70 năm truyền thống ngành GTVT

Hai nông dân thế chấp số đỏ để làm đường, xây cầu

16/09/2014, 07:01

Chứng kiến các em học sinh đến trường trên con đường làng lầy lội, hai nông dân ở xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa (Long An) đã cầm cố sổ đỏ của gia đình, lấy tiền làm đường, làm cầu...

 

Ông Bé (bên phải) cùng với Trưởng ấp Cầu Lớn bên cây cầu bê tông vừa xây xong
Ông Bé (bên phải) cùng với Trưởng ấp Cầu Lớn bên cây cầu bê tông vừa xây xong

Hai lần cầm cố sổ đỏ 

Trước đây, người dân ở ấp Cầu Lớn muốn ra trung tâm xã, hay về trung tâm thị trấn Thủ Thừa (huyện Thủ Thừa) phải đi bằng xuồng, mất nhiều giờ đồng hồ mới đến nơi. Nhưng từ khi có con đê đất, được đặt tên là kênh T11 thuộc ấp Cầu Lớn, nối liền các xã Bình Thành, Tân Lập… (huyện Thủ Thừa), đường đi lại có phần dễ dàng hơn. Tuy nhiên, do con đê kênh T11 là đường đất nên mùa nắng bụi mù mịt, còn mùa mưa lầy lội, trơn trượt. Khổ nhất là các em học sinh phải thường xuyên đến trường khi quần áo bám đầy bùn đất…

Thấy cảnh đó, ông Trần Văn Bé (52 tuổi, ngụ ấp Cầu Lớn, xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, Long An), từng là một nông dân sản xuất giỏi của tỉnh, đã đề xuất chính quyền vận động người dân ủng hộ tiền, vật tư, công lao động xây dựng tuyến đường này. Sau khi được chính quyền địa phương đồng ý, ông Bé cùng với ông Trần Thanh Thiền (40 tuổi, ngụ cùng ấp - PV) đứng ra vận động 33 hộ dân góp vốn, góp công để thi công tuyến đường dài trên 2 km và hai cây cầu bê tông kiên cố. Sau mấy tháng thi công, cả đường và cầu đều hoàn thành vào năm 2013 với tổng kinh phí trên 550 triệu đồng.  

* Nhờ chịu khó làm ăn, tiết kiệm chi tiêu và sự hỗ trợ của ngân hàng, đến nay ông Bé đã xây dựng được ngôi nhà kiên cố, khang trang và mua thêm gần 10 ha đất. Con cái cũng thành đạt và có cuộc sống ổn định. 

 

* Ông Thiền cũng là người chịu khó học hỏi, biết cách làm ăn nên cuộc sống gia đình luôn ổn định. Ba đứa con đều học rất giỏi. Cha ông Thiền trước đây từng hiến hơn 100m2 đất vườn xây trạm cấp nước, cung cấp nước sạch cho hàng trăm hộ dân địa phương sử dụng.

Chúng tôi tìm về nhà ông Bé khi ông đang tất bật với chuyện đồng áng. Sau khi dẫn chúng tôi tham quan con đường “huyền thoại thấm đẫm tình yêu thương cộng đồng”, ông Bé kể lại cuộc hành trình vận động người dân trong ấp góp tiền, góp công làm đường.

Ông Bé nói: “Hầu hết người dân ở đây đều làm ruộng, nên việc đóng góp tiền phải chờ đến mùa vụ. Công trình đã đến ngày khởi công mà tiền lại chưa có. Tôi bàn với anh Thiền lấy sổ đỏ, đem đi thế chấp ngân hàng vay vốn, lấy tiền ứng trước mua vật tư. Hiểu và tin việc làm của tôi, anh Thiền lấy sổ đỏ đi vay gần 150 triệu đồng, tôi cũng cầm sổ đỏ vay được 50 triệu đồng. Khi cầm số tiền vay được trong tay, lòng tôi dâng trào nhiều cảm xúc”.

