Hạ tầng

Hành lang pháp lý thiếu đồng bộ để đầu tư hạ tầng đường sắt

25/09/2019, 19:03

Luật Đường sắt 2017 nêu rõ tập trung ưu tiên phát triển đường sắt nhưng hiện chưa có hành lang pháp lý, cơ chế đồng bộ để đầu tư, phát triển.

img
Các đại biểu tham gia tọa đàm cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế đồng bộ để thực hiện mục tiêu ưu tiên tập trung phát triển đường sắt

Hạ tầng đường sắt còn nhiều “nút thắt”

Chiều nay (25/9), tại trụ sở Văn phòng Quốc hội diễn ra cuộc tọa đàm “Thúc đẩy hạ tầng đường sắt phát triển: nút thắt và giải pháp”.

Ông Nguyễn Quốc Thắng, Phó Tổng biên tập Báo điện tử Đại biểu nhân dân cho biết, Luật Đường sắt (sửa đổi) năm 2017 quy định ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cấp, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; bảo đảm GTVT đường sắt đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống GTVT cả nước… Tuy nhiên, đến nay chúng ta chưa có được những giải pháp mạnh để đầu tư lĩnh vực này, trong khi hạ tầng đường sắt hiện hữu còn nhiều “nút thắt”, cần giải pháp tháo gỡ để nâng cao năng lực, phát triển.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, dù Luật đã quy định ưu tiên, nhưng hiện chưa có được hành lang pháp lý đồng bộ, đặc biệt là cơ chế thu hút đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước. Nhà nước phải giữ vai trò chính trong đầu tư hạ tầng đường sắt quốc gia, nhất là phần hạ tầng liên quan trực tiếp đến chạy tàu như cầu đường, thông tin tín hiệu… Nhà đầu tư tư nhân có thể tham gia đầu tư ở phần hạ tầng không liên quan trực tiếp đến chạy tàu như: nhà ga (công trình kiến trúc), kho bãi, đầu tư phương tiện đầu máy - toa xe để kinh doanh khai thác. Tuy nhiên, Nhà nước cần công bố rõ danh mục nhà đầu tư tư nhân có thể tham gia.

“Nhà nước phải bảo đảm bằng hạ tầng, vốn hoặc các cơ chế khác. Có thể giao cho doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân để khai thác trên cơ chế thuê, nhượng quyền để cho khai thác. Như vậy sẽ giảm gánh nặng cho Nhà nước trong việc duy tu, bảo dưỡng, khai thác hiệu quả hơn so với việc thành lập tổ chức để khai thác”, Thứ trưởng Đông nói.

Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giai đoạn 2011-2015 nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương bố trí để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt chiếm 4,44% toàn ngành GTVT, con số này đã được tăng lên thành 11,9% toàn ngành GTVT trong giai đoạn 2016-2020.

“Việc phân bổ nguồn lực cho ngành Đường sắt như vậy là đã tương đối với thị phần của đường sắt đã được phê duyệt trong chiến lược phát triển GTVT năm 2020 và tầm nhìn 2030. Cụ thể, tỷ trọng vận tải hành khách đường bộ đảm nhận 86 - 90%, còn đường sắt từ 1-2%”, ông Quân nói.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, việc đặt mục tiêu đường sắt chỉ chiếm 1-2 % là khó chấp nhận. “Chúng ta cần thay đổi tư duy, ngành Đường sắt cần được ưu tiên theo đúng quy định của luật”, đại biểu Dương Trung Quốc nói.

img
Tổng công ty Đường sắt VN xin cơ chế để có thể trực tiếp đầu tư, kêu gọi nhà đầu tư vào các nhà ga

Giải pháp nào tháo gỡ?

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, năng lực thông qua của hạ tầng đường sắt hiện hữu rất thấp, dẫn đến sản lượng vận tải thấp, khả năng thu hút kém. Ngoài ra, hạ tầng tại các nhà ga cũng trong tình trạng tương tự, nhất là các kho bãi phục vụ vận tải hàng hóa. Vì vậy, ông Minh kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện, tiếp tục bố trí các gói trung hạn để cải tạo nâng cấp hệ thống đường sắt hiện hữu, nhằm nâng cao năng lực thông qua.

Cũng theo ông Minh, Tổng công ty Đường sắt VN sẽ báo cáo Bộ GTVT về việc xây dựng, trình Chính phủ đề án khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt. Trong đó, Tổng công ty xin cơ chế để có thể trực tiếp đầu tư, kêu gọi nhà đầu tư vào các kho bãi đủ điều kiện tiêu chuẩn đưa phương tiện bốc xếp; xây dựng nhà ga thành các trung tâm thương mại vừa phục vụ khách hàng, vừa khai thác lợi thế thương mại. Từ nguồn thu này sẽ có vốn để nâng cấp các nhà ga không có lợi thế thương mại, không thu hút được đầu tư.

Đồng tình với đề xuất này của Tổng công ty Đường sắt VN, theo ông Trần Thọ Đạt, thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần coi đây là những trung tâm thương mại đặc biệt, mục tiêu quan trọng là phục vụ hành khách, khách hàng; không bị thương mại hóa hoàn toàn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.