Điện ảnh

Hậu trường làm phim mùa dịch Covid-19

26/03/2020, 06:57

Các đạo diễn thừa nhận, dù đang giữa mùa dịch nhưng ê-kíp làm phim vẫn phải bất chấp mọi khó khăn để ghi hình cho kịp tiến độ phát hành.

img
Đạo diễn Phương Điền (thứ hai từ trái) và ê-kíp “Vua bánh mỳ” ở phim trường

Muôn kiểu “né” dịch

“Vua bánh mì”, “Võ sinh đại chiến”, “Tình yêu và tham vọng”, sitcom “Gia đình là số 1” phần 3, “Người nối nghiệp”… là những bộ phim đang phải “oằn mình” để hoàn thiện các cảnh quay cuối cùng bất chấp ảnh hưởng giữa đại dịch. Tuy nhiên, khó khăn nhất trong thời điểm này vẫn là việc thực hiện tại các bối cảnh công cộng.

Đạo diễn Nguyễn Phương Điền cho biết, bộ phim “Vua bánh mì” (Việt hóa từ bản gốc của Hàn Quốc) được triển khai quay từ mồng 9 Tết đến nay cũng vừa kết thúc cảnh quay cuối cùng. Theo dự kiến, phim được đóng máy từ cuối tháng 2 nhưng vì ảnh hưởng của dịch nên bị kéo dài thêm hơn 10 ngày.

Đạo diễn thừa nhận, dịch bệnh là điều không lường trước được, còn kế hoạch làm phim đã có sẵn từ năm ngoái. Bởi vậy ê-kíp không thể thay đổi lịch trình vì chưa biết khi nào sẽ hết dịch. Để giảm thiểu tối đa khả năng lây nhiễm, đoàn phim lựa chọn quay ở những bối cảnh sông nước, thiên nhiên nắng nóng, thay vì tập trung ở các phòng ốc hay tập trung chỗ đông người.

“Ban đầu, hầu như ai cũng hoang mang vì bị một số đơn vị từ chối. Đến xin quay ở một nhà máy bánh, họ cũng từ chối. Chúng tôi bắt buộc phải đổi sang chỗ khác. Chúng tôi phải đi xa ở các tỉnh như Bình Dương, Cần Thơ. Tất nhiên những cảnh đó có thể quay ở Sài Gòn nhưng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên mọi hoạt động chốn đông người đều bị cấm. Cùng với đó, lịch quay và thời gian quay cũng được linh động thay đổi, tránh cho đoàn phải tiếp xúc nhiều”, đạo diễn nói thêm.

Đồng cảnh ngộ, diễn viên Phương Oanh cho biết, ê-kíp phim “Người nối nghiệp” (đạo diễn Mai Hồng Phong) cũng gặp trở ngại trong khâu bối cảnh. Nữ diễn viên cho biết, thời điểm này, việc lấy bối cảnh rất khó vì không ai dám cho mượn để cả đoàn mấy chục người vào quay. Phía đoàn phim cũng vẫn phải chờ và trì hoãn khá nhiều. “Hiện tại, đạo diễn và nhà sản xuất đang ngồi với nhau để giảm bớt các cảnh quay như ở nhà hàng, công ty để sao cho kịp tiến độ. Đoàn cũng phải thay đổi lại lịch sản xuất, bối cảnh. Nguyên một tuần qua tôi vẫn phải chờ để lên kế hoạch lại. Sang tuần sau, mọi thứ có thể mới trở lại lịch bình thường”, diễn viên sinh năm 1988 bộc bạch.

Chấp nhận “sống chung với dịch”, các thành viên trong đoàn bắt buộc phải có ý thức cao độ để giữ gìn sức khoẻ cho bản thân và những người xung quanh. Đạo diễn Phương Điền cho biết, đoàn phim của anh cũng được phát khẩu trang, dung dịch rửa tay. Tất cả thành viên trong đoàn bắt buộc phải đeo khẩu trang khi đi tác nghiệp, trừ diễn viên được bỏ khẩu trang ra khi đạo diễn yêu cầu bắt đầu thực hiện. Còn khi họ tập cũng vẫn phải đeo.

