiếp được chặng đường đã chọn; những kẻ chờ thời, cơ hội, “hai mặt” vội tách ra khỏi đội ngũ, phủ định chính mình và tự coi là đã tìm ra “chân lý mới”; và những kẻ phản bội, thù địch lợi dụng thời cơ để chống phá.

Do đó, ông Đinh Xuân Dũng đặc biệt nhấn mạnh: "Tôi thực sự thấm thía khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu rằng: "Mất người là mất chế độ".

Thực tiễn đó đặt ra một nhiệm vụ vừa cấp thiết vừa chiến lược là phải khẩn trương, khoa học, từ tổng kết thực tiễn, xây dựng cho bằng được các giá giá trị văn hóa của quốc gia – dân tộc, của con người Việt Nam để định hướng đúng đắn cho sự lựa chọn, để đấu tranh với các khuynh hướng phản giá trị, lúng túng, bi quan, thờ ơ, dẫn tới lệch chuẩn, loạn chuẩn… đang tồn tại và có nguy cơ lan tràn trong thời kỳ quá độ hiện nay và những năm sắp tới.

Đó là một đòi hỏi cấp thiết, khách quan nhằm nuôi dưỡng, xây dựng và phát triển con người với những giá trị cao đẹp của dân tộc trong thời kỳ quá độ vô cùng khó khăn và phức tạp này".

Hệ giá trị quốc gia cần được xây dựng đồng bộ

Tham luận về “Một số vấn đề về xây dựng hệ giá trị quốc gia” GS. TS Trần Văn Phòng - nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Mỗi quốc gia, dân tộc trên con đường xây dựng và phát triển luôn luôn xây dựng cho mình một hệ thống giá trị nhất định hay còn gọi là hệ giá trị quốc gia.

img

GS. TS Trần Văn Phòng - nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Ảnh: Thanh Niên)

Hệ giá trị quốc gia vừa như là đích đến, vừa như là tiêu chuẩn để đánh giá ý nghĩa của các sự vật, hiện tượng đối với cá nhân, cộng đồng xã hội, quốc gia, được các cá nhân, cộng đồng xã hội, quốc gia thừa nhận, trở thành điểm tựa tinh thần để mọi cá nhân, cộng đồng xã hội và cả quốc gia vươn theo, hướng tới và hành động theo.

Ông Trần Văn Phòng cho rằng, để từng bước nghiên cứu, xây dựng được hệ giá trị quốc gia, cần xác định rõ nội hàm của hệ giá trị quốc gia.

Tuy nhiên, ông khẳng định: “Đây là vấn đề khó nhất”, có lẽ còn phải nhiều hội thảo, tọa đàm nữa mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ này.

Ông Phòng phân tích, hệ giá trị quốc gia Việt Nam phải thống nhất với hệ giá trị của chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta lựa chọn xây dựng, đó là: "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Ông Phòng đề xuất thêm thành tố “hạnh phúc” vào hệ giá trị quốc gia thành: “Dân giàu, hạnh phúc, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

“Anh giàu nhưng anh không hạnh phúc thì cũng vứt đi, tóm lại là như vậy”, ông Phòng nêu.

Ông Phòng cũng đề xuất, cần phải dựa vào nhân dân để xây dựng hệ giá trị quốc gia gắn với xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người và hệ giá trị gia đình Việt Nam. Bởi lẽ, 4 hệ giá trị này tự thân đã gắn bó chặt chẽ với nhau.

"Bốn yêu cầu trên phải được quán triệt đồng bộ, toàn diện trên thực tế thì việc xây dựng hệ giá trị quốc gia mới hiệu quả, thiết thực, tránh được giáo điều cũng như thành tích và hình thức.

Với sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự chủ động, tích cực của mỗi người dân, cơ quan, ban, ngành; với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước chúng ta sẽ xây dựng được hệ giá trị quốc gia trong sự thống nhất với hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người và hệ giá trị gia đình Việt Nam.

GS, TS Trần Văn Phòng cũng đề nghị cần có lộ trình, bước đi phù hợp thực tiễn trong xây dựng hệ giá trị quốc gia vì đây là quá trình lâu dài, không thể nóng vội cũng không thể chậm trễ.

Theo vị GS, trong tình hình hiện tại cũng cần thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội. Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam.

“Con tưới xăng đốt cha mẹ thì đây là nỗi đau của cả xã hội chứ không phải riêng gia đình đó”, ông Phòng nói và cho rằng dù đây chỉ là một hiện tượng cá biệt nhưng cho thấy sự suy thoái đạo đức đã xuất hiện. "Đặc trưng nhất của chủ nghĩa xã hội là giáo dục, y tế, chăm sóc con người.

