Bất động sản

Hạ tầng kém, vì sao đất Củ Chi vẫn “nóng”?

14/04/2022, 06:00

Hạ tầng giao thông kém phát triển, thiếu các dịch vụ tiện ích nhưng đất Củ Chi vẫn được nhà đầu tư săn tìm.

Lý do là sau đề xuất đưa Củ Chi lên thành phố trực thuộc TP.HCM, sắp tới một hội nghị xúc tiến đầu tư vào Củ Chi tầm cỡ sẽ được tổ chức.

img

Những khu đất cách thị trấn Củ Chi khoảng 10km có giá trên 2 tỷ đồng/500m2

Đất tăng từng giờ

Mới sáng đầu tuần, chị Bích Mai (TP Thủ Đức) cùng nhóm bạn vượt 40km, có mặt rất sớm ở Củ Chi, không phải để nhâm nhi ly cà phê ở vùng đồng quê mát mẻ, mà là “chạy đi coi đất”. “Chạy” là vì việc mua bán đất ở đây những ngày này rất sôi động.

Đêm hôm trước, nhân viên môi giới cập nhật cho chị Mai 7 lô đất khác nhau trong đó có đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, đất thổ cư.

Thông tin từ Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM cho biết, đơn vị này sắp tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư vào hai huyện Củ Chi và Hóc Môn. Theo kế hoạch, sẽ có 55 dự án được mời gọi đầu tư với tổng số vốn lên đến hơn 285.000 tỷ đồng (tương đương 12,4 tỷ USD). Các dự án bao gồm: Hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ và văn hóa - thể thao
Trong đó có một số dự án của Tập đoàn Hưng Thịnh (khu dân cư 6-4, dự kiến 2.000 tỷ đồng); Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Văn Lang với dự án Khu đô thị đại học, mức đầu tư 15.000 tỷ đồng; Tập đoàn Surbana Jurong đầu tư khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái nhà vườn tại xã Trung An (Củ Chi) tổng mức đầu tư 25.300 tỷ đồng…

Đất chính chủ, giờ xuống tiền đặt cọc hay mua, gọi là F1. Những người như chị Mai là dân “săn” đất, mua bán đón lõng thời cơ, chờ kiếm lời.

Một miếng đất vườn diện tích 600m2, nằm giữa cánh đồng xã Trung Lập Thượng, cách đường nhựa xa, nhân viên môi giới kêu giá 1,2 tỷ đồng. “Giá này đảm bảo bao lời”, nhân viên môi giới nói.

Một miếng đất khác cũng đất nông nghiệp, diện tích 500m2 nhưng có 100m2 thổ cư được kêu giá 2,3 tỷ đồng. Giá cao gấp đôi miếng đất trước đó “vì có thổ cư”.

Một lô đất khác cũng 500m2, đất trồng cây lâu năm và không có diện tích thổ nhưng lại đang rao bán giá 4 tỷ đồng.

“Do lô đất này đẹp, đang trồng cây ăn quả, dựng lều và xây tường, có ao cá, phù hợp cho những người ở thành phố cuối tuần về thư giãn. Đặc biệt khu đất không nằm trong quy hoạch nên an tâm”, nhân viên môi giới phân tích.

Đi lòng vòng và chị Mai quyết định chốt mảnh đất 500m2 có thổ cư giá 2,3 tỷ đồng vừa xem một giờ trước đó.

Nhưng thật bất ngờ, khi quay lại, chủ đất kiên quyết đòi… 2,5 tỷ đồng, tăng thêm 200 triệu đồng so với một tiếng đồng hồ trước đó.

Tương tự như vậy, ở xã Trung Lập Hạ, nhân viên môi giới tối hôm trước rao 3 miếng đất. Nhưng khi chị Mai hỏi thì được biết, nhóm môi giới khác đã mua sỉ và bán lại cho sàn bất động sản.

Do có nhiều thông tin hơn nên với những lô đẹp, nhân viên môi giới đã “chớp” trước, chờ bán lại cho người sau. Đây cũng là nguyên nhân của việc thị trường chộn rộn.

Theo khảo sát, giá đất Củ Chi hiện nay tăng từ khoảng 30-50% so với thời điểm trước Tết.

Cẩn trọng để tránh rủi ro

img

Đất nền được cắm cọc bê tông, ngày ngày đều có xe ô tô từ các nơi về xem

Ở Củ Chi giờ đây người bán quán nước, anh chạy xe ôm…, tất thảy đều là “chuyên gia dắt mối nhà đất”.

Chị Mai Thị Thuỳ, một người dân Củ Chi cho biết, trước đây chị làm chủ một tiệm làm đẹp. Mấy tháng nay đất sốt sình sịch nên chị dẹp tiệm, làm “cò” luôn.

