Âm nhạc

Hấp dẫn khán giả nhờ sáng tạo biểu diễn trong mùa dịch

11/03/2021, 06:13

Dịch bệnh kéo dài, nhiều nghệ sĩ và nhà sản xuất âm nhạc đã tìm cách sáng tạo để đưa chương trình của mình tới công chúng.

img

DJ Hot Since 82 chơi nhạc trên khinh khí cầu để mang tới trải nghiệm mới cho khán giả. Ảnh: BBC

Họ kiếm được thêm những hợp đồng, thay đổi tư duy nghe - nhìn của khán giả, chứ không chỉ ngồi trong nhà và chờ đại dịch trôi đi.

Muôn kiểu sáng tạo trong biểu diễn

Âm nhạc là một trong những lĩnh vực chịu tác động lớn nhất của đại dịch Covid-19 bởi nó phụ thuộc nhiều vào việc bán vé và tài trợ từ các buổi biểu diễn trực tiếp. Khi gần như tất cả các sân khấu đóng băng, nghệ sĩ buộc phải tìm cách thích ứng để kéo khán giả đến với mình.

Thế nhưng, theo BBC, Covid-19 đang định hình lại tư duy sáng tạo của các nghệ sĩ khi họ buộc phải thay đổi để thích ứng.

Đại dịch tạo ra những nhu cầu về việc trải nghiệm âm nhạc tại nhà khác biệt cho các khán giả. Theo James Drummond - quản lý của DJ người Anh Hot Since 82, việc khóa cửa ở nhà buộc mọi người phải suy nghĩ khác.

Nói là làm, Hot Since 82 đã mang tới những buổi hòa nhạc tại các địa điểm ngoài trời đặc biệt để người xem có thể vừa được thưởng thức âm nhạc, vừa được chu du các cảnh quan bên ngoài thông qua internet. Anh chơi nhạc trên khinh khí cầu, có lúc lại dưới bến cầu tàu của một bãi biển hoang vắng. “Điều đó mang đến kiểu phiêu lưu khác cho những người yêu âm nhạc”, James Drummond nhận định.

Trong khi đó, đạo diễn Alex Lill kết hợp cùng The Weeknd tạo ra những trải nghiệm âm nhạc kiểu điện ảnh cho khán giả. Buổi biểu diễn “Heartless” trên chương trình Late Show của Mỹ minh chứng cho điều đó khi thay vì diễn trên sân khấu truyền thống với khán giả trực tiếp bên dưới, máy quay lại theo chân The Weeknd diễn từ trong hậu trường với những cú quay oneshot. Anh biểu diễn, đi qua nhiều không gian siêu thực để ra đến sân khấu.

Không chỉ cố gắng mang tới trải nghiệm mới cho khán giả ở những sản phẩm xem trực tuyến, nhiều nghệ sĩ lại tìm cách mang nhạc sống tới trực tiếp khán giả. Ở Đức, hai nghệ sĩ Sylvia và Rebecca - thành viên của Dàn nhạc giao hưởng thính phòng Frankfurt mang tới một dịch vụ mới lạ là đem hòa nhạc tới tận nhà khán giả.

Họ đến các hộ gia đình trong thành phố để chơi nhạc theo đơn đặt hàng. Sân khấu là một góc cầu thang khu chung cư hay khu nhà của người dân.

Những buổi hòa nhạc đặc biệt này kéo dài 7 - 10 phút. Hai nghệ sĩ luôn giữ khoảng cách với khán giả để phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh. Với Sylvia và Rebecca, đây như một cách để giao lưu gần gũi hơn với khán giả. Đồng thời, ý tưởng mới mẻ này giúp họ được thỏa ước mơ làm nghề giữa thời đại dịch.

Các nhạc công thuộc dàn nhạc giao hưởng Orchester de la Suisse Romande (Thụy Sĩ) lại tìm cách tiếp cận độc đáo hơn khi thực hiện những buổi biểu diễn cho duy nhất một khán giả. Mỗi buổi diễn dài khoảng 10 phút, ở các địa điểm xung quanh thành phố từ tiệm hoa, cửa hàng và các tòa nhà cũ. Khán giả sẽ được cung cấp ngày, giờ, địa điểm.

