Hạ tầng

Hệ thống đường độc nhất vô nhị ở làng dân tộc Thổ

01/05/2020, 14:09

Đến với làng Lung, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước hệ thống giao thông theo ô bàn cờ vuông vức, được quy hoạch cách đây đã hơn nửa thế kỷ.

img
Hệ thống giao thông độc đáo của Làng Lung được hiển thị trên Google map

Điều kỳ lạ, ngôi làng không nằm ở một đô thị hay đồng bằng mà là của đồng bào dân tộc Thổ thuộc miền Tây xứ Nghệ.

Đường đi qua, nhà không tiếc

“Đi qua đập tràn trước mặt rồi vượt con dốc đằng kia là đến làng Lung”, lời hướng dẫn của anh Hoàng Công Sáng, Công chức địa chính xây dựng xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An như thôi thúc chúng tôi nhanh chân bước.

Theo ông Lê Trọng Mừng, Bí thư Chi bộ kiêm Xóm trưởng xóm Lung Thượng, quy hoạch ô bàn cờ thì có từ năm 1965 nhưng lúc bấy giờ đường còn rất nhỏ, chỉ rộng tầm hơn 4m. Để có được như hôm nay, các tuyến đường đã qua 4 lần mở rộng và cả 4 lần đó, các hộ dân trong làng đều tự nguyện hiến đất. Có nhiều gia đình, hàng rào vừa làm xong thì đúng dịp chính quyền kêu gọi hiến đất để mở rộng đường lại phải đập bỏ đi để lùi vào trong nhường đất cho xã hội.


Làng Lung ẩn mình dưới trùng điệp núi non xanh thẳm, có nhiều cây to một người ôm không xuể. Ấn tượng đầu tiên là hệ thống đường giao thông “độc nhất vô nhị”. Những tuyến đường ngang dọc cắt nhau tạo thành những ô bàn cờ vuông vắn. Mỗi ô lớn có chiều dài 100m và rộng 60m. Trong mỗi ô lớn lại có những ô nhỏ dài 50m, rộng 30m, thành ra nhà nào cũng có 4 mặt đường. Dù nằm ở một xã cuối huyện miền Tây xứ Nghệ, sát với tỉnh Thanh Hóa nhưng hệ thống đường sá tại làng Lung rộng rãi, được bê tông hóa, nhà cửa ngăn nắp, khang trang và cơ bản phần lớn các gia đình vẫn giữ được “hồn cốt” văn hóa đồng bào dân tộc Thổ.

Lần giở những trang bản đồ đã úa màu do ông tự vẽ về làng qua các thời kỳ, ông Lê Hùng Lâm, nguyên cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An kể: Nơi đây thời kỳ Pháp thuộc có tên là Mậu Nghĩa, Yên Thọ. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền sáp nhập lại rồi đặt tên là xã Mai Thọ. Làng Lung là trung tâm của xã, cũng là nơi đông dân cư nhất với 63 hộ chia thành 3 xóm: Lung Bình, Lung Thượng, Lung Hạ. Mặc dù 100% là đồng bào dân tộc Thổ nhưng làng Lung lại là nơi kết nạp Đảng viên đầu tiên của xã vào năm 1947. Sau đó, cũng chính làng Lung là nơi chứng kiến chi bộ đầu tiên của xã được thành lập. HTX Long Bình đóng ở làng Lung cũng là một trong ba HTX tiên tiến của huyện Nghĩa Đàn thời kỳ đó.

img
Ông Lê Trọng Mừng, Bí thư Chi bộ kiêm Xóm trưởng xóm Lung Thượng cho biết, chỉ bằng những cái chỉ tay ngắm thẳng mà từ năm 1965 làng Lung đã có hệ thống giao thông quy hoạch hiện đại theo thế ô bàn cờ

Nói về lịch sử quy hoạch đường giao thông ô bàn bờ, ông Lâm cho biết: Mặc dù đi đầu về mọi mặt nhưng lúc bấy giờ các nhà dân ở làng Lung còn sống cách nhau bởi các cánh rừng già, đường sá còn ít và ngoằn nghèo. Sự chia cách về không gian gây ra nhiều cản trở, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - văn hóa của người dân. Không bằng lòng với thực tại, năm 1965, chính quyền địa phương đã đi vận động người dân hiến đất để quy hoạch khu dân cư tập trung về một địa điểm. Hệ thống đường giao thông hình bàn cờ ở làng Lung có từ đó.

