Hạ tầng

Hà Nội: Dự án đường Vành đai 2,5 bao giờ mới xong mặt bằng?

18/08/2021, 10:05

Dự án Vành đai 2,5 đoạn từ Đầm Hồng đến QL1A dài khoảng 2km, sau 11 năm vẫn vướng GPMB khiến giao thông tại đây lộn xộn, cảnh quan nhếch nhác.

Chiều 16/8, có mặt tại tuyến đường 2,5 đoạn Đầm Hồng - QL1A, hình ảnh PV Báo Giao thông ghi nhận vẫn là một công trường nham nhở, “khuyết” hai đầu và mất ATGT ở phần giữa.

img

Cầu Đền Lừ mới thi công được trụ giữa sông, không có mặt bằng để thi công mố và nhịp, buộc phải phơi mưa nắng nhiều năm

11 năm triển khai, dự án vẫn “khuyết” hai đầu

Cần phải nói rằng, dự án trên được UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch từ năm 2002 với chiều dài khoảng 2,1km, mặt cắt đường 40m với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng.

Dự án được đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (Xây dựng - Chuyển giao) do Liên danh Công ty CP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội cùng Công ty Xây dựng công trình Hoàng Mai làm chủ đầu tư. Thời gian dự kiến đưa vào khai thác là cuối năm 2016.

Thế nhưng, đến nay, dù đã “trễ hẹn” gần 5 năm, tuyến đường 2,5 đoạn Đầm Hồng - QL1A mới được cơ bản hoàn thiện 1,5km phần giữa, nơi hội tụ đông đúc các tòa chung cư của khu đô thị Đại Kim nằm bên đường (hướng Đầm Hồng). Trong khi đó, hai bên đầu đường, vẫn ngổn ngang nhiều hạng mục dang dở.

Đầu đường phía Định Công (ngõ 148 đường Trịnh Đình Cửu hiện hữu), hàng loạt hộ dân vẫn chưa chịu di dời để bàn giao mặt bằng phục vụ dự án khiến hơn 100m đường chưa thể hoàn thiện, mặt đường vẫn nham nhở đá.

“Thời điểm Hà Nội chưa thực hiện giãn cách xã hội, tuyến đường ô nhiễm đến mức chỉ sau 10 phút xe cộ qua lại, các cây bên đường đã “trắng lá”. Rồi cứ sau mỗi trận mưa, lớp cấp phối nền đường lại “lỗ chỗ” thêm vài vị trí, nhìn như “đường ruộng”, một người dân sống tại đầu ngõ 148 Trịnh Đình Cửu chia sẻ.

Cũng theo người này, sở dĩ các hộ dân chưa chịu di dời là do giá đền bù đất chủ đầu tư đưa ra chưa thỏa đáng và có phần… khó hiểu.

“Như năm 2017, mức giá được đề nghị với nhà tôi là 25 triệu đồng/m2 nhưng mảnh đất tôi cắt bán cho hộ dân bên cạnh (cùng một dải đất) lại được đền bù tới 40 triệu đồng/m2. Từ năm đó đến nay, chưa ai gặp gỡ đề nghị hay thương thảo một mức giá khác”, người dân này cho hay.

Một hạng mục khác phía Định Công là cầu sông Lừ hiện cũng đang trong tình trạng “treo”. Quan sát cho thấy, hiện cây cầu này mới hoàn thành phần trụ. Bản mặt thép thi công dở dang sau thời gian dài “bỏ ngỏ” đã bắt đầu hoen gỉ. Quá trình đi lại của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào cây cầu tạm cũ kỹ.

Di chuyển tới đầu đường khu vực Đầm Hồng, sự nhếch nhác của dự án còn nghiêm trọng hơn. Trải dài trên đoạn đường từ nút giao đường Vành đai 2,5 với phố Trần Điền đến nút giao với ngõ 192 đường Lê Trọng Tấn là hàng dài phương tiện thi công nối đuôi nhau nằm bất động, dần hoen gỉ. Những đống vật liệu, ống bê tông xây dựng hệ thống thoát nước thì ngập trong cỏ dại.

Tương tự, đầu khu vực đầu đường Trịnh Đình Cửu, đường Vành đai 2,5 (Đầm Hồng - QL1A) đoạn cuối từ ngõ 192 Lê Trọng Tấn về hướng Đầm Hồng, công tác thi công cũng mới chỉ dừng ở giai đoạn làm nền, cấp phối khiến các phương tiện hàng ngày phải di chuyển trên con đường hoang tàn bởi cỏ dại, rác thải và những vũng nước ngập úng sau mỗi trận mưa.

