Xã hội

Hàng trăm nghìn khối đất đá có nguy cơ đổ sập, dân bất an chờ ngày xử lý

02/12/2022, 19:38

Đã 2 năm nay, người dân xã Hưng Thành (Hưng Nguyên, Nghệ An) bất an khi cả trăm nghìn khối đất đá trên núi có nguy cơ sập xuống bất cứ lúc nào.

Không khí lạnh tràn về gây mưa rả rích suốt đêm ngày. Dù lượng mưa không lớn nhưng gia đình ông Ngô Minh Lương (70 tuổi, ở xóm Phú Thành, xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) cũng đứng ngồi không yên.

img

Khu đồi Thô Lô núi Lam Thành bị sạt lở (Ảnh nhỏ Báo Nghệ An)

Đã 2 năm nay, một phần của ngọn đồi Thô Lô (thuộc núi Lam Thành) ngay phía sau gia đình ông bị sụt trượt, hàng ngàn khối đất đá có nguy cơ đổ ập xuống vùi lấp tất cả bất cứ lúc nào.

Ông Lương vẫn nhớ như in, khoảng 23h đêm ngày 30/10/2020, trời mưa to, gia đình ông bà đang ngủ thì nghe 2 tiếng nổ rất lớn. Sáng ra, ông lên núi khơi thông để dòng nước khỏi chảy vô nhà thì phát hiện một vết nứt kéo dài, một phần ngọn núi đã sụt trượt xuống dưới. Theo thời gian, vết nứt kéo dài lên đến hơn 150m, việc sụt lún so với ban đầu đến hơn 1m.

“Hai năm nay, cuộc sống của người dân ở đây bị xáo trộn hoàn toàn. Nhà cửa xuống cấp, cũng không dám tu sửa; hễ mưa to là tất cả phải dắt nhau đi lánh nạn vì sợ đất đá trên núi phía sau ập xuống. Các cháu về chơi với ông bà một tí cũng không an tâm…”, ông Lương nói.

Ngay bên cạnh, gia đình ông Nguyễn Lưu Chất cũng lo lắng không kém khi ngôi nhà ông cũng nằm trong phạm vi “nguy cơ cao”.

“Lo lắng lắm chú ơi, nhà giờ có mỗi vợ chồng già và cháu nhỏ 5 tuổi. Không may có chuyện, chúng tôi chạy sao kịp. Chuyện sạt núi, lở đất đâu phải chưa xảy ra, ở Huế và Quảng Trị là bài học gần nhất”, ông Chất nói và cho biết thêm:

Dù biết mạo hiểm nhưng ngôi nhà cũ xây dựng từ lâu, đã xuống cấp nghiêm trọng, gia đình vẫn phải xây dựng lại ngôi nhà mới ngay dưới vị trí bị sạt lở núi.

img

Có 8 hộ dân nằm trong phạm vi sạt lở đất, trong đó có 6 hộ thuộc diện nguy cơ cao

Cũng theo người dân nơi đây, đã rất nhiều lần người dân có ý kiến lên các cấp chính quyền địa phương sớm có phương án khắc phục vị trí sạt lở. Thế nhưng, quả đồi này nằm trong di tích quốc gia núi Lam Thành nên phải xin ý kiến của Bộ Văn hoá.

“Vị trí sạt lở nằm cách thành cổ cả km, người dân chúng tôi cũng không mong muốn khi phải cắt bỏ một phần ngọn núi này. Thế nhưng, đây là trường hợp bất khả kháng, rất mong các cấp chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai việc khắc phục vị trí sạt lở để người dân an tâm sinh sống”, ông Lương nói.

Theo tìm hiểu của PV, trong nội dung tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường của Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Hưng Nguyên thì khu vực xử lý sạt lở đồi Thô Lô - núi Thành thuộc xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An có diện tích 5,26ha. Tổng chiều dài xử lý sạt lở là 280m; tổng khối lượng đất đá thi công xử lý sạt lở lên đến 856.047m3.

Trước thực trạng này, ông Hoàng Đức Thông - Chủ tịch UBND xã Hưng Thành cho biết: Tình trạng sụt lún ở đồi Thô Lô đã xảy ra từ cuối tháng 10/2020.

Đến nay có vị trí đã bị sụt lún lên đến hơn 1m ảnh hưởng trực tiếp đến 8 hộ dân, trong đó có 6 hộ dân thuộc diện nguy cơ cao.

Thực trạng này đã ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn tài sản, tính mạng của người dân. Mỗi lần mưa bão đến là người dân đều phải sơ tán đến nơi an toàn, cùng với đó là chính quyền phải cắt cử lực lượng để trực gác nhằm đảm bảo an toàn và bảo vệ tài sản cho người dân.

img

Dù không an tâm nhưng gia đình ông Nguyễn Lưu Chất cũng phải sửa lại nhà để ở

Cũng theo ông Thông, phương án xử lý điểm sạt lở tại đồi Thô Lô đã được huyện và các sở ngành khẩn trương triển khai. Tuy nhiên, do quả đồi này nằm trong di tích văn hoá cấp quốc gia núi Lam Thành nên phải xin ý kiến của Bộ Văn hoá.

Vừa rồi, Bộ Văn hoá đã có văn bản đồng ý cho triển khai khắc phục điểm sạt lở. Và cuối tháng 11 vừa qua, Chi cục Bảo vệ Môi trường (thuộc Sở TN&MT) cũng đã mời địa phương xuống họp để cho ý kiến về phương án khắc phục.

Theo đó, phương án được đưa ra là xén chân núi tạo thành đường băng an toàn với chiều rộng mặt bằng được xén là 30 - 50m tính từ tường rào của người dân vào phía núi. Sau đó, bạt mái ta luy và giật cơ, xẻ rãnh đảm bảo thoát nước…

“Lâu nay, ngành chức năng chờ ý kiến của Bộ Văn hoá, nay Bộ đã cho phép, vì vậy rất mong các sở, ngành, chính quyền cấp trên qua tâm sớm triển khai dự án. Đặc biệt, đây là thời điểm rất phù hợp để thi công, để mùa mưa năm sau người dân và chính quyền địa phương an tâm sinh sống”, ông Thông cho biết thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.