Xã hội

Hậu phương vững chắc của các "chiến binh áo trắng" thành Vinh

29/06/2021, 19:00

Bố mẹ, chồng, vợ và những đứa con... của các bác sĩ luôn là giá đỡ tinh thần góp sức cùng tuyến đầu chống dịch Covid-19.

img

Chị thứ Lưu Huyền Chi bày cho em học bài

Gác tuổi thơ trông chị, chăm em cho mẹ cha… chống dịch

7h tối, mọi con phố ở TP Vinh đã sáng đèn, chị Nguyễn Thị Thanh Hoa (44 tuổi), kỹ thuật viên xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An mới về đến nhà. Từ khi dịch đến, mẹ đi biền biệt, nay mới có một hôm về sớm nên ba chị em Lưu Thanh Huyền (16 tuổi), Lưu Huyền Chi (12 tuổi) và Lưu Tiến Dũng (6 tuổi) vui như Tết.

Mẹ vừa ngồi xuống ghế, Dũng nhanh tay lấy nước rồi ngồi phía sau bóp vai, đấm lưng cho mẹ. Huyền Chi thì vội vàng chạy xuống bếp hâm lại thức ăn cho nóng rồi dọn ra mâm. Nhìn mâm cơm tươm tất, ít ai dám nghĩ rằng nó do một cô bé chỉ mới 12 tuổi chuẩn bị.

Nhìn các con, chị Hoa vừa rưng rưng nước mắt vừa tự hào kể: Nhà ba chị em, Thanh Huyền là chị cả nhưng không may bị thiểu năng từ nhỏ, lúc bình thường có thể tự ăn uống, vệ sinh. Nhưng lúc tinh thần không ổn định là lại nổi cáu, không kiểm soát được bản thân. Mới đây Huyền bị ngã gãy cổ chân, phải mổ nẹp đinh nhưng hiện vết mổ lại mưng mủ, có dấu hiệu hoại tử nên hầu hết sinh hoạt phải nhờ người thân…

img

Ngoài lo cái ăn, cái mặc cho chị và em, Huyền Chi còn thay mẹ chăm sóc, vệ sinh vết thương cho chị gái sau mổ gãy chân

Thế nhưng, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, TP Vinh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Mẹ là 1 trong 20 cán bộ, bác sĩ, kỹ thuật viên Đội Phản ứng nhanh của Trung tâm CDC tỉnh, ngày đêm đi truy vết, lấy mẫu. Bố là quân nhân, phải trực chiến ở đơn vị. Ông bà nội ngoại đã lớn tuổi lại ở ngoài TP Vinh, đi lại trong thời gian giãn cách khó khăn… Mọi công việc trong nhà đều do một tay em thứ Huyền Chi gánh vác.

Từ một cô bé tuổi ăn, tuổi chơi, để bố mẹ an tâm nơi tuyến đầu chống dịch, em đã tạm gác lại tuổi thơ để lo cho chị, chăm cho em. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà, từ tính toán chi tiêu phù hợp, cho đến nấu cơm, rửa bát, tắm rửa cho em, giặt giũ, phơi đồ, bày em học bài… đều do một mình em lo liệu. Và trái ngược với tuổi tác, vóc dáng nhỏ nhắn của em là nhà cửa luôn sạch sẽ, gọn gàng; ngày 3 bữa tươm tất, “cơm ngon, canh ngọt”…

Huyền Chi kể, những hôm đầu mẹ vắng nhà, 3 chị em cũng rất sợ. Có hôm 12h đêm rồi mà chưa dám tắt điện đi ngủ, gọi điện thoại thì mẹ đang bận lấy mẫu nên không bắt máy. Nhưng rồi nghĩ đến mẹ và các cô chú đang ngày đêm vắt kiệt sức để chống dịch, cháu lại quyết tâm chăm lo cho chị và em hơn. Cháu không thấy vất vả hay khó khăn gì cả, chỉ mong bố mẹ an tâm chống dịch, sớm trả lại sự bình yên cho quê hương.

img

Để bố an tâm ở viện điều trị bệnh nhân Covid-19, con gái Quế Thị Cẩm Linh (7 tuổi, con gái út bác sĩ Trâm) vẽ rất nhiều tranh cổ động bố

"Khi tổ quốc cần họ biết sống xa nhau..."