Nghệ sĩ biểu diễn và danh sách bản nhạc sẽ được giữ bí mật cho đến khi buổi diễn chính thức diễn ra để tạo ra sự tò mò, bí ẩn thu hút công chúng.

Nhận kết quả đáng kinh ngạc nhờ 4.0

img

Nghệ sĩ Thụy Sĩ biểu diễn cho một khán giả. Ảnh: AFP

Với tiêu chí tạo ra trải nghiệm âm nhạc kiểu điện ảnh, màn trình diễn “Save Your Tears/In Your Eyes” của The Weeknd tại The 2020 American Music Awards biến không gian đường phố Los Angeles vắng tanh thành sân khấu rực rỡ pháo hoa trong một cú máy mới lạ nhận được sự hưởng ứng của khán giả. Đoạn video trình diễn thu hút hơn 24 triệu lượt xem - con số khá cao với một video không phải MV chính thức.

Hay với Hot Since 82, hai sản phẩm được thực hiện ở những không gian mới mẻ của DJ này đã thu hút số lượt xem gấp đôi, thậm chí gấp nhiều lần những video khác.

Trong khi đó, Jayanth Potharaju - ca nhạc sĩ người Ấn Độ nhờ tận dụng mạng xã hội Fiverr (thị trường trực tuyến cho các dịch vụ tự do) mà nhận được hàng loạt hợp đồng thuê viết bài hát.

Cụ thể trên Fiverr, Jayanth niêm yết giá cho 1 bài hát từ 40 - 200 USD tùy yêu cầu. Vì hầu hết khách hàng ở các nước phương Tây nên theo Firstpost, Jayanth đã bận rộn suốt năm 2020 và còn kiếm được nhiều hơn so với việc biểu diễn.

Không chỉ các nghệ sĩ, những đơn vị bán vé hòa nhạc cũng nhanh chóng “xoay theo chiều gió” để không trở thành nạn nhân của đại dịch.

Nền tảng bán vé Skillbox nổi tiếng có trụ sở tại New Delhi (Ấn Độ) đã chuyển từ bán vé các chương trình trực tiếp sang bán vé các chương trình trực tuyến. Skillbox chủ yếu hợp tác với các nghệ sĩ indie nên khi tổ chức những buổi diễn online, họ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận khán giả.

Mặc dù doanh thu chỉ bằng 1/4 so với trước đây nhưng theo Giám đốc điều hành Skillbox Anmol Kukreja, việc chuyển đổi này giúp số hợp đồng biểu diễn của các nghệ sĩ indie tăng lên, vượt qua hai nền tảng bán vé lớn khác là Bookmyshow và Insider.

Trên thực tế, nhiều nghệ sĩ trên khắp thế giới đang tận dụng sức mạnh công nghệ để tổ chức những buổi diễn online thu phí kiếm thêm thu nhập. Laura Marling và Nick Cave tạo nên một “làn sóng” diễn trực tuyến thu phí trên Twitter. Dua Lipa tổ chức concert online “Studio 2054” hút hơn 5 triệu lượt xem với giá vé VIP 15 bảng Anh (gần 500.000 đồng). Hay nhạc sĩ Warren Wolf đang chuẩn bị cùng các đồng nghiệp tổ chức hòa nhạc online tại Baltimore với mức giá xem online chỉ 5 USD/vé...

Theo nhận định của Forbes, chưa biết lúc nào đời sống của người dân trên khắp thế giới mới trở lại bình thường. Do đó, điều quan trọng là phải nắm lấy sức mạnh của công nghệ để không chỉ cứu vãn ngành công nghiệp âm nhạc. Trên tờ The Guardian, nhà phê bình Michelle Kambasha nhận định: “Mọi cách làm hiện tại của những nghệ sĩ âm nhạc chỉ là tạm thời. Để đưa ra giải pháp đảm bảo thu nhập cho các nghệ sĩ lâu dài là điều khó có câu trả lời”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.