Kinh tế

Hải Phát Thủ đô có "trục vớt" được Usilk city?

13/04/2016, 15:02

Hải Phát Thủ đô chưa được cấp phép chuyển nhượng tòa nhà CT2-105 nhưng đã “đòi” khách hàng ký phụ lục hợp đồng?

hai-phat-thu-do

Thêm chủ đầu tư mạnh "Trục vớt" Usilk city liệu có thành công?

Gần đây, để giải cứu “vũng lầy” Usilk city, Công ty CP Sông Đà Thăng Long đã “bắt tay” với Công ty CP Đầu tư Hải Phát Thủ đô chuyển nhượng Tòa nhà CT2-105; đồng thời, Hải Phát Thủ đô tiếp tục đàm phán mua lại tòa CT1-104. Liệu rằng, với một CĐT dồi dào tiềm năng như Hải Phát Thủ đô, có thể trấn an được khách hàng đang khủng hoảng niềm tin sau 8 năm hành trình đòi nhà?

Bài toán chuyển nhượng

Được khởi công xây dựng từ quý II/2008, Dự án Usilk City – KĐT Văn Khê mở rộng là một tổ hợp nhà ở, gồm 13 tòa nhà cao tầng hiện đại từ 25 - 50 tầng với hơn 2.700 căn hộ được xây dựng trên khu đất 9,2 ha (phường La Khê, quận Hà Đông).

Dự án có tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng, do Công ty CP Sông Đà Thăng Long làm CĐT và được kỳ vọng là một trong những dự án góp phần làm thay đổi bộ mặt Thủ đô sau ngày mở rộng địa giới hành chính. Tuy nhiên, việc mua bán nhà ở hình thành trong tương lai dưới hình thức thanh toán tiền nhà theo thời gian quy định, chứ không theo tiến độ công trình, CĐT Sông Đà Thăng Long đã bán hàng nghìn căn hộ và thu hàng nghìn tỷ đồng tiền ứng trước của khách hàng, nhưng sau đó không triển khai được vì nợ ngân hàng và đầu tư dàn trải. Đến thời điểm hiện tại, Dự án Usilk City đã ngừng trệ, bế tắc và chậm tiến độ gần 8 năm.

Sau nhiều lần cùng với các CĐT “giải cứu” nhưng không thành, vào cuối năm ngoái, Sông Đà Thăng Long đã chuyển nhượng tòa nhà CT2-105 cho Hải Phát Thủ đô (giá trị chuyển nhượng vào khoảng 50 tỷ đồng). Tòa nhà cao 50 tầng với hơn 750 căn hộ. Hiện tại, đây gần như là tòa nhà duy nhất đang được tiếp tục tái triển khai xây dựng với tiến độ trung bình 5 ngày/sàn. Tòa nhà đã xây đến tầng 18 và theo tiến độ này, sẽ cất nóc cuối năm nay.

Sau khi đạt được thỏa thuận mua lại tòa nhà 50 tầng của dự án này là CT2-105 và đã tái triển khai xây dựng đến tầng 14, Hải Phát Thủ đô tiếp tục đàm phán mua lại tòa CT1-104. Đây là một trong 4 tòa nhà thuộc cụm CT1, thuộc Dự án Usilk City đã ngừng triển khai xây dựng cách đây vài năm, sau khi Sông Đà Thăng Long chìm trong khủng hoảng nợ nần và không còn năng lực tài chính để triển khai theo tiến độ cam kết trong HĐ mua bán căn hộ.

Các tòa còn lại, Sông Đà Thăng Long cũng đã ký HĐ hợp tác toàn diện với Hải Phát Thủ đô để tiếp tục thi công dự án.

Việc Hải Phát Thủ đô “giải cứu” Usilk City được nhiều khách hàng kỳ vọng. Tuy nhiên, nhiều người mua nhà vẫn lo lắng không yên khi lịch sử mừng hụt của khách hàng đã quá nhiều, biết bao lần “con tàu đắm Usilk City được trục vớt”, song kết quả đem lại chỉ là sự thất vọng lớn: Lần đầu tiên (ngày 27/03/2015), tòa CT1-104 bất ngờ được khởi công trở lại rồi sau đó lặng im; lần thứ hai (ngày 14/09/2015), Sông Đà Thăng Long ký HĐ tổng thầu với Tân Việt, công trường khởi động lại lên được sàn tầng 4; lần thứ ba, mới đây nhất (ngày 19/03/2016), Sông Đà Thăng Long họp khách hàng, công bố hợp tác toàn diện với đối tác để thực hiện toàn bộ dự án, trong đó cũng có những bản HĐ tổng thầu, HĐ nguyên tắc…, sau đó vài ngày (23/03), UBND TP. Hà Nội có quyết định thanh tra toàn diện dự án.