Thuyết phục mãi, bác sĩ Phạm Thị Hoàng Liên ở Trung tâm CDC tỉnh Nghệ An mới chịu trải lòng về gia đình mình. Bố mẹ chị năm nay đã ngoài 70 tuổi, ông lại mang bạo bệnh 4 năm nay, ngoài ra trong nhà còn một con nhỏ 7 tuổi. Từ ngày TP Vinh có bệnh nhân Covid-19 đầu tiên (14/6), chồng chị là bác sĩ Quế Anh Trâm - Giám đốc Trung Tâm bệnh Nhiệt đới (BV Hữu nghị Đa khoa Nghệ An) trực tiếp điều trị đến nay chưa về nhà.

Cũng từ đó đến nay, ngoài công việc chuyên môn ở cơ quan, bác sĩ Liên kiêm thêm một thông tin viên, tuyên truyền viên cho gia đình. Bởi, nghe tin con trai đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19, ông bà rất lo lắng. Hàng ngày chị phải cập nhật mọi thông tin, đồng thời khích lệ, động viên ông bà và các con.

Những lúc chồng tranh thủ gọi điện thoại về, thay vì tâm sự chuyện vợ chồng, gia đình, chị lại dành thời gian động viên chồng giữ gìn sức khỏe để chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân. Dặn dò trong quá trình chữa trị, phải đưa ra phác đồ tốt nhất, đặc biệt là dù một cơ hội nhỏ cũng phải tranh thủ, để tránh khi có chuyện không may lại phải hối tiếc.

img

Để vợ an tâm chống dịch, anh Thành "sắm" luôn cả 3 vai: Bố - mẹ - bạn cùng chơi với con trai nhỏ 5 tuổi

“Thật lòng nói, tôi còn may mắn khi được cơ quan tạo điều kiện, làm công việc không trực tiếp liên quan đến Covid-19 để được về nhà chăm sóc gia đình. Còn có rất nhiều gia đình các y bác sĩ, chiến sĩ QĐND, CAND, dân quân tự vệ, thanh niên… nơi tuyến đầu chống dịch có hoàn cảnh rất đáng thương. Nhưng vượt lên tất cả “Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau…”. Họ đã đã gác lại mọi lo toan, vượt qua mọi khó khăn, xáo trộn của bản thân và gia đình để tạo thành hậu phương vững chắc cho “tiền tuyến” an tâm đánh giặc”, bác sĩ Liên nói.

Đó cũng là tâm trạng, cảm xúc của anh Lê Văn Thành (40 tuổi, ở phường Vinh Tân, TP Vinh, có vợ là kỹ thuật viên xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa TP Vinh). Một tuần qua vợ bám viện chống dịch, anh vừa làm bố, vừa làm mẹ để chăm sóc mẹ già (72 tuổi) và còn nhỏ (5 tuổi). Ngày đầu "sắm vai" người phụ nữ trong nhà, mọi việc có chút vụng về, bối rối; cơm có bữa chưa ngon, canh có hôm chưa ngọt. Nhưng nhanh chóng anh đã lấy lại được cân bằng, mọi việc trong nhà đâu lại… vào đấy.

Ngày ngày, ngoài công việc chuyên môn, anh lại sử dụng Facebook cá nhân để tuyên truyền những thông tin về phòng chống dịch, chia sẻ những hình ảnh đẹp, tấm gương sáng để cổ vũ, động viên những chiến sĩ nơi tuyến đầu. Về phần mình, anh chỉ nhắn vợ: Bà và bố con ở nhà vẫn khỏe, mọi việc trong nhà đều tốt. Mẹ cứ an tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyến đầu. Cuộc chiến này chúng ta chỉ được phép chiến thắng…. hết dịch cả ta lại sum vầy!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.