Xã hội

Hải Dương: Thêm bệnh viện bị tố “rút ruột” ngân sách từ tiền trực Covid-19

20/04/2021, 07:43

Nhiều người không có tên trong danh sách trực Covid-19 được nhận từ 8-17 triệu. Còn những người có tên trong danh sách trực chỉ được 1-3 triệu.

img

Bệnh viện Phục hồi chức năng Hải Dương nơi bị “tố” trục lợi tiền trực Covid-19

Không chỉ tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Hải Dương xảy ra tình trạng danh sách trực Covid-19 một đằng nhưng danh sách nhận tiền hỗ trợ trực Covid-19 một nẻo, mà tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hải Dương cũng xảy ra tình trạng này.

Đi học vẫn có tên nhận tiền hỗ trợ trực Covid-19

Theo phản ánh của cán bộ, người lao động Bệnh viện Phục hồi chức năng Hải Dương, tháng 12/2020, khoảng 100 cán bộ, người lao động đang công tác, làm việc tại bệnh viện này nhận được một khoản tiền chuyển vào tài khoản trả lương (ngân hàng Vietinbank) với nội dung “tiền trực Covid năm 2020”.

Điều bất thường là trong số này, rất nhiều người không có tên trong danh sách trực Covid-19 cũng được nhận từ 8.000.000 - 17.000.000 đồng. Còn những người có tên trong danh sách trực lại chỉ được nhận từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng.

Điển hình là trường hợp bà Hà Thị Huệ (Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp) nhận được 15.540.000 đồng; ông Vũ Xuân Hiển (Phó phòng Kế hoạch tổng hợp) nhận 15.330.000 đồng; bà Trần Thị Thu Phương (Phó khoa Y học Cổ truyền) nhận 11.340.000 đồng; ông Nguyễn Tuấn Đạt (Trưởng khoa Y học Cổ truyền) nhận 13.020.000 đồng; bà Nguyễn Thị Nhung (Kỹ thuật viên trưởng khoa Nội nhi) nhận 13.650.000 đồng; bà Nguyễn Thị Liễu (Giám đốc bệnh viện) nhận 15.960.000 đồng…

Những người này không tham gia trực chốt cổng theo danh sách của bệnh viện nhưng vẫn nhận được số tiền trên. Đáng chú ý, ông Nguyễn Tuấn Đạt hiện đang đi học nhưng vẫn được nhận tiền hỗ trợ trực Covid-19.

Ngoài ra, theo danh sách trực Covid-19 được bệnh viện phân công, một số cán bộ, người lao động chỉ nhận được số tiền từ 600.000 - 2.000.000 đồng, thế nhưng một số người khác lại được nhận số tiền cao hơn gấp nhiều lần.

Điển hình như bà Phạm Thị Hồng Gấm (nhân viên phòng Kế hoạch Tổng hợp) được nhận 14.280.000 đồng; bà Đào Thị Thu Hồng (nhân viên phòng Kế hoạch Tổng hợp) nhận 14.700.000 đồng; bà Phạm Thị Tiếp (nhân viên khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn) nhận 14.700.000 đồng; bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh (nhân viên phòng Tổ chức cán bộ) nhận 12.230.000 đồng; bà Trần Thị Thanh Thủy (nhân viên phòng Kế hoạch) nhận 12.230.000 đồng…

Điều đặc biệt, ngay sau khi tiền được chuyển vào tài khoản, Trưởng phòng Tài chính kế toán của bệnh viện là bà Nguyễn Thị Thu Trang đã gọi điện cho từng người nhận số tiền lớn với nội dung: Đây là tiền trực Covid-19 của bệnh viện năm 2020 bắn nhờ vào tài khoản các đồng chí, các đồng chí giữ lại cho mình khoảng 1.000.000 - 2.000.000 đồng, số còn lại rút tiền mặt nộp về Phòng Tài chính kế toán(?!).

Cũng theo cán bộ, người lao động Bệnh viện Phục hồi chức năng Hải Dương, số tiền này khi nộp lại họ không được ký nhận mà phải đưa trực tiếp.