Thế nhưng bây giờ người ta kinh doanh trên tính mạng con người, buôn bán khi giáo dục con người thế còn gì là chủ nghĩa xã hội. Nếu chúng ta không làm nhanh việc này thì nguy cấp”, ông Trần Văn Phòng phân tích.

Thách thức và giải pháp giữ gìn và phát huy các hệ giá trị

Trong tham luận của mình, PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội bàn về “Giải pháp giữ gìn và phát huy hệ giá trị dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học của nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”.

img

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (Ảnh: Thanh Niên)

Bàn về thách thức trong việc xây dựng hệ giá trị văn hóa, PGS, TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, đó là những mặt trái của nền kinh tế thị trường với sự xu hướng chạy theo chủ nghĩa vật chất, cái tôi cá nhân trở nên thống trị.

"Rõ ràng rằng tư tưởng "tiền trong túi ai thì vầng hào quang tỏa trên đầu người đó", "tiền là tiên là phật"... chắc chắn tồn tại trong không ít con người chúng ta. Đó là nguyên do làm cho không ít vấn đề liên quan hệ giá trị văn hóa thay đổi, bao gồm cả mặt tốt và không tốt", ông Sơn nói.

Bên cạnh đó là thách thức khi hội nhập quốc tế với nhiều cái mới, chứng kiến nhiều hào nhoáng, bóng bẩy, lạ lẫm, những giá trị phương Tây dẫn đến "nhiều khi có những cái mất tập trung nhất định".

Cùng đó, sự phổ biến của khoa học công nghệ đặc biệt là công nghệ thông tin, internet, mạng xã hội. Theo ông Sơn, đây là "thứ nối dài khiến chúng ta đi vào chu trình của thứ chi phối tâm trí, văn hóa, xã hội". Những công nghệ mới này tạo ra những nhận thức mới, thói quen, ngôn ngữ và lối sống mới và chi phối sự hình thành giá trị mới.

"Chúng ta có xã hội phong phú hơn, bối cảnh mới hơn, do đó cần có hệ giá trị mới để điều tiết. Đây là vấn đề cấp thiết trong xã hội hiện nay để tập trung giải quyết, hành động hướng đến giá trị đề cao, lan tỏa sức mạnh của dân tộc Việt Nam", ông Sơn nhấn mạnh.

Từ bối cảnh này, ông Sơn đề xuất nhiều giải pháp để giữ gìn và xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam.

Một là, xác định nội hàm cụ thể của hệ giá trị. Hai là, hoàn thiện thể chế, chính sách.

Ông Sơn cho rằng Việt Nam đã rất thành công trong đổi mới chính trị, thành công trong đổi mới kinh tế và giờ đây đã đến lúc thích hợp rồi.

"Không phải ở đây thì ở đâu? Không phải chúng ta thì là ai? Đã đến lúc chúng ta cần có sự đổi mới về văn hóa dựa trên tư duy quản lý văn hóa trên cơ sở quyền văn hóa, tinh thần hành chính công hiện đại, Chính phủ kiến tạo...", ông Sơn nhấn mạnh.

Ba là, đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội đồng thời giữ nghiêm kỷ cương, phép nước. "Pháp luật là văn hóa tối thiểu còn văn hóa là pháp luật tối đa. Chính vì thế, giá trị dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học phải được xây dựng, hình thành và phát triển trên cơ sở thực hành dân chủ", ông Sơn nói.

Bốn là, nêu cao vai trò đầu tàu gương mẫu của tầng lớp lãnh đạo, quản lý xã hội, đội ngũ văn nghệ sĩ.

"Trong bối cảnh xã hội rất phức tạp, khiến con người rất dễ phân tâm trong việc xác định định hướng giá trị của mình thì việc làm gương là một giải pháp quan trọng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Do tầng lớp lãnh đạo, quản lý xã hội và đội ngũ văn nghệ sĩ là những người được nhân dân quan tâm, chú ý nên việc làm gương của họ có ý nghĩa rất lớn trong việc định hình và thực hành giá trị văn hóa", ông Sơn phân tích.

Năm là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về giá trị và hệ giá trị. Sáu là, phát huy vai trò của các thiết chế gia đình, nhà trường và xã hội trong xây dựng hệ giá trị.

Bảy là, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần hình thành và củng cố các giá trị tốt đẹp. Tám là, phát huy vai trò, sứ mệnh của văn học, nghệ thuật trong xây dựng giá trị.

"Tựu chung lại, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam thời kỳ mới có thành công hay không rất cần sự vào cuộc quyết liệt của tầng lớp lãnh đạo, sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ trí thức, sự tham gia của các gia đình, nhà trường và sự đồng thuận, hưởng ứng của toàn xã hội", ông Sơn kết luận.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.