Điều tra

Hành trình báo chí tìm sự thật, cứu người oan khuất

21/06/2019, 10:02

Trong lịch sử phát triển của báo chí, nhiều tờ báo đã và đang đồng hành đi tìm sự thật, cứu giúp nhiều số phận oan khuất...

img
Nhà báo Võ Thanh Mai kể lại câu chuyện cho PV Báo Giao thông

Hậu quả của án oan sai không chỉ gây thiệt hại tinh thần, kinh tế, hạnh phúc gia đình mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người phải chịu án oan. Trong lịch sử phát triển của báo chí, nhiều tờ báo đã và đang đồng hành đi tìm sự thật, cứu giúp nhiều số phận oan khuất...

Vụ án “vô tiền khoáng hậu”

Một trong những điểm nhấn tạo nên bước ngoặt của việc “giải mã oan sai” cho tử tù Hàn Đức Long là khi luật sư Trai tiếp cận được vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn thông qua hàng trăm bài báo.


Đó là trường hợp ông Bùi Tùng Phong, nguyên Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Dù đã từng làm đến chức Chủ tịch huyện, Giám đốc Sở Thủy sản Hà Tĩnh nhưng ông Phong vẫn ở trong một căn nhà khá đơn sơ, được xây dựng từ lâu. “Nhờ có báo chí mà nỗi oan năm xưa của tôi mới gột rửa. Nhưng tôi không muốn nhắc lại làm gì nữa. Trắng đen cũng đã rõ, người đáng bị xử lý cũng đã bị xử lý…”, ông trầm ngâm.

Ông Phong tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp II, sau đó về làm chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện Nghi Xuân. Đến năm 1995, ông được bầu làm Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân. Trong những năm ông Phong làm chủ tịch, huyện Nghi Xuân luôn đi đầu cả tỉnh Hà Tĩnh về giao thông nông thôn và kiên cố hóa trường học, kênh mương. Ông còn rất quan tâm đến văn hóa. Chính ông đã chỉ đạo phục dựng ca trù làng Cổ Đạm và phối hợp với một số cơ quan chức năng tổ chức hội thảo khoa học về ca trù đầu tiên của cả nước. Ông cũng là người quyết liệt đeo bám việc xây dựng huyện Nghi Xuân trở thành một điểm du lịch văn hóa mang nhiều nét độc đáo, trong đó có khu di tích Nguyễn Du.

Khi quê hương đang ngày một thay da đổi thịt, những kẻ ghen ghét, đố kỵ tố ông sai phạm trong quản lý điều hành. Theo kết quả xác minh thời bấy giờ, người viết đơn thư là ông Lương Bá Tý – Viện trưởng VKSND huyện Nghi Xuân và hai con gái. Cũng chính ông Tý đã không ngần ngại dùng quyền lực của Viện trưởng VKSND huyện để ra quyết định khởi tố vụ án, hình sự hóa những sai sót trong việc cấp đất tại Hồ Gỗ, thị trấn Xuân An; thổi phồng một số sai sót mà UBND huyện Nghi Xuân mắc phải sau thời kỳ vừa mới tách tỉnh; tung một số công văn trước ngày bầu cử HĐND 3 cấp…

Tất cả là nhằm báo cáo thiếu trung thực với cấp ủy và các ngành chức năng để ép Thường vụ Huyện ủy Nghi Xuân buộc ông Phong phải rút tên khỏi danh sách ứng cử viên đại biểu HĐND huyện và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 1999 – 2004. Đồng thời, đề nghị cách các chức vụ đảm nhiệm của ông Phong để khởi tố bị can và tiến hành điều tra. Chưa dừng lại, những kẻ xấu còn “tung” hồ sơ không chính xác nhưng đầy đủ con dấu cung cấp cho báo chí đưa tin nhằm gây áp lực cho cấp trên khẩn trương có biện pháp xử lý đối với ông Phong. “Có lẽ vụ án của tôi là vụ án vô tiền khoáng hậu, đến mức Uỷ ban Kiểm tra Trung ương phải về kiểm tra 2 lần. Tuy nhiên, nhờ những nhà báo chân chính đã kỳ công điều tra, nhờ sự công tâm của các cấp chính quyền nên oan sai của tôi được rửa sạch”, ông Phong nói.

