Thi viết về GTVT

Hậu trường 14 năm làm đường đẹp nhất Hải Phòng

29/03/2023, 06:30

Đại lộ Đông - Tây hay đường Bùi Viện, đường World Bank là những tên gọi khác nhau của con đường đặc biệt với tổng mức đầu tư hơn 5.700 tỷ đồng.

Để có đại lộ thênh thang này là 14 năm trăn trở, thậm chí có giai đoạn căng thẳng đến khủng hoảng của những cán bộ ngành giao thông ở Hải Phòng.

Dự án cuối cùng nhận ưu đãi đặc biệt

img

Nút giao trên đại lộ Đông - Tây. Ảnh: Zing

Tháng 5/2020, sau hơn 6 năm thi công, đại lộ Đông - Tây chính thức thông xe, đưa vào sử dụng. Đại lộ có chiều dài gần 20km, điểm đầu ở xã Bắc Sơn (huyện An Dương) và điểm cuối tại phường Nam Hải (quận Hải An, Hải Phòng).

Đây không chỉ là con đường đẹp nhất Hải Phòng mà còn mang lại giá trị to lớn cho quá trình thông thương hàng hóa từ mọi miền đất nước qua hệ thống cảng biển Hải Phòng.

Con đường mới đây được đặt tên chính thức là đường Bùi Viện, tuy nhiên với nhiều người Hải Phòng vẫn quen gọi với cái tên là đường World Bank. Sở dĩ, con đường có tên gọi như vậy bởi đây là con đường được xây dựng bằng vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Ít ai biết được để có con đường này là 14 năm “vật vã” với những khó khăn, có lúc tưởng chừng không thể vượt qua của những cán bộ, công nhân viên ngành giao thông.

Ông Vũ Duy Tùng, Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng là người gắn bó với dự án này từ khi nó mới là ý tưởng chia sẻ: “Quá trình thi công con đường là hơn 6 năm nhưng thực tế, để có được con đường này cần tới 14 năm”.

Năm 2006, ông Tùng khi đó là Giám đốc BQL dự án khu vực các công trình giao thông (Sở GTVT Hải Phòng) cùng các cán bộ trong BQL nhận thấy QL5 - tuyến huyết mạch nối các địa phương trong cả nước với hệ thống cảng biển Hải Phòng đã ở trong tình trạng quá tải.

Ý tưởng làm một đại lộ tạo nên một vòng cung Đông - Tây nối hệ thống cảng biển ở khu vực Đình Vũ với các tuyến QL5, QL10 và hàng loạt tuyến tỉnh lộ đồng thời kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (lúc đó đang được nghiên cứu triển khai) đã được hình thành.

Tuy vậy, “bài toán” mà lãnh đạo TP Hải Phòng đặt ra đối với BQL dự án là phải tìm được nguồn vốn vay ưu đãi vì ngân sách thành phố khi đó dành cho dự án này rất hạn chế.

Ông Phan Viết Điện, Phó giám đốc Sở GTVT Hải Phòng (khi đó là cán bộ BQL dự án nhớ lại): “Chúng tôi biết được thông tin Ngân hàng Thế giới có nguồn vốn hỗ trợ các nước kém phát triển. Các dự án này nhận được các chính sách ưu đãi rất lớn nhưng ngược lại đòi hỏi quá trình thẩm định vô cùng gắt gao”.

Suốt 5 năm trời, những cán bộ Ban QLDA miệt mài với công việc lập dự án, thuyết trình để Ngân hàng Thế giới và các cơ quan chức năng từ Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đánh giá mức độ khả thi.

Trong 2 năm 2006 - 2008, BQL dự án mới thực hiện được biên bản ghi nhớ với Ngân hàng Thế giới. Tiếp đó là 3 năm tiếp theo, các cán bộ Ban QLDA phải làm việc với các bộ ngành nhằm chủ động đáp ứng 13 điều kiện để ký hiệp định với Ngân hàng Thế giới.

Tới 2011, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới ký Hiệp định Triển khai dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng, trong đó hợp phần quan trọng nhất là đại lộ Đông - Tây được xem như “con đường chiến lược” với tổng mức đầu tư 276 triệu USD (World Bank chi 175 triệu USD, Việt Nam đầu tư 101 triệu USD).

Đây là nguồn vốn vay ưu đãi cuối cùng Ngân hàng Thế giới ưu đãi cho Việt Nam. Sau dự án này, Việt Nam chính thức trở thành nước thoát nghèo nên phải áp dụng vay lãi suất cao hơn rất nhiều.

Đường chờ giải phóng mặt bằng, thành phố phải “trảm tướng”

Thông thường, đối với các dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ, tổ chức này sẽ tự thuê thiết kế, xây dựng đề án, dự án...

