Chất lượng sống

Hành trình kỳ diệu của một trẻ tự kỷ thành kỷ lục gia

27/10/2017, 13:22

Vượt ngoài mong đợi của cha mẹ, cậu bé Khôi Nguyên mắc chứng tự kỷ đã trở thành một kỷ lục gia...

14

Khôi Nguyên nhận xác nhận kỷ lục

Vượt ngoài mong đợi của cha mẹ, cậu bé Khôi Nguyên mắc chứng tự kỷ đã trở thành một kỷ lục gia về giữ cân bằng vừa tung hứng 8 bóng, vừa đạp xe và đội chai trên đầu. Một tiết mục xiếc chưa diễn viên xiếc nào của Việt Nam thực hiện được.

Tia sáng cuối con đường

Năm 2001, bé Khôi Nguyên chào đời trong sự chờ đợi đầy hạnh phúc của cha mẹ và gia đình. Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang khi gia đình phát hiện Nguyên có dấu hiệu bất thường hẫng người, co giật nhẹ rồi nhũn người, khi vừa tròn 6 tháng tuổi. Khi đưa Nguyên đến khám tại bệnh viện (BV) Nhi T.Ư và được bác sĩ chẩn đoán mắc chứng tự kỷ, anh Nguyễn Thế Hiệp (bố của Nguyên) không tin đó là sự thật. Kết luận này được nhận định một lần nữa khi Nguyên được khám tại BV Bạch Mai. “Hai vợ chồng cùng hoang mang, hụt hẫng hơn khi bác sĩ khẳng định không có thuốc nào chữa được căn bệnh của con”, anh Hiệp nhớ lại.

Nguyên mắc chứng tăng động, giảm chú ý, nên khi biết đi, biết chạy, lúc nào gia đình cũng cắt cử người giám sát. Sứt đầu, mẻ trán vì leo trèo rồi ngã là chuyện thường ngày, hơn nữa Nguyên lại không có cảm giác đau hay sợ nên mọi việc càng nặng nề hơn.

Nghệ sĩ nhân dân Tâm Chính, Chủ tịch Liên chi hội Xiếc Việt Nam nhận xét: “Mặc dù là trẻ tự kỷ nhưng Khôi Nguyên đã luyện và biểu diễn không kém gì bất cứ diễn viên xiếc nào của Việt Nam. Khi xem em biểu diễn người ta quên cái tật nguyền của em và chắc chắn em sẽ trở thành một diễn viên xiếc chuyên nghiệp”. 

Vào thời điểm đó, thông tin về chứng tự kỷ quá hiếm hoi. Đau đáu với đứa con đầu lòng không may mắc chứng tự kỷ, để tìm cách “cứu” con, mẹ Nguyên khi đó là thạc sĩ chuyên ngành Tâm lý bỏ việc, đăng ký học tại Khoa Giáo dục đặc biệt của trường ĐH Sư phạm. Sau đó, chị tiếp tục sang Nhật nghiên cứu và trở về làm “cô giáo đặc biệt” cho chính cậu con trai của mình.

Đến tuổi đi mẫu giáo, để được hòa nhập (một cách giúp chữa trị chứng tự kỷ), Nguyên cũng được bố đưa đến trường. Trải qua rất nhiều trường, nơi nào cũng chỉ được 1 tháng cô giáo gọi đến, tâm sự “chăm con vất vả quá mà lớp lại đông”. Rất thông cảm với cô giáo, bởi mình hiểu những trẻ như Nguyên cần phải 1 thày, 1 trò. Nên hai cha con lại ngậm ngùi dắt díu nhau về. Và đến khi vào tiểu học cũng vậy, mặc dù được các thày cô giáo tích cực hỗ trợ nhưng nhiều lần chứng kiến Nguyên bị bạn bè bắt nạt, trêu chọc, thương con, anh Hiệp lại quyết định cho con nghỉ ở nhà.

“Phải có con mắc chứng tự kỷ mới hiểu hết nỗi nhọc nhằn khi chăm sóc, giáo dục con. Để rèn một nếp sinh hoạt cũng là vô cùng khó, đơn cử chỉ với việc tập đánh răng, nếu trẻ bình thường mất 2-3 buổi thì thời gian luyện tập với trẻ tự kỷ phải tính bằng tháng, bằng năm. Những đứa trẻ như Nguyên, lớn về thể xác nhưng tâm hồn lúc nào cũng như trẻ lên 3”, anh Hiệp cho hay.

Vô tình một lần bắt gặp thông tin về rèn luyện học kỳ quân đội dịp hè của Trung tâm Tâm Việt, nơi không “từ chối trẻ tự kỷ”, anh Hiệp mạnh dạn gửi con vào đó để con được hoà nhập. Tại đây, Nguyên được thày Quốc Việt phát hiện đúng dạng thông minh vận động rồi được dạy tung bóng. Khi đó Nguyên 10 tuổi và cũng từ đây những trái bóng tròn nhỏ xinh đã làm thay đổi Nguyên, đưa cậu bé đến với kỳ tích trở thành kỷ lục gia về tiết mục giữ thăng bằng tung hứng bóng.