Nghi ngờ nguồn tin, đi tìm sự thật

Nhà báo Võ Thanh Mai, nguyên Trưởng đại diện Báo Nông nghiệp – người đầu tiên đi tìm sự thật đằng sau quyết định khởi tố sai phạm của ông Bùi Tùng Phong, kể lại: “Vào thời điểm đó, tôi đang công tác tại Sở Văn hóa Nghệ An nhưng làm cộng tác viên cho một số tờ báo Trung ương. Qua theo dõi, tôi thấy một số báo đưa tin về những sai phạm của ông Phong nhưng tất cả chỉ mới thông tin một chiều. Chưa báo nào phỏng vấn ý kiến của chính ông Phong”.

Không lâu sau đó, ông Mai nhận được một bộ hồ sơ của Báo Công lý gửi về. Mở ra, ông thấy một quyết định khởi tố vụ án về sai phạm của ông Phong; văn bản cuộc họp chi bộ nói về sai phạm của ông Phong và nhiều giấy tờ khác… Tất cả đều được đóng dấu đỏ chót. “Dường như lúc đó, chỉ cần cầm xấp hồ sơ là tôi có thể viết được thành bài”, nhà báo Thanh Mai nhớ lại.

Tuy nhiên, để có cái nhìn khách quan, nhà báo Võ Thanh Mai quyết định xin giấy giới thiệu của Báo Công lý để sang gặp lại ông Lương Bá Tý, Viện trưởng VKSND huyện Nghi Xuân. “Quá trình gặp ông Tý, mọi tài liệu ông ấy cung cấp đều rất đầy đủ và đều được đóng dấu đỏ của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, trong lúc nói chuyện, tôi có nghe ông Tý nói loáng thoáng với một ai đó trong điện thoại là “nhà báo phe ta” khiến tôi giật mình và bắt đầu nghi ngờ. Sau khi gặp ông Phong, xin được một số văn bản liên quan đến vụ án, tôi thấy nghi ngờ của mình càng có cơ sở. Tôi lục tung các quy định của pháp luật, tra cứu chi tiết từng nội dung, nhờ những cán bộ chuyên môn để hỏi thêm thì nhận thấy quyết định khởi tố sai phạm của ông Phong là sai hoàn toàn”, nhà báo Thanh Mai kể.

Ngay sau khi Báo Công lý ra bài đầu tiên đấu tranh với nhưng sai phạm của ông Tý và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho ông Phong thì các báo khác cũng nhanh chóng vào cuộc đi tìm sự thật. Và cuối cùng sự thật đã chiến thắng, ông Phong được trả lại sự trong sạch. Kết quả bầu cử HĐND huyện Nghi Xuân và tỉnh Hà Tĩnh, ông Phong vẫn được cử tri tín nhiệm rất cao (bầu HĐND tỉnh đạt 94,6%, HĐND huyện đạt 92%); bầu chức danh Chủ tịch UBND huyện đạt 100% số phiếu). Ngược lại, ông Tý bị cách chức, khai trừ ra khỏi Đảng. Các nhà báo, phóng viên viết bài một chiều, đưa tin sai sự thật khi chưa kiểm chứng cụ thể cũng bị kỷ luật, xử lý.