Tuy nhiên, còn có một “giai thoại” nữa về sự hình thành hệ thống đường giao thông hình bàn cờ ở làng Lung. Theo ông Lê Trọng Mừng, Bí thư Chi bộ kiêm Xóm trưởng xóm Lung Thượng, hồi bấy giờ có ông Lê Khắc Tu đi bộ đội xuống dưới phố thấy đường sá được quy hoạch vuông vắn, buôn bán thuận tiện. Sau khi về địa phương làm chủ nhiệm HTX, ông đã cùng với chính quyền vận động người dân về sống quây quần tại một địa điểm, rồi vận động các hộ dân hiến đất làm lại đường sá theo ô bàn cờ. “Lúc bấy giờ bố tôi làm trong ban chỉ huy xóm nên mặc dù còn nhỏ nhưng tôi thường xuyên được đi theo bố xem đo và chia lại đất. Tôi nhớ, lúc đó người ta chặt một cây tre dài cắm cho thẳng rồi phát tuyến. Mỗi nhà được chia 3 sào Trung bộ với kích thước dài 50m, rộng 30m”, ông Mừng kể.

Tuy còn có sự chưa thống nhất về lịch sử, nhưng có một sự thật mà ông Lâm và ông Mừng nhiều lần khẳng định: Để có được hệ thống đường giao thông như hiện nay, có rất nhiều gia đình phải phá bỏ nhà cửa, vườn tược để hiến đất làm đường. “Nhiều gia đình đường đi thẳng giữa nhà, phải phá bỏ nhà cửa; có nhà đường chạy dọc giữa vườn, hiến luôn cả trăm mét đất… nhưng ai cũng vui vẻ đồng tình và ủng hộ chủ trương”, ông Lâm nhớ lại.

Xây dựng xóm đồng bào kiểu mẫu

img
Cảnh yên bình của xóm Lung Thượng, xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Đàn

Với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, năm 2018 - 2019, UBND huyện Nghĩa Đàn đã hỗ trợ 240 tấn xi măng; UBND xã hỗ trợ ca máy giải tỏa hành lang, cây cối còn nhân dân hiến đất và bỏ ngày công để làm đường bê tông. Nhờ sự đồng lòng, thống nhất trên dưới như một, đến nay các tuyến đường dọc xóm Lung Thượng đã được mở rộng ra 9m và được bê tông hóa; còn các tuyến đường ngang đã được mở rộng 6m. Trục đường chính từ cổng xóm Lung Thượng đi vào gần 1km, cũng đã được người dân chung tay kéo điện chiếu sáng, trồng hoa dọc hai bên đường.

Một điểm đặc biệt nữa ở làng Lung mà cho đến bây giờ, có lẽ chưa làng dân tộc thiểu số nào ở miền Tây xứ Nghệ có được, đó là nơi đây đã sản sinh ra một đội ngũ cán bộ trưởng thành trong các lĩnh vực chính trị - xã hội. Nhiều người con làng Lung từng là Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn. Đặc biệt, có đến 3 người là đại biểu Quốc hội gồm các ông: Hoàng Công Tựu (Khóa III), Lê Vũ Phong (Khóa IV) và Lê Thanh Kỷ (Khóa VIII).
Ông Lê Hùng Lâm, nguyên cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An


Vừa qua, thực hiện chủ trương sáp nhập xóm, bản, xóm Lung Thượng và Lung Bình đã tiến hành nhập lại thành xóm Lung Thượng và được UBND huyện Nghĩa Đàn chọn để xây dựng “xóm đồng bào kiểu mẫu” cho toàn huyện. Ông Nguyễn Viết Thắng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lợi cho hay: Diện tích tự nhiên toàn xã lên đến 2.508ha, được chia làm 7 xóm có 1.100 hộ dân với gần 4.000 nhân khẩu; trong đó 71% là đồng bào dân tộc Thái, Thổ. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cấp xã, đời sống người dân đã có nhiều đổi thay rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo từ 24% (đầu năm 2015) đến nay đã giảm xuống chỉ còn 6,24%.

Riêng với xóm Lung Thượng, do 100% là đồng bào dân tộc Thổ chủ yếu làm sản xuất nông nghiệp nên sau khi sáp nhập xóm, bản, UBND xã đã tập trung hướng dẫn cho người dân xóa vườn tạp, chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao, lấy cây mía làm chủ lực; Phát triển đàn vật nuôi trâu, bò, dê và tăng cường phát triển lâm nghiệp bằng cây keo, tràm...”, ông Thắng cho biết.

Bên cạnh kinh tế, đời sống văn hóa và tinh thần cũng được chính quyền địa phương quan tâm với mục tiêu xây dựng xóm Lung Thượng thành điểm đến du lịch văn hóa của huyện. Bước đầu, UBND xã Nghĩa Lợi đã cho xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, sân vận động, các guồng nước tự chảy; khôi phục và phát triển CLB Cồng Chiêng của người Thổ… ngay tại Lung Thượng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.