Trong khi đó, diễn viên Phương Oanh tiết lộ, điểm thay đổi rõ nhất là thói quen sinh hoạt của cả đoàn. “Trước đây mọi người đều rất tình cảm, có đồ ăn gì thường hay mời nhau. Bây giờ gần như của ai người đó ăn, không tụ tập ăn uống chung, giao lưu trò chuyện như trước nữa. Trong sự nghiệp diễn viên, chưa bao giờ tôi có trải nghiệm như vậy. Ai cũng cảm thấy lạ lẫm, nhưng ai cũng hiểu và đề cao cảnh giác, giữ sức khoẻ cho nhau”, cô nói

Nhà sản xuất, nhà phát hành bế tắc

Đạo diễn Phương Điền tiết lộ, anh cũng đang “nợ” một dự án mang tên “Mẹ Rơm”, ban đầu dự kiến khởi quay vào tháng 4 nhưng với tình hình này, chắc chắn phim không thể thực hiện ngay được. Dẫu vậy, thời gian này anh và ê-kíp có thể tận dụng để trau chuốt lại nội dung kịch bản.


Ảnh hưởng của Covid-19 là điều không thể tránh với các đơn vị sản xuất, ê-kíp làm phim và ai cũng mong dịch sớm qua. Tuy nhiên, dịch bệnh khiến kế hoạch làm phim bị kéo dài, đội kinh phí cũng là điều khiến phía nhà sản xuất phải đau đầu.

Bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc điều hành Tổ hợp giải trí và truyền thông Mega GS - đơn vị sản xuất phim “Vua bánh mỳ” thừa nhận, kinh phí phim cũng bị đội lên ít nhiều vì dịch bệnh. Bởi, trong bối cảnh này, nếu không gấp rút thực hiện sẽ không có phim giao cho nhà phát hành đúng thời điểm đã giao kèo.

“Dù đoàn phải quay ngoài trời nắng, đã đeo khẩu trang, nhưng một số diễn viên cũng e ngại khi tới trường quay. Cùng với đó, sau khi cơ quan quản lý yêu cầu tạm đóng cửa một số địa điểm nên buộc phải o ép lịch quay. Ngoài ra, việc thay đổi bối cảnh ở xa đồng nghĩa với việc cần thêm phương tiện đi lại, chi phí ăn ở cho cả đoàn phim nên kinh phí phim bị đẩy lên. Song, điều quan trọng lúc này không phải là chuyện lỗ lãi hay thiệt hại bao nhiêu. Chúng tôi chỉ mong dịch qua nhanh để tiếp tục làm nghề”, bà Bích Liên cho hay.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam, một số đài như VTV, THVL, HTV… vẫn duy trì các khung giờ phát sóng phim cố định. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, việc “đói” phim là điều không thể tránh khỏi. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) cho biết, hiện, đơn vị vẫn có đủ số lượng phim để chiếu trong thời điểm hiện tại và trong một vài tháng tới.

Ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long cũng thừa nhận: “Ở thời điểm hiện tại, đài vẫn đủ số lượng phim lên sóng. Nhà đài cũng không phải cắt bớt hay điều chỉnh lại thời điểm và số lượng phim trên các khung giờ. Bởi, tất cả các phim không phải cứ sản xuất là có ngay. Tất cả đã sản xuất từ 6-7 tháng trước. Nếu dịch bệnh kéo dài trong 2-3 tháng nữa, chúng tôi có thể gồng gánh được. Nhưng nếu lâu hơn nữa, chắc chắn chúng tôi sẽ rơi vào bế tắc vì thiếu hụt phim cho các khung giờ”, ông Lê Thanh Tuấn nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.