Cũng theo nhà báo Võ Thanh Mai, sau này trong quá trình làm báo chuyên nghiệp, ông tiếp tục gặp một vụ việc khiếu nại tranh chấp đất đai ở TP Vinh, Nghệ An. Người đưa đơn cho ông cũng có đầy đủ dấu đỏ và chữ ký. Thế nhưng, quá trình điều tra ông lại phát hiện nội dung trong văn bản đã bị sửa khác với bản gốc. “Nguồn tin tố giác của bạn đọc là một kênh vô cùng quan trọng cho báo chí. Tuy nhiên, là phóng viên điều tra thì phải biết nghi ngờ mọi nguồn tin. Đừng vội tin vào những “dấu đỏ” dưới văn bản mà trở thành những “con rối” cho một số kẻ lợi dụng vào mục đích xấu. Thứ nữa, là phóng viên thì phải khách quan, công tâm, không tơ hào vụ lợi”, ông Mai chia sẻ.

Hành trình 24 năm đi đòi công lý

Đó là trường hợp của ông Chu Quang Hưng, ngụ đường Kim Biên (72 tuổi, quận 5, TP HCM). “Mất mát lớn nhất trong cuộc đời tôi khi bị khởi tố oan không tính nổi bằng con số để quy ra tiền. Gia đình tan cửa nát nhà, con cái bơ vơ li tán, chết chóc… đó là một thảm cảnh, một bi kịch đau đớn”, ông Hưng nói về lý do dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn miệt mài đi đòi công lý suốt 24 năm.

Năm 1994, ông Hưng thế chấp căn nhà hai mặt tiền nằm ngay góc chợ Kim Biên để vay ngân hàng 200 triệu đồng lấy tiền buôn bán. Đến hạn thanh toán, do chưa có tiền trả nên ông bị siết nợ. Thời gian này, vợ ông làm ăn thua lỗ, lại bị giật hụi không trả được, cuối cùng bị thưa kiện, đến tháng 4/1994 thì bị bắt với cáo buộc “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Để có tiền trả nợ ngân hàng và tìm cách cứu vợ, ông quyết định bán nhà. Thời điểm này, giá thị trường căn nhà khoảng 500 cây vàng nhưng người mua nhà tên Nam nói có người quen là Thẩm phán TAND TP Nguyễn Lâm sẽ giúp được vợ ông. Vì thế, thay vì bán đúng giá thị trường ông đồng ý bán cho ông Nam giá 140 cây vàng. Thế nhưng sau khi ký hợp đồng và đặt cọc 228 triệu và hẹn sau 35 ngày sẽ thanh toán số tiền còn lại, quá hạn vẫn không thấy ông Nam trả tiền. Khi hỏi, ông Nam trả lời do vợ ông Hưng bị bắt nên thủ tục sang tên gặp khó khăn, đồng thời không chịu trả giấy tờ.

Đúng lúc này, một cán bộ thi hành án quận 5 đến yêu cầu ông Hưng ký vào “biên bản thi hành án” về trách nhiệm dân sự liên quan vụ án của vợ ông. Vợ bị bắt và chưa xét xử mà lại có lệnh thi hành án là điều vô lý. Nghĩ vậy, ông Hưng nộp đơn kiện ông Nam ra tòa án quận 5 vì vi phạm hợp đồng. Nhưng mỗi lần tòa mở phiên xử ông Nam đều vắng mặt nên tòa tạm hoãn.

Khoảng một năm sau, ông Hưng bất ngờ nhận được lệnh bắt tạm giam (ngày 21/11/1995) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của ông Nam, tiếp đó còn bị truy tố thêm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” do vay tiền, vàng của người quen làm ăn nhưng đến hạn chưa trả… Đau khổ vì bị oan ức, từ trại giam Chí Hòa, ông Hưng bắt đầu những ngày tháng nộp đơn kêu oan, cầu cứu đi khắp các nơi.

Gần 2 năm sau Viện KSND TP HCM đình chỉ điều tra tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với lý do “không phạm tội”. Trước đó, HĐXX ba lần mở phiên tòa nhưng đều trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Sau 1 năm 23 ngày bị giam, ông được trả tự do nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú. Còn vợ ông sau hơn 4 năm bị giam, tháng 10/1999 được đình chỉ tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Đến năm 2004, bà được miễn trách nhiệm hình sự và VKSND TP HCM ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can.

