Quản lý

Hai “ông lớn” cao tốc rốt ráo cổ phần hóa

15/03/2016, 08:01

Với sứ mệnh là đầu tàu phát triển đường cao tốc, VEC và Cửu Long CIPM đang ráo riết thực hiện cổ phần hóa...

7

Nhà nước bổ sung vốn điều lệ tại VEC lên 75% từ số tiền đã đầu tư để đảm bảo hiệu quả của 5 dự án cao tốc. (Trong ảnh: Cao tốc Nội Bài - Lào Cai) - Ảnh: Khánh Linh

Ra đời với sứ mệnh là những đầu tàu phát triển đường cao tốc, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Tổng công ty Đầu tư phát triển và QLDA hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM) đang ráo riết thực hiện cổ phần hóa, chuyển đổi mô hình hoạt động từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang hình thức công ty cổ phần.

Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ tại VEC

Liên quan đến công tác cổ phần hóa (CPH) Công ty mẹ - Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp cho biết, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương điều chỉnh vốn điều lệ của VEC làm cơ sở xác định giá trị doanh nghiệp, tiến tới CPH. Cụ thể, lộ trình tăng vốn điều lệ của VEC được xác định đến 31/12/2015 là 32.998 tỷ đồng, số vốn này sẽ được điều chỉnh tăng lên thành 72.602 tỷ đồng vào cuối năm 2019.

“Việc tăng vốn điều lệ cho VEC là rất cần thiết nhằm đảm bảo cân bằng tài chính, tạo thuận lợi để huy động vốn đầu tư các dự án trong thời gian tới, đồng thời phù hợp với quy định hiện hành, từng bước giảm hệ số nợ/vốn chủ sở hữu về mức an toàn”, ông Minh nói.

Chậm tiến độ CPH, lãnh đạo phải chịu trách nhiệm

Liên quan đến công tác CPH VEC và Cửu Long CIPM, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường yêu cầu, trước 30/6/2016, hai đơn vị này phải trình phương án CPH doanh nghiệp lên Bộ GTVT thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. “Đến mốc thời gian này, đơn vị nào không hoàn thành phương án CPH, lãnh đạo đơn vị đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước Bộ GTVT về tư cách Chủ tịch HĐTV và Tổng Giám đốc”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định.

Phần vốn điều lệ bổ sung cho VEC không phải được cấp mới từ ngân sách nhà nước mà đây chính là số tiền nhà nước đã đầu tư trực tiếp để đảm bảo hiệu quả của 5 dự án cao tốc: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Bến Lức - Long Thành với tổng mức đầu tư 125 nghìn tỷ đồng do VEC làm chủ đầu tư. “Sau khi xây dựng phương án CPH, VEC sẽ bán bớt phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, số tiền thu được sẽ hoàn trả cho ngân sách Nhà nước theo quy định”, ông Minh cho hay.

Theo ông Mai Tuấn Anh, Tổng Giám đốc VEC, nút thắt lớn nhất trên con đường tiến tới CPH của VEC đã được tháo gỡ khi Chính phủ đồng ý tăng vốn điều lệ. Hiện đơn vị đang gấp rút lựa chọn đơn vị tư vấn để xác định giá trị doanh nghiệp và xây dựng phương án CPH trình Bộ GTVT trong quý II/2016.

Đề cập tới phương án CPH VEC, ông Vũ Anh Minh cho rằng, do quy mô vốn điều lệ của VEC rất lớn, kèm theo những điều khoản trả nợ các nhà tài trợ trong hợp đồng vay vốn của 5 dự án cao tốc do VEC làm chủ đầu tư, Bộ GTVT dự kiến xây dựng phương án Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ tại VEC. Nếu để phương án vốn nhà nước thấp hơn, sẽ không thể CPH thành công.

“Dự kiến, chúng tôi sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phương án CPH VEC trước 30/9/2016. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo VEC hoàn thành việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong vòng 90 ngày kể từ ngày có quyết định phê duyệt phương án CPH”, ông Minh nói.

Phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ cho Cửu Long CIPM

Được thành lập trên cơ sở kế thừa từ Ban QLDA Mỹ Thuận với sứ mệnh làm “đầu tàu” phát triển hệ thống đường cao tốc tại khu vực phía Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển và QLDA hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM) cũng đang rốt ráo triển khai các công việc để thực hiện CPH. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐTV Cửu Long CIPM cho biết, hiện công tác xác định giá trị doanh nghiệp đã hoàn thành. Cụ thể, giá trị thực tế của doanh nghiệp để CPH là 154,7 tỷ đồng, trong đó, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 144 tỷ đồng. “Chúng tôi đang phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng phương án CPH để Bộ GTVT thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Dũng nói.

Liên quan đến quy mô vốn điều lệ tại Cửu Long CIPM khi tiến hành cổ phần hóa, trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Anh Minh cho biết, để đảm bảo mục tiêu Cửu Long CIPM có khoảng 1.500 tỷ đồng vốn chủ sở hữu làm vốn đối ứng thực hiện các dự án, Bộ GTVT xây dựng hai phương án về cơ cấu vốn điều lệ theo hướng nhà nước không giữ chi phối.

Thứ nhất, trong trường hợp Cửu Long CIPM được cấp bổ sung đủ 1.500 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, phương án CPH là bán bớt phần vốn nhà nước cho các cổ đông khác để duy trì tỷ lệ vốn nhà nước 36% vốn điều lệ. Thứ hai, trường hợp Cửu Long CIPM không được ngân sách nhà nước cấp vốn bổ sung, phương án CPH là giữ nguyên phần vốn nhà nước (144 tỷ đồng) và phát hành thêm cổ phiếu (tối đa 1.356 tỷ đồng), Nhà nước sẽ nắm giữ 9,6% vốn điều lệ.

“Trong cuộc họp mới đây, Bộ GTVT đã thống nhất lựa chọn phương án giữ nguyên phần vốn nhà nước tại Cửu Long CIPM là 144 tỷ đồng, đồng thời phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên thành 1.500 tỷ đồng. Trong quá trình xây dựng phương án CPH, Cửu Long CIPM phải căn cứ vào nhà đầu tư chiến lược và nhà nước sẽ không chi phối vốn điều lệ tại đơn vị này”, ông Minh khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.