“Việc làm trên làm cho nhân viên chúng tôi rất lo lắng và hoảng sợ vì đây là hành vi “trục lợi” tiền của Nhà nước, không đúng thực tế. Chúng tôi đã lên hỏi trực tiếp Giám đốc Bệnh viện là bà Nguyễn Thị Liễu và nhận được câu trả lời: “Tiền các đồng chí nộp lại để chúng tôi đi lo công việc…”, một cán bộ bệnh viện bức xúc nói.

Lịch trực một đằng, danh sách nhận tiền một nẻo

img

Những người không có tên trong danh sách vẫn được nhận tiền hỗ trợ trực Covid-19

Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, năm 2020, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hải Dương có lập danh sách phân công chốt tầm soát dịch Covid-19. Theo danh sách này, mỗi ngày có 1 - 2 người trực, cả thứ Bảy và Chủ nhật, trong đó bảng phân công đầu tiên được lập vào ngày 12/8/2020 và bắt đầu trực từ ngày 13 - 31/8/2020, mỗi ca có một người trực, riêng thứ Bảy và Chủ nhật tăng cường 2 người trực.

Đến bảng phân công trực tháng 9/2020 được lập ngày 25/8/2020 bắt đầu từ thứ 3 ngày 1 - 30/9/2020 mỗi ngày gồm 2 người; bảng phân công tháng 10/2020 được lập ngày 25/9/2020 bắt đầu trực từ thứ 5 ngày 1 - 31/10, mỗi ca gồm 2 người; bảng phân công tháng 11/2020 được lập vào ngày 30/10/2020 bắt đầu từ Chủ nhật ngày 1 - 30/11/2020, mỗi ca gồm 2 người. Trong danh sách này, không có tên của một số người được lĩnh tiền hỗ trợ trực Covid-19.

Thế nhưng, theo bảng kê tài khoản thanh toán của Bệnh viện Phục hồi chức năng Hải Dương có mã đơn vị 1016058 mở tại Ngân hàng Vietinbank Hải Dương, với nội dung đề nghị thanh toán tiền phụ cấp chống dịch theo Quyết định 180/QĐ-BV ngày 11/2/2020 của Bệnh viện Phục hồi chức năng Hải Dương thì những người không có tên trong danh sách trực đều được lĩnh một số tiền trực Covid-19 khá lớn.

Điển hình nhất là bà Nguyễn Thị Liễu, Giám đốc bệnh viện, không có trong danh sách trực vẫn được lĩnh 15.960.000 đồng, bao gồm tiền hỗ trợ trực là 9.880.000 đồng và tiền hỗ trợ ăn là 6.080.000 đồng; hay các ông Nguyễn Tuấn Đạt, Vũ Xuân Hiển như đã nêu ở phần trên…

Liên quan đến phản ánh của nhân viên, cán bộ bệnh viện, PV Báo Giao thông đã gọi điện, nhắn tin đặt lịch làm việc với bà Nguyễn Thị Liễu, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Hải Dương nhưng đều không nhận được phản hồi.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Sở Y tế Hải Dương cho biết, không đủ thẩm quyền để trả lời, yêu cầu để lại câu hỏi và sẽ xin ý kiến Giám đốc Sở. Tuy nhiên, dù PV Báo Giao thông đã để lại câu hỏi gần 2 tuần nay và liên tục liên hệ lại nhưng Sở Y tế Hải Dương vẫn chưa có bất kỳ phản hồi nào.

Thành lập đoàn xác minh thông tin Báo Giao thông phản ánh

Sau khi Báo Giao thông đăng tải tuyến bài về nghi vấn trục lợi BHYT, tiền trực Covid-19 và lập “quỹ đen” tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Hải Dương, ngày 7/4/2021, Sở Y tế Hải Dương đã ban hành Quyết định số 241 về việc xác minh thông tin Báo Giao thông phản ánh. Hiện đoàn xác minh của Sở Y tế Hải Dương đang làm việc với những người liên quan mà Báo Giao thông đã phản ánh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.