Tuy vậy, đối với dự án đại lộ Đông - Tây, Hải Phòng được chấp thuận là đơn vị tự đề xuất dự án, tự thuê tư vấn, thiết kế dự án, điều này đã giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian và khoảng 25% kinh phí so với ước tính ban đầu.

Thời điểm là yếu tố quyết định tới việc đàm phán thành công dự án. Sau thời điểm 2011 nếu Hải Phòng vay phải bỏ vốn đối ứng 70% và gánh thêm lãi suất, như vậy, kinh phí bỏ ra cũng như chi phí lãi vay rất lớn, khó có thể triển khai được.

Ông Vũ Duy Tùng, Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng


Để giải quyết chỗ ở cho người dân phải di dời, Hải Phòng quyết định xây dựng 15 khu tái định cư bằng ngân sách thành phố.

Tuy nhiên, chính vì việc tiết kiệm kinh phí đấu thầu, thi công... Ngân hàng Thế giới quyết định bố trí vốn cho việc thực hiện dự án tái định cư.

Với hình thức đấu thầu công khai qua các vòng tuyển chọn khoảng 50 nhà thầu nên giá vật tư đã giảm được tới 20%.

Có rất nhiều nhà thầu tham gia trong đó có cả các nhà thầu đến từ châu Âu như: Tây Ban Nha, Trung Quốc, Việt Nam đã trúng thầu để thực hiện dự án trên.

Một trong những khó khăn lớn của dự án đại lộ Đông - Tây là công tác GPMB tại nhiều thời điểm rất chậm khiến việc thi công ì ạch. Hàng loạt hợp phần như cầu, đường đều vướng GPMB phải nằm chờ thi công.

Đại diện một nhà thầu thi công hợp phần cầu Niệm chia sẻ: “Chúng tôi huy động máy móc tới công trường nhưng chỉ làm cầm chừng. Có thời điểm máy móc, công nhân “ngồi chơi” suốt mấy tháng vì không có mặt bằng”.

Có thời điểm TP Hải Phòng quyết định “trảm tướng”, cách chức Giám đốc BQL khu vực các công trình giao thông rồi điều động trở lại ông Vũ Duy Tùng, Giám đốc Sở GTVT kiêm Giám đốc BQL.

Những cuộc họp tiến độ GPMB, tiến độ thi công diễn ra hàng tuần để giải quyết dứt điểm những tồn tại. Tiến độ các dự án thành phần được đảm bảo để tới tháng 5/2020 dự án đại lộ Đông - Tây chính thức đi vào sử dụng, trở thành tuyến đường đẹp nhất Hải Phòng tới thời điểm hiện tại.

Con đường kết nối vùng

Tuyến đường sau khi hoàn thành đã phát huy tác dụng rõ rệt, trở thành một trục giao thông mới. Dù chỉ có 20km chiều dài nhưng với điểm đầu nối với QL5, đi qua QL10 và điểm cuối kết nối với khu vực Đình Vũ (nơi có hệ thống cảng biển lớn nhất miền Bắc và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), tuyến đại lộ này đã giải được bài toán giảm tải cho hàng loạt tuyến đường dẫn tới hệ thống cảng biển. Không những vậy, còn mở ra không gian đô thị rộng lớn ở Hải Phòng.

Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng chia sẻ: “Trước đây, nhiều địa phương thuộc các quận, huyện như: Hải An, Kiến An, An Dương chỉ có cánh đồng, đầm nuôi trồng thủy sản... vì giao thông không thuận lợi. Khi đại lộ Đông - Tây đi qua, bộ mặt các địa phương này đã thay đổi rõ rệt, trở thành những khu dân cư trù phú. Đại lộ Đông Tây thực sự đã mở ra một không gian đô thị mới cho Hải Phòng”.

Từ việc triển khai hiệu quả đại lộ Đông - Tây, mới đây trong các cuộc làm việc giữa UBND TP Hải Phòng và Ngân hàng Thế giới, Sở GTVT Hải Phòng đã đề xuất vay vốn của World Bank để xây dựng đường vành đai 3 nối từ đại lộ Đông - Tây ra nút giao Tân Vũ - Lạch Huyện với kinh phí dự trù khoảng 7.400 tỷ đồng.

Dự án này được triển khai sẽ kết nối khai thác hiệu qủa thế mạnh phát triển nguồn lực của huyện Thủy Nguyên hiện tại và TP Thủy Nguyên trong tương lai.

Nếu tuyến đường vành đai 3 được thực hiện và khép kín sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của chính Hải Phòng tạo thành trục kinh tế theo hướng Tây Bắc - Đông Nam từ khu vực cảng, sân bay sang Thủy Nguyên bằng con đường ngắn nhất khi có đường vành đai 3. Dự án trên sẽ có những cây cầu mới được hình thành như cầu vượt sông Cấm, cầu vượt qua sông Ruột Lợn với thiết kế cao 41m với 6 - 8 làn xe.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.