Hành trình cổ phần hóa Vinalines sắp cán đích

24/06/2018, 15:16

Tiến trình cổ phần hóa đầy gian nan của Vinalines sắp “cán đích” khi thời gian chào bán cổ phần ra công chúng...

85

Tàu Vinalines bốc xếp hàng tại cảng Hải Phòng - Ảnh: Tạ Tôn

Khởi động từ năm 2014, sau 3 lần điều chỉnh phương án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến thời điểm hiện tại, tiến trình cổ phần hóa đầy gian nan của Vinalines sắp “cán đích” khi thời gian chào bán cổ phần ra công chúng dự kiến diễn ra vào quý III/2018.

Kỳ vọng đạt gần 4.900 tỷ doanh thu từ IPO

Theo ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Truyền thông Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), tiến trình cổ phần hóa (CPH) Vinalines được khởi động từ năm 2014. Cuối tháng 3/2015, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án CPH Vinalines. Tuy nhiên, do lộ trình CPH kéo dài nên đến cuối năm 2016, Thủ tướng yêu cầu Vinalines xác định lại giá trị doanh nghiệp (DN) để xây dựng lại phương án CPH.

“Phương án trình Thủ tướng vào tháng 12/2017 xây dựng theo Nghị định số 59/2011 tiếp tục “lỡ hẹn” do không được phê duyệt trước ngày 1/1/2018, thời điểm Nghị định 126/2017 của Chính phủ (thay thế cho Nghị định 59/2011) về chuyển DN Nhà nước và công ty TNHH MTV do DN Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành CTCP có hiệu lực. Một lần nữa, Vinalines được yêu cầu xây dựng lại phương án CPH theo Nghị định số 126 và phương án mới nhất đã được Bộ GTVT trình Chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 4/2018”, ông Hải nói.

Theo báo cáo mới nhất, hiện Vinalines đang sở hữu đội tàu gồm 84 chiếc và hệ thống kho bãi hàng hải lớn nhất Việt Nam về mặt diện tích thông qua 9 công ty liên kết và chi nhánh.

Trải qua giai đoạn tái cơ cấu, số nợ của Vinalines đã giảm từ 9,1 nghìn tỷ đồng (399 triệu USD) trong năm 2014 xuống còn 2,61 nghìn tỷ đồng (114,44 triệu USD) trong năm 2017. Tính đến quý I/2018, Vinalines đang có vốn góp tại 14 DN cảng biển, khai thác 67 cầu cảng với tổng chiều dài 11.885m, chiếm 27% số cầu cảng, 20% tổng chiều dài cảng biển cả nước.

Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền TGĐ Vinalines cho biết, theo phương án mới nhất, hình thức CPH công ty mẹ - Vinalines sẽ là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn Nhà nước hiện có tại DN, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Sau khi CPH thành công, Vinalines sẽ có vốn điều lệ hơn 14.046 tỷ đồng, bao gồm giá trị vốn Nhà nước hơn 11.946 tỷ đồng.

“Cơ cấu vốn điều lệ và cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu tại Vinalines được kiến nghị theo hướng Nhà nước nắm 65% vốn điều lệ, tương đương 912.993.770 cổ phần; bán cho nhà đầu tư chiến lược 207.896.970 cổ phần, tương đương 14,8% vốn điều lệ; bán ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên 2.293.900 cổ phần, tương đương 0,16% vốn điều lệ; bán ưu đãi cho tổ chức công đoàn 0,04% vốn điều lệ. So với phương án CPH trình Bộ GTVT vào cuối tháng 12/2017, quy mô vốn điều lệ của Vinalines tại phương án mới nhất tăng thêm 130 tỷ đồng”, ông Tĩnh nói và cho biết, với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, Vinalines sẽ bán khoảng 280,92 triệu cổ phiếu trong đợt IPO và 207,89 triệu cổ phiếu trong đợt chào bán riêng lẻ, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) sẽ là nhà tư vấn tài chính cho cả 2 thương vụ lần này. Theo lộ trình, Vinalines sẽ tiến hành IPO trước, sau đó việc bán cho nhà đầu tư chiến lược sẽ được triển khai. Giá đấu bình quân trong đợt IPO sẽ được sử dụng để làm giá khởi điểm cho đợt chào bán cho nhà đầu tư chiến lược.

“Vinalines có kế hoạch sẽ thu về tổng cộng gần 4.900 tỷ đồng (214,8 triệu USD) từ việc bán 34,8% vốn trong 2 đợt IPO và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược sắp tới”, ông Tĩnh chia sẻ.

Cũng theo ông Tĩnh, dù tỷ lệ chào bán cho nhà đầu tư chiến lược đã giảm còn 14,8% vốn điều lệ, song nếu thắng đấu giá toàn bộ lượng cổ phần chào bán ra công chúng (IPO), họ vẫn có thể sở hữu 34,8% vốn điều lệ của Vinalines.