Chưa đúng quy trình?

Mặc dù việc Sông Đà Thăng Long chuyển nhượng CT2-105 cho phía Hải Phát Thủ đô, được công bố rộng rãi và được dư luận tung hô như một nghĩa cử cao đẹp, tuy nhiên đây chỉ là thỏa thuận dân sự giữa 2 công ty. Trên thực tế, việc chuyển nhượng CT2-105 và CT1-104 giữa Sông Đà Thăng Long và Hải Phát Thủ đô đều chưa được UBND TP. Hà Nội chấp thuận.

Trong khi nhiều khách hàng CT2-105 tỏ ra bức xúc khi chưa có quyết định pháp lý chính thức cho việc chuyển nhượng, thì phía Hải Phát Thủ đô đã nhiều lần có văn bản và gọi điện đề nghị khách hàng ký phụ lục HĐ. Theo đó, nếu các khách hàng không ký trước 31/3/2016 với Hải Phát Thủ đô thì sau 31/3, công ty sẽ không chịu trách nhiệm với khách hàng mà sẽ chuyển trả về phía Sông Đà Thăng Long giải quyết (?!).

Anh T, một người mua nhà tại dự án đặt câu hỏi: Về luật pháp, Sông Đà Thăng Long chưa chuyển được dự án cho Hải Phát Thủ đô do chưa có sự chấp thuận của UBND TP. Hà Nội. Vậy thì, Hải Phát Thủ đô lấy tư cách gì “đòi” chúng tôi ký phụ lục HĐ? Chưa kể, sau khi có kết luận thanh tra - nếu cơ quan chức năng không đồng ý cho việc chuyển nhượng, thì những khách hàng đã ký phụ lục HĐ và nộp tiền cho Hải Phát Thủ đô sẽ ra sao?

Dưới khía cạnh pháp lý, Luật sư Lê Hồng Hiển, Giám đốc Công ty Luật Nay & Mai lên tiếng: “Theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS và NĐ 76 thì Bên nhận chuyển nhượng dự án chỉ được triển khai xây dựng phần dự án còn dang dở và thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác của Bên nhận chuyển nhượng, sau khi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển nhượng dự án và sau khi hai bên đã hoàn thành việc ký kết HĐ chuyển nhượng dự án”.

Như vậy, theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS và NĐ 76 thì, khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển nhượng dự án mà Bên nhận chuyển nhượng đã ký kết phụ lục HĐ với khách hàng là không đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định.

Trao đổi với PV về việc “sau thời điểm 31/3/2016, nếu khách hàng không ký phụ lục HĐ với Hải Phát Thủ đô thì số phận khách hàng sẽ ra sao?”, ông Nguyễn Văn Thọ, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Sông Đà Thăng Long cho hay: Tại thời điểm này, CĐT không thể có khả năng bù đắp. Chúng tôi đã hết tiền để có thể mua lại, hoàn trả khách hàng hay làm bất cứ điều gì!

Vì vậy, để giải quyết đối với những khách hàng không đồng ý ký phụ lục HĐ với Hải Phát Thủ đô, ông Thọ cho rằng: “Chúng tôi sẽ xem xét khách hàng đã nộp bao nhiêu % số tiền nhà rồi sẽ tính hướng xử lý cụ thể. Giả sử, nếu khách hàng nộp được 80% số tiền, nếu có một đối tác khác muốn mua lại, chúng tôi sẽ tìm để ghép 2 nhu cầu lại với nhau. Ví dụ, có những đơn vị, tổ chức, họ sẵn sàng mua thêm vài chục căn, khi đó chúng tôi sẽ phải tìm những khách hàng đang muốn trả lại nhà nhanh nhất để giới thiệu 2 nhu cầu gặp nhau, để một bên chán rồi thì bên kia sẽ mua lại. Chúng tôi sẽ có giải pháp cho từng khách hàng bằng việc tìm và giới thiệu những đối tác để khách hàng nào “chán” có thể chuyển nhượng”…

Luật sư Lê Hồng Hiển: “Trong trường hợp những khách hàng ký phụ lục HĐ và thanh toán tiền cho Hải Phát Thủ đô khi dự án này chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, thì một trong những rủi ro mà khách hàng phải đối diện đó là phụ lục HĐ đã ký kết có thể bị vô hiệu, trước tiên là số tiền không nhỏ của khách hàng bị chiếm dụng trái phép”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.