Xã hội

"Hiếm quốc gia nào phân bổ dự án đầu tư công như Việt Nam"

29/10/2018, 12:13

ĐBQH cho rằng, so với các nước, số lượng các dự án trong kế hoạch đầu tư của chúng ta thực sự rất lớn.

vu-thi-luu-mai

ĐB Vũ Thị Lưu Mai - đoàn ĐBQP TP Hà Nội

Hôm nay (29/10), Quốc hội dành trọn một ngày thảo luận trên hội trường về Kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; Đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Theo ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), kế hoạch đầu tư công trung hạn 3 năm qua cho thấy đổi mới trong lĩnh vực này là cần thiết, đúng đắn.

Bên cạnh những kết quả đạt được nhờ nỗ lực của Chính phủ và các Bộ, ngành, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai cũng chỉ ra hạn chế, thách thức trong thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Trước hết là sự dàn trải trong thực hiện kế hoạch đầu tư công - một cụm từ "dường như quen thuộc" mỗi khi đánh giá về thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Bà Mai phân tích, tổng mức đầu tư giai đoạn 2016-2020 là 2 triệu tỷ, tuy nhiên, tương đương với số vốn này thì số dự án của chúng ta là không nhỏ, với 9.620 dự án. Hiện nay ở rất nhiều địa phương, số lượng các dự án dở dang, thiếu vốn là rất lớn, đó cũng là nỗi trăn trở của nhiều địa phương.

Đặc biệt với nguồn trái phiếu Chính phủ thì 64 tỉnh, TP, mỗi tỉnh, TP được phân bổ 1 dự án trong số 260 nghìn tỷ đồng. "So sánh với kinh nghiệm của nhiều nước thì số lượng các dự án trong kế hoạch đầu tư của chúng ta thực sự rất lớn, và cũng hiếm quốc gia nào có phương pháp phân bổ mỗi tỉnh, TP 1 dự án" - nữ đại biểu nhận định.

Bà cũng dẫn kinh nghiệm các nước cho thấy nguồn lực đầu tư từ phía Nhà nước hầu như chỉ tập trung vào các dự án có tác động lan toả, có tính tác động toàn xã hội, ví dụ như ở nước Úc năm 2018, kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ tập trung cho 4 dự án lớn… Ở Hàn Quốc, trong số 20 dự án cao tốc thì có tới 15 dự án được đầu tư bởi các thành phần kinh tế tư nhân. Còn ở Việt Nam nếu chia một cách cơ học, lấy tổng số nguồn lực chia cho các dự án thì thấy rằng mong muốn để có được dự án quy mô lớn thực sự rất khó khăn.

"Qua giám sát thực tế ở các địa phương,  lắng nghe ý kiến của các ĐBQH, tôi cảm nhận rằng những mong muốn của các địa phương là chính đáng, nhu cầu là cần thiết, nhưng trong bối cảnh nguồn lực khó khăn, nợ công vẫn ở mức cao, bội chi ngày một tăng thì bắt buộc chúng ta phải có sự lựa chọn theo hướng tập trung, tránh dàn trải" - bà Mai nhấn mạnh.

Bà cũng cho rằng, công bằng là nguyên tắc quan trọng, nhưng công bằng không có nghĩa là cào bằng, có trọng tâm không có nghĩa là chỉ 1 số dự án, 1 số địa phương được chú trọng, mà thực sự cần có một sự ưu tiên phù hợp, có lộ trình thích hợp để dần dần hoàn thiện bức tranh đầu tư công.

Nêu ra một số giải pháp, bà Mai nhấn mạnh trước hết phải cương quyết thay đổi cách phân bổ nguồn lực, theo đó cần tuân thủ trật tự ưu tiên được quy định ở các văn bản pháp luật.

Bên cạnh đó, việc đề xuất dự án cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong cùng khu vực vì lợi ích chung, tránh tình trạng có quá nhiều dự án nhỏ lẻ nhưng lại thiếu những dự án có quy mô lớn mang tính lan toả vùng miền. Đồng thời, chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch, bởi một quy hoạch kém sẽ cho ra đời những dự án dàn trải, chất lượng thấp.

Bà Mai cũng lưu ý cần thực hiện nghiêm nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư ở những ngành, lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

Một bất cập khác được nữ ĐBQH đoàn Hà Nội đề cập, là hiện chưa có đánh giá nào về hiệu quả đầu ra dự án dù đến hết năm 2018, đã có 6.290 dự án hoàn thành. Thực tế, nếu xét kết quả đầu ra, bà Mai cho rằng không phải dự án nào cũng hiệu quả.

"Gần như chúng ta không có câu trả lời về sự hiệu quả cao, thấp hay không hiệu quả của số dự án này", bà Mai nói và đề xuất cần sớm hoàn thành tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu ra; ngay khi lựa chọn dự án cần làm rõ kết quả đầu ra gắn với nguồn lực đầu tư.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.