Thông tin về thời gian diễn ra đợt IPO, theo ông Trần Tuấn Hải, Văn phòng Chính phủ đang xin ý kiến của 4 bộ, ngành là: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ LĐ, TB&XH trước khi trình Thủ tướng phê duyệt. “Thời điểm hiện tại, 4 bộ, ngành đã gửi ý kiến đến Văn phòng Chính phủ. Về cơ bản, các bộ, ngành đều đánh giá phương án CPH của Vinalines phù hợp với quy định hiện hành, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và có tính khả thi cao. Nếu thuận lợi, thời gian tiến hành IPO dự kiến sẽ là tháng 8/2018”, ông Hải thông tin.

86

Bốc xếp hàng hóa tại cảng Đồng Nai - Ảnh: Tạ Tôn

Lộ diện nhà đầu tư chiến lược

Theo phương án CPH Vinalines mới được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược đã nâng cao gấp đôi so với phương án trước đó. Cụ thể, trong nhóm điều kiện chung, ngoài việc phải có năng lực tài chính và có kết quả hoạt động kinh doanh 2 năm gần nhất tính từ thời điểm đăng ký mua cổ phần có lãi và không lỗ lũy kế, các nhà đầu tư phải cam kết bằng văn bản về việc tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính trong ít nhất 3 năm kể từ khi chính thức trở thành nhà đầu tư chiến lược.

Đối với nhóm điều kiện riêng, các nhà đầu tư là DN cùng ngành nghề, Bộ GTVT yêu cầu phải có mức vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng. Các nhà đầu tư ngoài ngành nghề, mức vốn điều lệ được yêu cầu cao gấp đôi là 2.000 tỷ đồng hoặc có quy mô tổng tài sản đang quản lý tối thiểu 2.000 tỷ đồng đối với nhà đầu tư là các quỹ đầu tư (thay vì mức vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng được quy định tại phương án CPH tháng 12/2017).

Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết, thời gian qua, Vinalines đã có một số các cuộc thảo luận sơ bộ với hàng loạt các nhà đầu tư tiềm năng, các quỹ đầu tư, các công ty đa quốc gia, các tập đoàn hàng hải lớn từ: Nhật Bản, Thái Lan và Hàn Quốc. Trong đó, các tập đoàn: Hyundai Motor, SK Holdings và Tập đoàn Xi măng Siam Cement đang là những nhà đầu tư quan tâm tới Vinalines. Hiện tại, Hyundai Motor đã gửi một bức thư chính thức tới Vinalines với mong muốn tham gia vào đợt CPH.

“Mặc dù theo kỹ thuật, các nhà đầu tư chiến lược có cơ hội sở hữu tổng cộng 34,8% vốn của Vinalines qua cả 2 đợt IPO và đàm phán riêng lẻ sắp tới nhưng lượng cổ phần “thiểu số” được Chính phủ chào bán tại Vinalines có thể không đủ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Có những đối tác dù rất quan tâm nhưng thể hiện ý đồ muốn nắm giữ ít nhất 49% tại Vinalines để có được quyền quyết định trong quá trình hoạt động sau này. Một số đối tác như Quỹ Dự trữ Quốc gia Vương quốc Oman hiện chỉ có ý định hợp tác với Vinalines trong việc khai thác một số cảng biển có vị trí địa lý chiến lược thay vì tham gia vào đợt bán cổ phần sắp tới”, ông Tĩnh nói.

Cũng theo ông Tĩnh, năm 2017, Vinalines đã ký biên bản ghi nhớ với Rent A Port N.V, một công ty chuyên về đầu tư và quản lý cảng thuộc Tập đoàn Ackermans & van Haaren, Vương quốc Bỉ về khả năng hợp tác trong các dự án bến cảng ngũ cốc chuyên dụng, khu chế biến, hệ thống logistics, trong đó có điều khoản cho phép Rent-A-Port N.V tham gia đầu tư, mua 10% vốn điều lệ của Vinalines khi thực hiện CPH. Phía đối tác Bỉ cho tới nay đã thuê Công ty Tư vấn PwC để triển khai thương vụ này và hiện đang tiến hành quá trình thẩm định.

“Với 3 ngành nghề kinh doanh B2B chính bao gồm: Vận tải biển, khai thác cảng biển, dịch vụ hàng hải, Vinalines vẫn đang chào đón các nhà đầu tư tài chính, các tập đoàn lớn trong lĩnh vực hàng hải để giúp đơn vị nắm bắt những cơ hội thương mại và làn sóng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đang gia tăng vào Việt Nam”, quyền TGĐ Vinalines khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.