Thể thao

Hoàng Sa - Việt Nam: Nỗi đau mất mát

16/07/2014, 18:15

Hình ảnh những ngư dân bằng xương, bằng thịt kể về những nỗi đau, mất mát khiến bất cứ ai xem phim cũng thấy quặn thắt trái tim.

Hình ảnh hậu trường cảnh đạo diễn André đang phỏng vấn ngư dân bên những ngôi mộ gió
Hình ảnh hậu trường cảnh đạo diễn André đang phỏng vấn ngư dân bên những ngôi mộ gió

Mỗi khuôn mặt, một số phận

Bộ phim tài liệu dài 60 phút phản ánh chân thực cuộc sống của những ngư dân miền Trung Việt Nam với nhiều đau đớn, mất mát. 

Khởi đầu bộ phim bắt đầu với lời ru xé lòng của một người phụ nữ: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không quay về” lồng trong bối cảnh bình minh trên làng chài Bình Châu. Từ đó khắc họa chân dung những ngư dân đi biển mãi không về và hình ảnh những người vợ góa con côi ở nhà.

Bà Nguyễn Thị Hào đã mất chồng và con trai (24 tuổi) khi đi đánh bắt cá ở vùng biển Hoàng Sa vào năm 2008. Em dâu bà Hào là Phạm Thị Ngọc cũng mất chồng khi đi biển ở vùng đảo Hoàng Sa năm 2010 để lại 4 con nhỏ côi cút. 

Năm 2008, chồng chị Nguyễn Thị Tuyết cũng đã mất tại đảo Phú Lâm, Hoàng Sa khi đi biển. Những người con của chị dù rất nhỏ nhưng đã phải làm thuê cùng mẹ để trả nợ và kiếm sống qua ngày.

André Menras là người Pháp. Năm 1968, ông tới Đà Nẵng dạy tiếng Pháp. Với tinh thần phản đối chiến tranh, André Menras cùng bạn là Jean-Pierre Debris từng leo lên tượng đài Thủy quân Lục chiến ở Sài Gòn treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Vì hành động này, André Menras và Jean-Pierre Debris bị xử tù. Ra tù, André Menras tiếp tục gắn bó với Việt Nam qua nhiều hoạt động thiết thực. Ông lập Hiệp hội Phát triển - Trao đổi sư phạm Pháp - Việt. Từ năm 2004 đến nay, ông đều đặn sang Việt Nam trao tặng học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học. Tháng 11/2009, André Menras trở thành công dân Việt Nam với tên Hồ Cương Quyết.

 

Bộ phim "Hoàng Sa - Việt Nam: Nỗi đau mất mát" vừa được công chiếu tại Triển lãm "Hoàng Sa - Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam" tổ chức tại Bảo tàng Đà Nẵng từ ngày 21 - 25/6. Tại Thủ đô Hà Nội, bộ phim được chiếu tại Hội Nhà văn Hà Nội ngày 10/7, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam ngày 11/7, Café Thư viện Đông Tây ngày 12/7. Tiếp đó, bộ phim sẽ đến với công chúng TP HCM vào ngày 5/8 tại Viện Trao đổi Văn hóa Pháp.

Rơm rớm nước mắt, ông Nguyễn Việt kể ông có người con trai tên Nguyễn Thanh Biên (29 tuổi) đi biển bị quân Trung Quốc bắt ở Hoàng Sa năm 2009. Không những vậy, gia đình ông còn bị mất hết thuyền bè và đòi tiền chuộc.

May mắn được trở về từ biển nhưng giờ đây gia đình ông Tiêu Viết Là đang rất khó khăn. Ông bị tàu Trung Quốc bắt 4 lần vào các năm 2006, 2007, 2009, 2010. Năm 2010, ông Là đã bị giam giữ hơn một tháng.

Ông cùng hai người bạn thuyền khác bị đánh đập tàn nhẫn tới mức sau này ông không thể đi biển trở lại. Trong tay ông vẫn còn lưu giữ những tờ biên lai tàu Trung Quốc bắt gia đình ông phải nộp tiền chuộc theo yêu cầu mới cho về. Gia đình ông đã mắc nợ 400 triệu đồng vay mượn để chuộc ông trong những lần bị tàu Trung Quốc bắt giữ.

Tại đảo Lý Sơn, hình ảnh anh Nguyễn Văn Cần tật nguyền bên mộ người cha mất tích khi đi biển ở Hoàng Sa khiến người xem xúc động. Đó còn là hình ảnh bộ quần áo treo sẵn chờ ngày con về của vợ chồng chị Ngô Thị Bích; là những giọt nước mắt, nỗi lòng của cô bé Lê Thị Thanh Thanh khi không được gặp cha trong cái ngày định mệnh đi biển ấy.

Kết thúc phim là hình ảnh những ngôi mộ gió và hình nhân thế mạng bằng đất sét khiến cho người xem thêm xúc động. “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về...”. Lời ca buồn cứ nhắc đi nhắc lại ở cuối bộ phim tài liệu như nỗi đau xoáy vào tâm can mỗi một con người. 

Ám ảnh 

Sau khi xem những thước phim trên, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho rằng bộ phim thể hiện nỗi đau có thật. Nó xoáy vào nỗi đau của những phụ nữ ở Bình Châu, Lý Sơn (Quảng Ngãi) mất chồng vì thiên tai, địch họa. Hồ Cương Quyết đã đem đến cho người xem một bộ phim chân thực, ám ảnh và kêu gọi lòng trắc ẩn của mỗi người dân Việt.

Nhà giáo, dịch giả Phạm Toàn, một người bạn thân của Hồ Cương Quyết cho biết André Menras - đã xử lý bộ phim một cách chuyên nghiệp. Phim tả thực 100%, khước từ mọi kỹ xảo điện ảnh, phối khí âm nhạc,... và không một lời bình. Hồ Cương Quyết đi vào từng gia đình ngư dân.

Ở đó, những người chồng đã bị mất tích, bị đi tù, đánh đập… Và những gia đình như thế đều có những ngôi mộ gió. 

Trong khi đó, đạo diễn phim tài liệu Trần Tiến Đức cho rằng, André Menras đã hạn chế tối đa tiếng nói của mình để nhân vật được lên tiếng. “Xem phim, tôi bị ám ảnh mãi bởi những tờ biên lai mà ngư dân đã phải nộp phạt cho tàu Trung Quốc. Thật tội nghiệp cho các ngư dân khi mưu sinh trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam mà vẫn thường xuyên bị tàu Trung Quốc uy hiếp”.

Kim Hảo

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.