Dang dở vì vướng GPMB

img

Tuyến đường thi công bỏ dở giữa chừng khiến người dân lưu thông khó khăn do hạ tầng xuống cấp

Ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư các công trình Giao thông Hà Nội cho biết, tuyến đường Vành đai 2,5 khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ giảm tải cho QL6, kết nối với đường Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân) và thông ra Vành đai 3, đoạn Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi.

Đây cũng là dự án chờ đấu nối vào hầm chui Kim Đồng (Hoàng Mai), nhằm giải tỏa điểm nghẽn cho nút giao Kim Đồng - Giải Phóng. Hiện nay, do dự án chậm tiến độ, những ngày chưa giãn cách xã hội lưu lượng giao thông trên trục đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) không có hướng giải tỏa nên thường xuyên ùn tắc.

Từ năm 2010 đến nay, UBND TP Hà Nội đã có nhiều văn bản đốc thúc các địa phương sớm hoàn thành GPMB, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.

Nhưng trên thực tế, dự án mới phê duyệt được 618/620 phương án bồi thường, hỗ trợ (586 phương án thuộc quận Hoàng Mai và 32 phương án thuộc quận Thanh Xuân).

Ngoài ra còn 3 phương án thuộc phường Định Công chưa được phê duyệt và chưa biết còn kéo dài đến bao giờ.

Liên quan đến việc dự án thi công bỏ dở giữa chừng và gây mất ATGT, Ban QLDA Đầu tư các công trình giao thông Hà Nội cho biết, thời gian qua Ban cũng liên tục nhắc nhở, yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu phải chấp hành nghiêm.

“Thời gian này đang giãn cách xã hội nên theo yêu cầu của TP, dự án ngừng triển khai thi công”, vị này cho biết.

Ông Đinh Quang Tiến, Phó giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hoàng Mai cho biết, chủ đầu tư đã phải bỏ ra hơn 600 tỷ đồng để triển khai dự án, hiệu quả đầu tư theo tính toán ban đầu đã “phá sản”. Trong khi đó vẫn phải chi phí cho máy móc, con người nằm chờ nên khó khăn càng chồng chất.

“Việc chậm tiến độ dự án kéo theo rất nhiều hệ luỵ, từ đời sống của người dân đến an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường trong phạm vi dự án bị ảnh hưởng rất lớn. Hiện hạng mục cầu Đền Lừ mới thi công được trụ giữa sông, không có mặt bằng để thi công mố và nhịp, buộc phải phơi mưa nắng nhiều năm. Nhiều người dân trong khu vực tỏ ra rất bức xúc do công trình chậm tiến độ, đường sá sụt lún, nhiều nơi biến thành bãi rác”, ông Tiến nói.

Theo nhà đầu tư, dự án cần phải có 3 - 4 cuộc cưỡng chế thu hồi, GPMB nữa mới có mặt bằng để triển khai. “Chúng tôi rất mong sớm có mặt bằng để triển khai, hoàn thành dự án. Trong đó đặc biệt kiến nghị chính quyền địa phương ưu tiên GPMB trước khu vực xây dựng cầu Đền Lừ”, ông Tiến đề nghị.

Để làm rõ những khó khăn trong quá trình GPMB của dự án, ngày 17/8 PV đã liên hệ qua số điện thoại của ông Đỗ Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, tuy nhiên không nhận được phản hồi.

Theo quy hoạch của UBND TP Hà Nội, tuyến đường Vành đai 2,5 dài 30km, có chiều rộng mặt đường 40m. Tuyến đường này có điểm đầu là Tây Hồ Tây, điểm giữa đi qua Nguyễn Văn Huyên, Dương Đình Nghệ, Trung Kính, Hoàng Đạo Thúy, Khu đô thị Khương Đình - Định Công, Kim Đồng - Tân Mai; điểm cuối là Đền Lừ.

Dự án được chia thành 3 giai đoạn để triển khai và xây dựng gồm: Giai đoạn 1 (Đoạn từ Vĩnh Tuy - Tân Mai - Kim Đồng và Khu đô thị mới Định Công); giai đoạn 2 (Đầu tư và mở rộng tuyến đường từ Hoàng Đạo Thúy đến Khu đô thị Tây Hồ Tây); giai đoạn 3 (Đoạn từ Hoàng Đạo Thúy đến Khu đô thị mới Định Công).

img

Từ 1/10, đi đăng kiểm không phải xuất trình bảo hiểm xe ô tô

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.