Đòi bồi thường “1 đồng danh dự”

img
Ông Chu Quang Hưng đòi bồi thường 1 đồng danh dự

Là bộ đội giải phóng miền Nam, thương binh hạng 3 nên khi mang danh “bị can”, ông Hưng rất đau khổ. “Hai vợ chồng bị bắt, bốn đứa con từ 6-12 tuổi không ai chăm sóc nên lang thang đi bụi đời cho đến khi mẹ chúng được thả. Cuộc sống khốn khó, hai người con của tôi lần lượt chết vì theo bạn bè xấu rủ rê, nghiện ngập. Cha mẹ tôi nhìn thấy cảnh tượng đau buồn này cũng mất. Đó là nỗi đau khôn xiết mà không có gì bù đắp nổi. Nên dù chân có bước thấp bước cao, tôi vẫn sẽ đi đến cùng của sự việc, đi tìm danh dự cho mình”, ông Hưng chia sẻ.

Theo tìm hiểu của PV, thẩm phán Nguyễn Lâm bị xác định đã can thiệp vào việc mua bán nhà của ông Hưng, gây ra vụ án oan. Ông Nguyễn Lâm cũng đã thừa nhận sai phạm do sốt ruột về việc người thân là ông Nam kêu bị mất tiền khi tranh chấp nhà với ông Hưng. Cơ quan chức năng cũng đã khiển trách và ông Lâm không được tái bổ nhiệm thẩm phán. Hiện ông Lâm đã qua đời vào năm 2018.

Đến nay, vụ án này đã có 7 cán bộ của 3 cơ quan tiến hành tố tụng bị kỷ luật và nhiều lần VKSND TP đứng ra xin lỗi.

Trước đó, tháng 9-10/1999, các cơ quan tố tụng TP HCM lần lượt mời ông Hưng lên làm việc thông báo kết quả xử lý cán bộ gây oan và xin lỗi nội bộ. Nhưng ông Hưng không đồng ý với cách giải quyết này.

Mới đây, ngày 9/4/2019, TAND và VKSND TP HCM đã tổ chức xin lỗi công khai với ông tại trụ sở UBND phường 13, quận 5. Phía VKSND TP HCM cho hay sẽ bồi thường số tiền cho ông Hưng sớm nhất.

Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Hưng cho biết: “Tôi rất cảm ơn các cơ quan, ban ngành như Ủy ban Pháp luật Quốc hội, các cơ quan báo chí, đài truyền hình… đã quan tâm đến trường hợp của tôi. Hàng loạt cơ quan báo chí như: Tuổi trẻ, VnExpress, Pháp luật TP HCM... đã đồng hành đưa tin phản ánh vụ việc của tôi. Hành trình đi tìm công lý tuy đầy khổ ải, đau thương nhưng cuối cùng sự thật đã được làm sáng tỏ, điều đó nhờ một phần lớn vào báo chí. Riêng với việc bồi thường, trước đó tôi yêu cầu bồi thường 1 đồng danh dự và không nhận suông. Cùng với đó là yêu cầu bồi thường 99 tỷ đồng thiệt hại”.

Luật sư đồng hành cùng báo chí “giải mã” án oan

img
Ông Hàn Đức Long (trái) và luật sư Ngô Ngọc Trai tại nhà riêng

Luật sư Ngô Ngọc Trai, Giám đốc Công ty Luật Công Chính (Đoàn luật sư TP Hà Nội) là một trong những người tham gia vào “cuộc chiến” tư pháp, đưa tử tù Hàn Đức Long (Bắc Giang) trở về nhà sau 11 năm tù oan với 4 bản án tử hình về các tội “Giết người, Hiếp dâm và Hiếp dâm trẻ em”. Với luật sư Trai, đó là một hành trình gian truân.

