Hạ tầng

Hành trình "lên đời" của cây cầu Ván

06/05/2014, 06:38

Chiếc cầu mà bao đời nay người dân vùng biển huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre gọi là cầu Ván thì nay đã "lên đời" bằng một cây cầu bê tông cốt thép kiên cố.

Cầu Ván đã lên đời bằng cây cầu bê tông
Cầu Ván đã lên đời bằng cây cầu bê tông


Cú hích cho 3 xã “ốc đảo”


Ông Nguyễn Minh Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre cho biết, trên địa bàn huyện có 3 xã vùng biển là: Thạnh Phong, Thạnh Hải và Giao Thạnh từ lâu được xem như một “ốc đảo”. QL57 từ TP Bến Tre khi về vùng biển này bị tắc bởi sông Eo Lói. 


Theo lời kể của ông Nguyễn Thảo năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhà ông ở ngay sát phà Ván, từ xa xưa con sông Eo Lói chỉ rộng chừng 150m. 


“Để thuận tiện cho việc đi lại từ bờ này sang bờ kia, người dân bàn nhau bắc một cây cầu Ván qua sông. Vì là cây cầu đơn sơ với ván gỗ ghép lại nên chẳng mấy chốc đã xong và được bà con đưa vào sử dụng. Cái tên cầu Ván có từ ngày đó. Tuy nhiên, trải qua những năm tháng chiến tranh bom đạn khốc liệt, cây cầu Ván đã nhiều lần bị hỏng, thậm chí sập hoàn toàn. Hơn nữa, con sông Eo Lói theo năm tháng cũng bị sói lở nhiều, rộng ra nhiều lần và lên đến khoảng 500m. Cây cầu Ván bắc qua sông cũng không còn an toàn và phù hợp để qua sông. 
 

Cầu Ván dài 444,8m với 9 nhịp. Cầu được xây dựng tại Km 91+55 trên QL57. Công trình này thuộc gói thầu B2-33, Dự án Tín dụng ngành GTVT để cải tạo mạng lướng đường Quốc gia (Bước 2 - giai đoạn 1). Công trình do Tổng cục Đường bộ VN làm chủ đầu tư, cơ quan quản lý dự án là Ban QLDA 6. Nhà thầu thi công là Liên danh Tổng Công ty Xây dựng CTGT 4 - Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trường Sơn - Công ty Cổ phần Cầu 11 Thăng Long. Giá trị xây lắp theo hợp đồng là 190 tỷ đồng, thời gian thi công 19 tháng. Nhà thầu đã vượt tiến độ 4 tháng so với hợp đồng.

Trong nhiều năm ròng, người dân nơi đây phải kỳ cạch dùng những chiếc đò ngang để sang sông nên rất bất tiện. Sau khi đất nước thống nhất, Nhà nước đã đưa về đây mấy chiếc phà phục vụ bà con nên giao thương đi lại thuận tiện hơn. Những chiếc phà này cũng lấy luôn tên là phà Ván” - ông Cảnh kể.

Sống gần hết cuộc đời với mảnh đất Thạnh Phú này, ông Thảo lúc  nào cũng mong ước có một cây cầu để người dân quê ông đi lại bớt khó khăn. Ba xã vùng biển của huyện Thạnh Phú là khu vực nuôi trồng thủy sản lớn nhất huyện. Thế nhưng, sản phẩm của bà con nông dân làm ra chỉ bán lẻ, vận chuyển lên thành phố bằng những chiếc xe tải nhỏ vì xe lớn không qua phà được. Ở xã Thạnh Hải có một khu du lịch ven biển đã được đầu tư xây dựng mấy năm trước và thu hút khá nhiều khách du lịch nhưng rồi cách trở đò ngang nên cũng chỉ phát triển cầm chừng.


Thế rồi tin Nhà nước có quyết định đầu tư xây dựng cầu Ván bằng cầu bê tông cốt thép vững chãi hoàn thành trước Tết 2014 đã mang đến niềm vui khôn xiết cho người dân vùng biển nơi đây. “Nghe nói Nhà nước xây cầu cho dân đi ai ngờ lại xây cầu to thế. Con cháu tui sau này đi học đỡ khổ rồi, đời tụi nó sẽ khá hơn”- ông Thảo cười vui sướng khi nhìn về cây cầu bề thế. 


Còn ông Nguyễn Minh Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú với tầm nhìn xa hơn thì cho biết, cầu Ván sẽ là một “cú hích” quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội đối với ba xã vùng biển Thạnh Hải, Thạnh Phong và Giao Thạnh. 


Ông Phan Thanh Tùng - Chủ tịch UBND xã Thạnh Hải cũng cho biết, từ dịp Tết 2014, sau khi cầu Ván đưa vào sử dụng đã có hàng ngàn lượt khách đến với khu du lịch ven biển của xã. “Chúng tôi đang chuẩn bị các dịch vụ để đón một lượng khách chắc chắn sẽ rất lớn trong những năm tới” - ông Tùng nói.
 

