Hàng không

Hàng không Việt sẽ lấy lại vị thế tăng trưởng nhanh nhất thế giới?

24/02/2022, 19:28

Việc dỡ bỏ hạn chế bay quốc tế tạo điều kiện để hàng không Việt không bị chậm chân trong cuộc cạnh tranh với các nước khác...

Mở lại đường bay quốc tế một cách căn cơ, bài bản

Phát biểu tại Tọa đàm “Hàng không Việt mở lại bay quốc tế: Động lực mới, cơ hội mới” do Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam phối hợp với Tổng cục Du lịch VN tổ chức chiều nay (24/2) , ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội hàng không Việt Nam cho rằng, dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam hơn 2 năm, tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động kinh tế - xã hội trong cả nước.

“Nhà nước đã quyết định mở lại các đường bay thương mại quốc tế từ 15/2 để phục hồi giao thương, du lịch và chuẩn bị mở cửa du lịch từ 15/3/2022. Những quyết định này tạo điều kiện để ngành hàng không Việt Nam tiến dần tới bình thường hóa hoàn toàn các hoạt động bay, không bị chậm chân trong cuộc cạnh tranh với các hãng hàng không khu vực và thế giới có đường bay đi đến Việt Nam,” ông Nề nói.

img

Ông Bùi Doãn Nề - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không VN

Cũng theo ông Nề, xác định dịch bệnh chỉ kéo dài trong thời gian nhất định nên chúng ta đã chuẩn bị nhân lực để khai thông lại bay thương mại quốc tế. Đây là tín hiệu tích cực cho hàng không và du lịch.

Phía Cục Hàng không VN, ông Bùi Minh Đăng, Phó Trưởng phòng Vận tải hàng không cho biết, cơ quan này đã xây dựng kịch bản dự báo tăng trưởng năm 2022. Trong kịch bản trung bình, năm 2022, thị trường hàng không Việt Nam đón 42-43 triệu hành khách. Con số này mới chỉ được hơn 50% so với 2019, nhưng vẫn khá ấn tượng so với 2 năm dịch vừa qua; dự báo sẽ có khoảng 8 triệu khách quốc tế, trong đó có 6 triệu khách du lịch.

"Có thể thấy Việt Nam đã có những bước đi căn cơ và bài bản, từ năm 2021, Việt Nam đã đặt vấn đề mở cửa các đường bay với các quốc gia theo lộ trình", ông Đăng đánh giá.

Liên quan việc mở cửa các đường bay ở khu vực châu Á, ông Đăng cho biết: Trong số các quốc gia Cục Hàng không VN đã báo cáo Bộ GTVT cho phép nối lại đường bay, các hãng hàng không đã mở lại đường bay đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc hiện vẫn chưa thể khôi phục. Năm 2019, có đến hơn 7 triệu khách quốc tế đi trên đường bay Trung Quốc - Việt Nam. Do quy định chống dịch mà hành khách từ Việt Nam sang Trung Quốc vẫn hạn chế.

"Việc khôi phục đường bay với Trung Quốc đang là vấn đề, chúng ta cần phải tiếp tục làm việc với nhà chức trách hàng không Trung Quốc", ông Đăng nói và cho biết, với thị trường Hàn Quốc, các hãng hàng không Việt đều đã khai thác trở lại, Cục Hàng không cũng nhận được một số đơn của các hãng hàng không khác tại Hàn Quốc có kế hoạch khai thác trở lại Việt Nam trong mùa hè này.

Trên thực tế, có tới 70% khách đi hàng không là du lịch. Việc hàng không mở đường bay, tăng tần suất sẽ tạo điều kiện lớn cho du lịch phát triển. Du lịch phát triển lại mang nguồn khách rất lớn để hỗ trợ cho ngành hàng không.

Dẫn chứng số liệu mới nhất từ ngày 11/1 - 23/2, ông Đăng cho biết, có khoảng 200.000 khách quốc tế đến Việt Nam. Đây là con số rất nhỏ so với 4 triệu khách/tháng trong thời kỳ cao điểm năm 2019. Tuy nhiên, 200.000 khách vẫn là con số ấn tượng vì vừa mở lại sau thời kỳ dịch.

"Chúng tôi đánh giá năm 2022 việc khôi phục lại hàng không, du lịch hoàn toàn là hiện hữu, không phải cơ hội nữa", ông Đăng nói.

Sớm tháo gỡ các rào cản

Nói về những thách thức trong việc mở lại bay quốc tế và phục hồi hàng không - du lịch, ông Bùi Doãn Nề nói: "Chúng ta đã bị đóng băng 2 năm nên phải từng bước khắc phục những dịch vụ đã đứt gãy một cách kiên trì và nhanh chóng. Chi phí cũng là một thách thức khi di chuyển của khách hàng bởi kinh tế đã bị ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch".

"Thách thức thứ 2 là kiểm soát dịch bệnh. Dù các nước trên thế giới đã kiểm soát được nhưng tâm lý khách hàng vẫn còn là một yếu tố khó đoán", ông Nề nói và cho rằng, những thách thức này đòi hỏi ngành hàng không, du lịch phải phối hợp với Chính phủ và địa phương để vượt qua.

Nhấn mạnh việc cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng để đón đầu sự phục hồi; các chính sách thu hút du lịch, hỗ trợ các hãng hàng không, ông Nề cho rằng, Việt Nam cần tháo gỡ các rào cản để sớm lấy lại vị thế 1 trong 5 nước tăng trưởng hàng không nhanh nhất thế giới như trước đại dịch và dẫn đầu khu vực về tốc độ tăng trưởng.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó Tổng giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways cho biết, hai năm vừa qua khi thị trường hàng không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là dịp để Bamboo Airways củng cố lại hệ thống (mạng bay, tối ưu hoá đội bay, nâng cao chất lượng dịch vụ, chuyển đổi số) chuẩn hoá nhân sự... để sẵn sàng mở cửa.

“Bamboo Airways có lợi thế là tận dụng được hệ sinh thái của Tập đoàn FLC. Chúng tôi có sân golf, resort nên các dịch vụ này có thể kết nối và bổ trợ cho nhau để thu hút khách du lịch,” ông Trọng nói.

Tiến sỹ Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, cho rằng: Hiện nay, đóng góp của ngành hàng không và du lịch rất lớn nên phải mở cửa sớm để khai thông, tạo động lực phát triển. Đợt dịch vừa qua khiến nhiều cuộc tiếp xúc trực tiếp bị gián đoạn.

“Sau hai năm đứt gãy, việc khôi phục hàng không, du lịch sẽ tạo hứng khởi mới cho sự phục hồi của nền kinh tế,” ông Thiên cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.