Ở Củ Chi “cò đất” có nhiều loại. Thứ nhất là dân địa phương như chị Thuỳ. Họ thường là “cò con”, chủ yếu nghe ngóng và biết người thân quen muốn bán đất nên giới thiệu kiếm hoa hồng.

Nhiều nhất phải kể đến là các công ty môi giới đặt văn phòng tại thị trấn, trung tâm xã, thôn. Các công ty môi giới này thường môi giới thì ít mà mua đi bán lại thì nhiều. Họ tìm thấy những lô đất có thể sinh lợi là xuống tiền đặt cọc, rồi “môi giới” cho chính mảnh đất đã mua. Đất sốt từng ngày, từng giờ cũng chính vì lý do này.

Tất nhiên người mua cũng có lý do của họ vì trên thực tế, khi có thông tin về việc Củ Chi sẽ lên thành phố trực thuộc TP.HCM và có nhiều dự án đang đầu tư vào đây, việc sinh lợi từ đất là hoàn toàn có thể.

TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia kinh tế nhận định, cho dù báo chí có tuyên truyền rằng “sốt đất, cẩn trọng khi mua đất thì giá đất vẫn tăng”. Cụ thể như ở Thủ Đức, kể từ khi có thông tin lên thành phố giá đất đã tăng chóng mặt. Tương tự như vậy ở Củ Chi, khi quỹ đất ở TP.HCM khan hiếm thì đất Củ Chi và quy hoạch đô thị ở vùng này chính là động lực để giá đất tăng.

img

Cách đây 6 tháng, con đường này vẫn là bãi đất trống nhưng nay nhà vườn mọc lên san sát

“Tuy nhiên để tránh gặp rủi ro, người mua đất phải tìm hiểu kỹ, đất có ra sổ được không, pháp lý ra sao… và nhớ rằng đầu tư đất hãy chuẩn bị tinh thần từ 2-3 năm”, ông Minh khuyến cáo.

Theo báo cáo của Chợ Tốt Nhà mới đây, lượng tìm kiếm nhà đất tăng mạnh tại khu ven Sài Gòn, trong đó nổi bật là huyện Củ Chi, luôn ở mức cao gấp đôi so với khu vực thứ 2 là quận 9 (TP Thủ Đức).

Giá bán trung bình cho một mảnh đất 200m2 tại huyện Củ Chi dao động ở mức 3,4 - 3,5 tỷ đồng (khoảng 17,5 triệu đồng/m2). Ngoại trừ một số trường hợp “hét giá”, thì giá đất tại đây cũng chỉ tăng nhẹ, chưa có biến động quá lớn.

Mấy năm trước đây, đất Củ Chi cũng từng xảy ra sốt khi có những thông tin như xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, xây đường ven sông Sài Gòn bắt đầu từ Củ Chi…

Sau đó, thị trường hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư mua đất bán ra khó khăn. Lý do tính thanh khoản thị trường nhà đất Củ Chi chưa hội đủ các yếu tố để giá gia tăng bền vững, hạ tầng giao thông kết nối trung tâm TP.HCM vẫn hạn chế, thiếu nhiều tiện ích dịch vụ…

Vì thế, giá đất tăng nóng rồi chững lại đi xuống. Giá đất Củ Chi vẫn tăng theo từng năm nhưng tăng ít không đáng kể so với nhiều khu vực quận huyện khác của TP.HCM.

Huyện Củ Chi có tổng diện tích chiếm 1/4 diện tích TP.HCM nhưng chủ yếu là đất nông nghiệp, còn nhiều quỹ đất để phát triển nông nghiệp - công nghiệp công nghệ cao, hạ tầng giao thông...

Hiện tại, hạ tầng giao thông trên địa bàn kém phát triển. Các trục đường chính hiện nay như QL22, TL8, 15... đã quá tải, kém an toàn. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của huyện phát triển không đảm bảo, dù có nhiều khu công nghiệp nhưng hạ tầng bên ngoài chật hẹp khiến việc vận chuyển hàng hóa không thuận lợi.

Mới đây, tại Hội thảo khoa học “Định hướng, tiềm năng phát triển và cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn Củ Chi”, nhiều nhà khoa học, chuyên gia đồng thuận về đề xuất đưa huyện Củ Chi lên thẳng thành phố, không lên quận.

Theo nhiều chuyên gia bất động sản, đây mới chỉ là đề xuất, nếu nhà đầu tư không kiểm tra kỹ, đầu tư lướt sóng dựa trên những thông tin chưa rõ ràng sẽ gặp rủi ro rất lớn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.