Chính trị

Hóa giải thách thức, đưa đất nước vượt khó

Trong nhiều phản ứng chính sách, Chính phủ đều tham vấn rất rộng rãi ý kiến của các chuyên gia.

Nhờ đó, các phản ứng chính sách mang tính kỹ trị ngày càng cao. Đây là cơ sở để Chính phủ chèo lái đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, nhiều thách thức hiện nay.

img

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

Bài toán giải ngân đầu tư công và kiềm chế lạm phát

Mặc dù, kinh tế đang phục hồi rất khả quan, công ăn việc làm và an sinh xã hội tiếp tục được cải thiện, trật tự - an toàn xã hội được bảo đảm, đất nước ta vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức.

Thách thức đầu tiên là nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại. Với các biến thể phụ của Omicron, dịch bệnh đang lây lan rất nhanh chóng trong cộng đồng. Rủi ro ở đây là chúng ta không có được số liệu chính xác để hoạch định chính sách.

Chúng ta đã từ bỏ việc xét nghiệm đại trà; người dân có xét nghiệm dương tính thì cũng không khai báo, thậm chí có nhiễm Covid-19 cũng không xét nghiệm. Các biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron mặc dù độc lực có vẻ không cao, nhưng lại lây lan rất nhanh chóng.

Với sự lây lan nhanh chóng như vậy sắp tới hệ thống y tế của chúng ta có bị quá tải không? Chúng ta có cần phải áp đặt các biện pháp để hạn chế lây lan không? Các biện pháp đó chắc chắn không nên lặp lại như trước đây, nhưng nên như thế nào?

Thách thức thứ hai là ổn định kinh tế vĩ mô, mà đặc biệt là kiềm chế lạm phát sẽ khó khăn hơn. Chúng ta có một nền kinh tế mở nhất nhì thế giới. Kim ngạch xuất nhập khẩu thông thường hàng năm đều lớn gấp đôi GDP. Kinh tế thế giới suy giảm, tăng trưởng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng của chúng ta; lạm phát của nhiều nước tăng cao sẽ ảnh hưởng đến nước ta.

Phối hợp chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá như thế nào để giữ ổn định kinh tế vĩ mô là một công việc hoàn toàn mang tính kỹ thuật và vô cùng khó khăn. Phải phối hợp thì ai cũng biết, nhưng phối hợp thế nào mới là câu hỏi quan trọng hơn và khó trả lời hơn nhiều.

Quả thực, phải có kiến thức, có kỹ năng và phải cảm nhận được nền kinh tế, mới trả lời được câu hỏi trên. Đó là chưa nói tới thực tế nhiều mục tiêu chúng ta đề ra hoàn toàn có thể xung đột với nhau.

Ví dụ, một mặt chúng ta muốn đẩy nhanh việc giải ngân các dự án đầu tư công, nhưng mặt khác chúng ta lại muốn kiểm soát dòng tiền để khống chế lạm phát. Hay một mặt chúng ta muốn đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng mặt khác chúng ta lại không muốn tiền đồng bị mất giá (khi đồng USD tăng giá rất cao) cũng để khống chế lạm phát. Phản ứng chính sách để ổn định kinh tế vĩ mô quả thực rất giống với việc “làm xiếc trên dây”.

Quan tâm chất lượng nền công vụ

Cân bằng các mục tiêu ngay từ đầu đã xung đột với nhau là kỹ năng hết sức đặc biệt. Các giải pháp được đề ra phải đúng không chỉ về nội dung, mà còn cả về mức độ. Quá mặn hoặc quá nhạt đều có thể làm hỏng thức ăn.

Chúng ta cần vượt qua các thách thức bằng những phản ứng chính sách mạch lạc và kỹ trị. Vừa qua, trong nhiều phản ứng chính sách liên quan đến thị trường vốn, bất động sản, đến ổn định kinh tế vĩ mô… Chính phủ đều tham vấn rất rộng rãi ý kiến của các chuyên gia.
Nhờ đó, các phản ứng chính sách của Chính phủ mang tính kỹ trị ngày càng cao. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Chính phủ chèo lái đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn và nhiều thách thức như hiện nay.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng


Ngoài ra, xác định đúng đắn vòng đời của chính sách cũng là một phần quan trọng của năng lực kỹ trị.

Bất cứ cái gì đúng quá lâu đều có thể trở thành sai. Việc thực thi chính sách zero Covid vừa qua cho chúng ta thấy rất rõ điều này.

Thách thức thứ ba là bộ máy công vụ thiếu động lực, né tránh trách nhiệm.

Và không chỉ các dự án đầu tư công, mà tất cả các công việc khác của nền quản trị quốc gia đều có thể bị chậm trễ, bị kéo dài.

Nền kinh tế đáng ra đã có thể phát triển nhanh hơn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đáng ra có thể được cải thiện nhiều hơn.

Lý do là vì bộ máy hành chính - công vụ thiếu quyết đáp và đùn đẩy trách nhiệm. Vấn đề còn trở nên nghiêm trọng hơn khi xu thế chảy máu nhân lực công đang hình thành và ngày càng mở rộng. Nhiều người cho rằng đây là cơ hội để cắt giảm biên chế của bộ máy hành chính - công vụ. Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản như vậy.

Chảy máu nhân lực công có vẻ như đang chính là chảy máu năng lực của nền hành chính - công vụ. Bởi rời bỏ lĩnh vực công đa số là những người vừa có năng lực, vừa có liêm chính. Họ giỏi nên có thể rời bỏ Nhà nước để tìm kiếm việc làm được trả lương cao ở trên thị trường một cách dễ dàng. Họ liêm chính nên họ không đang tâm sử dụng quyền lực công để tìm kiếm lợi ích vật chất.

Với sự chảy máu nhân lực công như hiện nay, rõ ràng trong 10-15 năm nữa, chất lượng nền công vụ của chúng ta sẽ còn bị sa sút nhiều hơn nữa.

Trong lúc đó kinh nghiệm của thế giới cho thấy không một đất nước nào có thể phát triển vượt bậc thiếu một bộ máy hành chính - công vụ có động lực phục vụ, chuyên nghiệp và tài giỏi. Xây dựng một bộ máy hành chính - công vụ như vậy là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng hiện nay.

Thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thể chế

img

Cải cách chế độ tiền lương, cải cách thể chế để nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức là những việc cần quan tâm giải quyết trong thời gian tới (Ảnh minh họa)

Cải cách chế độ tiền lương, cải cách thể chế để tạo không gian cho sự sáng tạo và sự quyết đáp, cải thiện hình ảnh công chúng của đội ngũ cán bộ, công chức… là những việc Chính phủ cần quan tâm giải quyết trong thời gian tới.

Thách thức thứ tư là những vướng mắc về mặt thể chế về cơ bản vẫn còn đó. Những vướng mắc này chính là nguyên nhân sâu xa làm cho môi trường kinh doanh ít được cải thiện; Rủi ro pháp lý cho cả lĩnh vực tư, lẫn lĩnh vực công đều rất cao; Chi phí tuân thủ, chi phí cơ hội cho người dân, cho doanh nghiệp cũng cao như vậy…

Vướng mắc về thể chế chính là thứ xiềng xích đang trói chặt nhiều tiềm năng to lớn của đất nước. Quan tâm nhiều hơn nữa và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công cuộc cải cách thể chế phải được coi là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong thời gian sắp tới.

Trên đây chỉ là 4 trong nhiều thách thức mà đất nước ta đang phải đối mặt. Để vượt qua những thách thức nói trên cần phải có một quyết tâm chính trị to lớn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.