Bắt đầu hành trình minh oan cho tử tù Hàn Đức Long, luật sư Trai “lang thang” trên các trang báo, mạng xã hội và sưu tầm những địa chỉ email của tất cả các trang báo điện tử tìm được, tổng hợp lại và gửi đến họ những nội dung về vụ án oan đính kèm các văn bản kêu oan cho tử tù và mong được phản ánh.

“Tạp chí Cộng sản đã phản hồi sau khi một người ở Ban Ban đọc nhận được email và đề nghị tôi cung cấp đơn kêu cứu bản in giấy có chữ ký thay vì bản word. Tôi đã làm theo và mang đơn đến gặp. Lúc này, anh ấy nói cơ quan của anh không có chức năng giải quyết nhưng sẽ chuyển đến cơ quan có thẩm quyền…Sau đó, một số báo cũng liên hệ, hỏi xin hồ sơ vụ án”, luật sư Trai kể và cho biết bản thân cũng đã trực tiếp viết một số bài báo phân tích về pháp lý, trong đó có lấy dẫn chiếu từ vụ Hàn Đức Long. Đó chính là những “tín hiệu xanh” để thôi thúc luật sư bước tiếp dù trước đó đã có nhiều đồng nghiệp không tin vụ việc có oan sai.

Một trong những điểm nhấn tạo nên bước ngoặt của việc “giải mã oan sai” cho tử tù Hàn Đức Long là khi luật sư Trai tiếp cận được vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, cũng ở Bắc Giang.

Theo luật sư, tháng 11/2013, nhiều cơ quan báo chí đăng tải thông tin về vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn với hàng nghìn bài viết, thậm chí trên một diễn đàn báo chí cũng nổ ra những tranh luận gay gắt về nghi vấn án oan. Vụ án Nguyễn Thanh Chấn được xem là vụ án hình sự nổi bật nhất lúc bấy giờ, các khía cạnh tình tiết của vụ án đã được báo chí khai thác triệt để và các ban ngành sử dụng vụ án này để viện dẫn khi thảo luận về các chính sách pháp luật, sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự…

“Sau khi đọc hàng loạt bài báo viết về vụ Nguyễn Thanh Chấn và thu thập thông tin dữ liệu thì thấy hai vụ án này có rất nhiều điểm giống nhau. Vụ án của ông Chấn xảy ra năm 2003, còn vụ ông Long xảy ra 2005, cách nhau 2 năm, cùng là trọng án giết người, hiếp dâm xảy ra ở Bắc Giang. Đặc biệt hơn, hai vụ án được giải quyết bởi cùng một số điều tra viên, cùng kiểm sát viên, thẩm phán, lối làm án và viết án giống nhau. Ví như trước khi hiếp dâm, bị cáo đều nói với nạn nhân là “cho xin một cái”, luật sư kể.

Cả hai vụ đều mô tả tình tiết gây án tình cờ khi đi qua nhà nạn nhân và nhiều điểm chung khác. Những điểm chung này giúp luật sư củng cố thêm quan điểm án oan.

Với nỗ lực không ngừng nghỉ của gia đình, luật sư cùng với sự đồng hành của báo chí khi liên tục bám sát diễn biến của vụ việc, cuối cùng án oan Hàn Đức Long cũng đã được “giải mã”. Ông đã trở về với vòng tay của người thân, cộng đồng, được đón những cái Tết sum vầy bên gia đình sau 11 cái Tết cùm chân chờ chết đầy ám ảnh.

Dù vậy, đến thời điểm hiện tại (3/6/2019), bà Nguyễn Thị Mai (vợ ông Long) vẫn chưa thể hết lo lắng khi nghẹn ngào nói với PV Báo Giao thông: “Sức khỏe của chồng tôi vẫn đang khá yếu nên từ khi về nhà không làm được việc gì, trong khi số tiền bồi thường oan sai vẫn chưa thấy đâu. Để sống qua ngày, tôi vẫn chỉ luẩn quẩn với mấy sào ruộng, cũng không dám đi làm ăn xa vì còn phải ở nhà chăm chồng”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.