Ông Bé kể thêm, cộng với số tiền Nhà nước hỗ trợ, ông Bé cùng với trưởng ấp Cầu Lớn là ông Nguyễn Văn Bé Tám đến các đại lý vật tư xây dựng, ký hợp đồng cung cấp vật tư gần 1.500 m3 đá xanh, đưa về rải lên mặt đường rộng hơn 1,2 m, đảm bảo cho việc đi lại của người dân dễ dàng hơn.  

Sau khi con đường làm xong, phát sinh thêm hai cây cầu bắc qua hai con kênh nhỏ nên ông Bé tiếp tục bàn với ông Thiền mỗi người cầm thêm một sổ đỏ nữa để lấy tiền làm cầu. Thấy ông Bé vận động có lý, lợi ích trước mắt đã thấy rõ, nếu hai cây cầu này hoàn thành, hàng nông sản của bà con nông dân trong vùng sẽ được giá. Vì thế, ông Thiền về bàn bạc với gia đình lấy sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng vay thêm hơn 150 triệu đồng lấy tiền làm hai cây cầu bê tông bắc qua kênh T11. 

 

Chắc phải cầm cố thêm lần nữa

Tháng 6/2014 vừa qua, lãnh đạo huyện Tân Trụ xuống tham quan và phát động tiếp tục khởi công xây dựng cầu Ngọn Lớn (hay còn gọi cầu Tư Phong) dài 32 m, rộng 3,2 m, đồng thời xây dựng đoạn bê tông nối liền từ đường kênh T11 vào cầu Ngọn Lớn dài khoảng 800 m. Tổng kinh phí hai công trình gần 1,2 tỷ đồng với phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. “Đến nay mới vận động được khoảng trên 200 triệu đồng. Do vụ hè - thu chưa thu hoạch nên việc đóng góp của bà con còn gặp khó khăn. Chắc tôi phải mang sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng lần nữa”, ông Bé cười nói. 

Ông Bé tâm sự,  từ lúc còn là con đường mòn, ngày nào ông cũng thấy các em học sinh, người dân qua lại phải xắn quần, cởi áo lội qua những khúc kênh dài khoảng 2-4m đến trường học, ra đường lớn… Những lúc nước lớn từ kênh Cầu Lớn đổ vào các khúc kênh dẫn vào đồng ruộng chảy xiết rất nguy hiểm đến tính mạng. “Nhìn thấy cảnh tượng như vậy, tôi một mình âm thầm đi đốn hạ những cây tràm to của gia đình đem bắc qua những đoạn kênh, thành một cây cầu hoàn chỉnh, có tay vịn cho bà con đi. Những cây cầu ấy giờ đã là quá khứ, nhưng nhờ nó mà bà con biết việc làm của tôi nên nhiệt tình ủng hộ cùng tôi xây hai cây cầu bê tông”. 

Ông Nguyễn Văn Bé Tám - Trưởng ấp Cầu Lớn cho biết, ông Bé và ông Thiền là lực lượng nòng cốt của ấp. Mỗi khi ấp triển khai chủ trương gì, hai ông đều nhiệt tình tham gia, đặc biệt là việc làm đường giao thông… Ngoài ra, các ông còn tham gia công tác xã hội như đóng góp tiền, gạo cho những hộ nghèo, gia đình khó khăn. 

Cũng theo lời ông trưởng ấp, năm 1982, ông Bé theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Đến năm 1986, ông xuất ngũ về phụ giúp cha mẹ làm ruộng, chăn nuôi heo, gà, vịt cải thiện cuộc sống gia đình. Sau đó, ông lập gia đình ra ở riêng trên phần đất của cha mẹ cho. Với bản chất người lính, ông Bé đã biến 1,5 ha đất nửa hoang nửa ruộng của mình đạt năng suất khoảng 4-5 tấn/ha/vụ. Ông Bé còn đi làm mướn đủ mọi nghề như: Cuốc đất, phụ hồ… để tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình. 

 

Hải Đường  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.