Đô thị

Hà Nội: Tạo "đòn bẩy" cho vận tải khách liên tỉnh phục hồi sau dịch

26/10/2021, 17:07

Sau 2 tuần Hà Nội mở lại vận tải khách liên tỉnh, nhà xe luôn trong cảnh “đói” khách và đối diện nguy cơ tạm dừng do không đủ khả năng bù lỗ.

Giảm phí bến bãi, hỗ trợ doanh nghiệp “hồi sức”

Ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GTVT, đơn vị này đã xây dựng kế hoạch mở lại vận tải khách liên tỉnh, không ban hành tiêu chí riêng. Sở cũng lấy ý kiến thỏa thuận với 6 tỉnh, thành phố cho phép mở lại tần suất 5% số chuyến của doanh nghiệp trong thời gian qua. Tuy vậy, hai tuần thực hiện thí điểm cho thấy, hoạt động vận tải khách liên tỉnh vẫn còn ảm đạm, hành khách đi lại rất ít.

img

Vận tải liên tỉnh hoạt động trở lại được gần hai tuần, song, tại các khu vực bến xe vẫn là cảnh đìu hiu, số lượng nhân viên nhà xe còn nhiều hơn cả lượng hành khách đến. Trong ảnh: BX Giáp Bát sáng ngày 25/10.

“Để động viên các nhà xe mới hoạt động trở lại lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội thời gian qua cũng kiến nghị thành phố nhiều giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp, trong đó có đề ra giải pháp cụ thể như giảm phí dịch vụ bến bãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động để hoạt động vận tải khách dần trở lại trạng thái ổn định”, ông Long nói.

Theo đại diện Công ty CP Bến xe Hà Nội, ngay sau khi hoạt động vận tải khách liên tỉnh tái hoạt động, đơn vị này đã chủ động xây dựng kênh trao đổi trực tuyến trên zalo, trong đó có sự tham gia của các địa phương, nhà xe để trao đổi thông tin, kịp thời giải quyết vướng mắc phát sinh trong điều tiết, tổ chức vận tải và công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thống kê của Công ty CP Bến xe Hà Nội (đơn vị quản lý các bến: Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm), từ ngày 14 - 24/10, cả 3 bến xe mới có 809 xe xuất bến với hơn 3.400 hành khách.

Riêng tại BX. Giáp Bát, số lượng hành khách đạt từ 400 - 500 hành khách/ngày, cao điểm ngày 24/10 mới có khoảng 650 hành khách/ngày thay vì 1,5 vạn khách/ngày như thời điểm bình thường.

Tại BX. Nước Ngầm, dù Hà Nội thực hiện thí điểm vận tải khách liên tỉnh từ ngày 13/10, nhưng đến ngày 20/10 tại bến mới có một số nhà xe các tuyến đi Vinh, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Vũng Tàu lên hoạt động. Các xe đều vắng khách, chưa đạt 20% sản lượng trước thời gian giãn cách xã hội.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải nhận định, thời điểm này, dịch Covid-19 vẫn phức tạp do mức độ phủ vắc xin phòng dịch tại nhiều địa phương còn thấp nên hành khách còn e dè trong việc đi lại. Tình trạng này kéo dài, nhà xe cũng “hụt hơi”, buộc phải xin nghỉ tạm thời.

“Cơ quan chức năng cần căn cứ tình hình dịch bệnh để có giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh, đó không chỉ là phí bến, bãi mà còn là phí cầu, đường để DN bớt được gánh nặng tài chính”, ông Liên nói.

Càng chạy càng lỗ

Trước đó, chiều 25/10, có mặt tại BX Nước Ngầm, PV chứng kiến những khoảng trống khu vực xếp khách đã được phủ kín bởi các tuyến xe khách quay trở lại hoạt động. Thế nhưng, cả khoảng sân rộng hàng nghìn mét vuông chỉ lác đác vài hành khách. Mật độ phương tiện đưa hàng hóa đến gửi về các tỉnh cũng thưa thớt, trầm lắng.

Anh Đỗ Việt, nhân viên một nhà xe đi Nam Định cho biết, dù hoạt động thí điểm vận tải khách được hoạt động từ ngày 13/10, nhưng nhà xe mới bắt đầu hoạt động tại bến được 3 ngày. Đến nay, nguồn thu của những chiếc xe phục vụ chở khách lại chủ yếu đến từ việc vận chuyển hàng hóa. Chi phí hoạt động lớn, khách ít, hàng lẻ tẻ khiến nhà xe chạy ngày nào lỗ ngày đó, mức lỗ tới vài triệu đồng", anh Việt giãi bày.

img

Tại khu vực BX.Nước Ngầm những ngày này cũng gần như vắng bóng hành khách, chỉ lác đác một vài xe đưa hàng đến gửi đi ngoại tỉnh.

Buổi sáng cùng ngày (25/10), anh Nguyễn Khánh, chủ xe khách liên tỉnh chạy tuyến Trực Phú (Nam Định) - BX.Giáp Bát cũng bần thần đứng tại khu vực xếp khách, ánh mắt thất thểu nhìn về hành lang kết nối nhà chờ với sự mong mỏi đón thêm được vài ba hành khách trước giờ xuất bến cận kề.

Chỉ vào chiếc xe của mình, anh Khánh cho biết, 9h40 xe đã xuất bến nhưng khách thì lác đác, đón lõng cả tiếng đồng hồ mới được hai khách. Sáng nay chuyến lên cũng chỉ có 3 người, bằng 1/10 số ghế.

“Tổng chi phí cho mỗi chuyến xe (nhiên liệu, phí cầu đường, nhân lực) là 2,1 triệu đồng. Trong khi cả lượt đi lượt về chưa nổi 10 khách. Với giá vé chưa đến 100.000 đồng/người, ngày đầu tiên chạy lại sau 4 tháng giãn cách xem như lỗ nặng”, anh Khánh than.

Chia sẻ thêm, anh Khánh cho biết, tuyến xe này mở cùng với hai người khác với vốn góp đầu tư ban đầu khoảng 800 triệu đồng/người. Thế nhưng, hi vọng hồi vốn vẫn “xa tận chân trời” khi dịch Covid-19 và lệnh giãn cách, tạm dừng hoạt động vận tải liên tỉnh cứ đến dồn dập.

Mặc dù lượng khách chưa có sự đột biến, song, ghi nhận của PV cho thấy, công tác phòng dịch Covid-19 vẫn được các bến xe thực hiện nghiêm ngặt.

Để kiểm soát phù hợp với tình hình thích ứng an toàn, Hà Nội cũng đã đề ra quy trình vận tải khách liên tỉnh tại các bến xe, yêu cầu hành khách trước khi lên xe phải khai báo y tế qua mã QR Code dán ở cửa xe; danh sách hành khách sẽ được gửi 3 bản ở hai đầu bến và bến xe để phục vụ truy vết khi có yêu cầu và dữ liệu y tế của hành khách, số điện thoại, địa điểm di chuyển... sẽ được gửi về các cơ sở y tế.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.