15

Khôi Nguyên biểu diễn

“Quá hiếm người trên thế giới có thể làm được”

Chia sẻ chuyện “đêm trước Nguyên tỉnh giấc kéo chăn lên đắp ngang ngực cho bố”, ánh mặt anh Hiệp bừng sáng đầy hạnh phúc. Bởi suốt nhiều năm qua, “cảm xúc” là điều gì đó quá xa xỉ đối với Nguyên, “không buồn, không ghét, không sợ, cũng không biết giận ai bao giờ”. “Giờ Nguyên biết quan tâm đến bố, biết kể bố nghe chuyện ở lớp, chuyện em gái mới nhập học hay khóc nhè, rủ bố, cùng bạn bè chụp ảnh “tự sướng”… Dù câu nói hay hành động còn vụng về lắm nhưng với gia đình đó là những điều mà trước kia chưa khi nào dám nghĩ đến. Và đến giờ Nguyên đã cải thiện được gần như hoàn toàn chứng tăng động, giảm chú ý. Chính những trái bóng tròn tung hứng trên cầu thăng bằng đã giúp thay đổi cuộc đời Nguyên”, anh Hiệp tâm sự.

Ngay từ lần đầu tiếp xúc với trái bóng tròn nhỏ xinh, Nguyên đã có sự đam mê lạ thường. Khi tìm ra sở trường của Nguyên, bố Nguyên cùng thày Việt đã mời thày Nguyễn Quang Thọ, diễn viên xiếc chuyên nghiệp hướng dẫn…

Thày Thọ cho hay, ban đầu, Nguyên thích cầm quả bóng và tung, vụng về giống như con khỉ tung bóng vậy. “Mình phải cầm tay chỉ bảo Nguyên từng chút một. Khi tiếp nhận cậu học trò này, mình vẫn nghĩ chỉ tập cho vui và giúp cải thiện hội chứng tự kỷ thôi”, ông Thọ kể lại.

Tập được 6 tháng, thày Thọ đi lưu diễn ở nước ngoài và để lại giáo trình luyện tập cho các thày ở trung tâm rèn cho Nguyên. Ngày nào cũng vậy, trừ thời gian ăn ngủ, Nguyên dành toàn bộ cho luyện tập như đó là niềm vui duy nhất vậy. Từ 1 bóng sang 2 bóng rồi 3-4 bóng... Rồi từ đứng đất, Nguyên vừa đứng cầu thăng bằng vừa tung hứng bóng... Cứ trèo lên thăng bằng rồi ngã, sứt sẹo liên miên nhưng cậu bé vẫn say mê tung hứng trên cầu thăng bằng. Sự tiến bộ của Nguyên cũng khiến chính thày Thọ bất ngờ sau 3 tháng lưu diễn trở về. “Không thể tưởng tượng Nguyên có thể tung 2-3 bóng nhiều lần, đổi tay phải trái. Phải nói thật, với khoảng thời gian như vậy, với một trẻ bình thường cũng không thể đạt được kết quả như Nguyên. Điều này khiến mình thay đổi hẳn tư duy là Nguyên có thể làm được và làm thành công”, thày Thọ nói và cho biết thêm, qua năm thứ nhất, Nguyên tiến bộ rất nhanh. Cảm giác với bóng rất chuẩn và thày chỉ đẩy kỹ thuật giúp Nguyên, thời gian tập trung tăng dần lên từ 15 phút lên 1 giờ, 2 giờ... và hiện đã tập trung toàn thời gian. Sau năm đầu tiên, thày Thọ chính thức áp cho Nguyên luyện tập theo đúng giáo trình cho học viên xiếc bình thường, “hoàn toàn không còn nghĩ Nguyên là trẻ tự kỷ nữa”.

Các tiết mục xiếc của Nguyên cứ khó dần lên, khó đến nỗi thày Thọ phải thú nhận rằng “chưa đủ trình để làm được như Nguyên”. Sau 4 năm miệt mài luyện tập, cậu bé Khôi Nguyên đã chinh phục được tiết mục vừa đạp xe hoặc đứng trên 5 con lăn vừa tung 8 bóng và đội cân bằng thêm một cái chai ở trên đầu nữa.

“Nhiều lúc tôi tự hỏi làm sao Nguyên có thể làm cùng lúc được cả 3 việc đó nhỉ. Quá khó và phải nói quá hiếm người trên thế giới có thể làm được. Và tôi thì chịu”, thày Thọ nói về Nguyên với giọng điệu đầy tự hào về cậu học trò của mình.

Bởi theo lý giải của thày Thọ, nếu đồng thời cùng làm 3 động tác trên nghĩa là con người ta phải tập trung vào cả 3 động tác đó. Nhưng điều đó lại là “không tưởng” đối với một người một bình thường, kể cả có năng khiếu. “Cũng có thể chính vì Nguyên là cậu bé tự kỷ “ít cảm xúc” nên có thể “toàn tâm, toàn ý” với tiết mục đó. Chính ở Việt Nam thì chưa có bất kỳ diễn viên xiếc nào có thể làm được điều đó”, ông Thọ cho hay. Cũng chính tiết mục xiếc này của Nguyên đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục “Hành trình ý chí kỷ lục Việt Nam - Cậu bé tự kỷ đội chai trên đầu, tung 8 bóng trên đạp xe một bánh trong thời gian lâu nhất”.

Hiện giờ, cậu bé Khôi Nguyên với chiều cao 1,75m, khuôn mặt khôi ngô nhưng vẫn vụng về với những câu trả lời rất ngắn và hồn nhiên như trẻ lên 5. Và khi trả lời câu hỏi: Nguyên giỏi xiếc thế, ước mơ của Nguyên là gì? “Con sẽ dạy các em tự kỷ tung bóng”, ước mơ của Nguyên chỉ giản dị đến vậy.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.