Cây cầu bê tông vững chãi
Cây cầu bê tông vững chãi

Người dân đổi đời


Trở lại câu chuyện xây cầu Ván, nằm ở vị trí gần như tận cùng của QL57 nên việc xây dựng cây cầu này với các đơn vị thi công là hết sức gian nan. Trên tuyến QL57 từ thị trấn Mỏ Cày về cầu Ván có hai cây cầu yếu là Tân Huề và An Quy chỉ cho phép phương tiện 6 tấn đi qua. Việc vận chuyển vật liệu, thiết bị đến công trường chủ yếu bằng đường thủy hoặc xe tải nhỏ, mà cũng hai lần bốc lên hạ xuống.


Khu vực cầu Ván nằm gần cửa biển nên chịu ảnh hưởng lớn của chế độ bán thủy triều, một ngày con nước hai lần lên xuống. Mực nước chênh mỗi khi nước lớn và nước ròng có khi hơn 2m khiến việc neo đậu sà làn, ghe thuyền khó khăn. Ngay như việc vận chuyển xi măng cũng phải dùng xe bồn để chứa rồi vận chuyển bằng sà lan đến công trường, sau đó dùng ống bơm vào các xi lô. Đơn vị thi công sau nhiều lần khoan mới tìm được một giếng nước ngọt cách công trường hơn 1km, sau đó dùng ống bơm nước về nhưng cũng chỉ để thi công, còn nước sinh hoạt phải mua từng thùng.


Ông Mai Lê Anh - Phó Giám đốc Công ty Công trình giao thông 499 (Cienco 4), đồng thời là Giám đốc điều hành dự án xây dựng cầu Ván cho biết, những khó khăn trong quá trình xây dựng cầu Ván đã được chủ đầu tư và các nhà thầu lường trước. Vì vậy, khi có quyết định trúng thầu, dù chưa ký hợp đồng nhưng nhà thầu đã tiến hành tập kết thiết bị, nguyên vật liệu, chuẩn bị mặt bằng. Đến khi có lệnh của chủ đầu tư là tiến hành khoan cọc và triển khai thi công ở các mũi ngay. Với tất cả các dự án, Cienco 4 đều yêu cầu các đơn vị quyết liệt về tiến độ và chất lượng ngay từ thời gian đầu nên nhà thầu 499 đã tổ chức thi công 3 ca 4 kíp, làm việc 24/24h, mở nhiều mũi thi công cùng lúc, thực hiện báo cáo tiến độ hàng ngày. Hai nhà thầu khác là Công ty Cổ phần ĐTXD Trường Sơn, Công ty CP Cầu 11 Thăng Long cũng đã huy động tổng lực nhân lực, thiết bị. Lúc cao điểm, trên công trường có hơn 200 cán bộ kỹ sư, công nhân lành nghề và hơn 20 máy cẩu thi công liên tục. Tiến độ thi công vì vậy được đẩy rất nhanh.


Thế nhưng, khi công trình đi vào giai đoạn nước rút, lại gặp một trở ngại lớn không lường hết được, đó là việc chuyên chở nhựa thảm mặt cầu và đường. Ông Nguyễn Quang Lâm - Phó Văn phòng đại diện khu vực miền Nam của Ban QLDA 6 cho biết, bê tông nhựa phải chuyển từ trạm ở TP Bến Tre xuống. Nhưng đến cầu Tân Huề và An Quy bị tắc không qua được khiến nhà thầu gặp khó. Đích thân chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - Võ Thành Hạo đã phải chỉ đạo Sở GTVT khẩn trương gia cường hai cây cầu yếu này để xe 10 tấn chạy qua. Nhà thầu cũng huy động cùng lúc 20 xe chở liên tục đảm bảo tiến độ thảm mặt cầu, đường. Tuy nhiên cũng phải chờ đợi trong nhiều ngày, đơn vị sửa chữa mới gia cường xong cầu Tân Huề và An Quy để xe chở nhựa lưu thông.


Giải được bài toán nhựa, mọi chuyện sau đó với cầu Ván trở nên suôn sẻ hơn. Các nhà thầu chỉ tập trung thảm và trong một thời gian ngắn đã hoàn thành, đưa vào sử dụng cầu trước Tết Nguyên đán 2014 mang lại niềm vui khôn xiết với người dân Thạnh Phú. “Cầu Ván đã lên đời thành cầu bê tông rồi thì người dân ở đây cũng sẽ đổi đời thôi”- cụ Phan Văn Chí một người dân xã Giao Thạnh cười sảng khoái khi nhìn về cầu Ván.

Phan Tư
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.