Chính trị

Học Bác, nói đi đôi với làm từ những điều bình dị

25/08/2019, 06:53

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại một bản Di chúc mà toàn Đảng, toàn dân ta từ đó đến nay vẫn gọi là “Bản Di chúc thiêng liêng”.

img
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Xưởng may 10, Người góp ý kiến về cách cắt may sao cho nhanh, tiết kiệm, đảm bảo chất lượng (ngày 8/1/1959) Ảnh: Tư liệu

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại một bản Di chúc mà toàn Đảng, toàn dân ta từ đó đến nay vẫn gọi là “Bản Di chúc thiêng liêng”. Thiêng liêng bởi lẽ, bản Di chúc nói đến vận mệnh của Đảng, của đất nước không phải chỉ khi đó mà cả lâu dài về sau. Nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019), Báo Giao thông trao đổi với GS. TS. Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận T.Ư xung quanh câu chuyện làm thế nào, làm gì để thực hiện tốt hơn Di chúc mà Bác Hồ để lại?

Nóng hổi tính thời sự

Đến nay đã tròn nửa thế kỷ chúng ta thực hiện Di chúc của Bác Hồ. Trong suốt quãng thời gian này, đất nước đã có nhiều thay đổi, đứng trước những vận hội mới, song cũng phải đối mặt với đầy rẫy những khó khăn thách thức. Ông có cho rằng, dù đã được viết cách đây hơn 50 năm song Bản Di chúc của Bác vẫn còn nguyên giá trị cả về thực tiễn lẫn lý luận đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay?

img
GS. TS. Hoàng Chí Bảo

Tác phẩm Di chúc của Bác là một trong 5 tác phẩm tiêu biểu được xếp là bảo vật Quốc gia. Tác phẩm này Bác viết từ lúc 75 tuổi, đến nay là 54 năm, còn 50 năm - nửa thế kỷ là tính từ khi Bác mất và chúng ta thực hiện Di chúc từ thời điểm đó. Thời gian đó có thể nói chỉ là tích tắc của lịch sử thôi và lịch sử nhân loại cho biết những giá trị bất hủ luôn trường tồn cùng thời gian, nó có sức sống vượt thời gian. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trong trường hợp này.

Di chúc của Bác không chỉ có giá trị về mặt lý luận mà còn có cả mặt thực tiễn, Di chúc đã nhìn lại những chặng đường lịch sử từ khi có Đảng đến hiện tại và trù tính những công việc hệ trọng, rất cụ thể trong tương lai của đất nước, của sự nghiệp cách mạng. Đến thời điểm này, những vấn đề nóng bỏng của thực tiễn, chúng ta đều thấy đã được đề cập đến trong Di chúc của Người.

Trước khi qua đời, mối quan tâm lớn nhất đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là về Đảng với tư cách là một lực lượng lãnh đạo và sự cần thiết phải hết sức gương mẫu của đảng viên khi Đảng đã trở thành một đảng cầm quyền. Theo ông, những tư tưởng của Người có giá trị và ý nghĩa như thế nào đối với hiện thực của đất nước bây giờ?

Trong Di chúc, Bác viết: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Trong một đoạn ngắn, về công việc hệ trọng của Đảng cầm quyền, Bác nhắc 4 lần từ “thật”: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Những tư tưởng này đến nay vẫn nóng hổi tính thời sự. Đặc biệt, trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI và XII. Gần đây, Hội nghị Trung ương 8, khóa XII lần đầu tiên nêu quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Điều này là rất đúng, rất hợp với lòng mong muốn của toàn Đảng, toàn dân, vì cán bộ cấp cao có đoàn kết, có nêu gương thì mới quy tụ được toàn dân.

Công cuộc phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm với chỉ đạo rất quyết liệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã xử lý nhiều đại án, nhiều cán bộ, kể cả cấp cao, cả đương chức, cả nghỉ hưu, với tinh thần “không có vùng cấm” để làm trong sạch Đảng, trong sạch đội ngũ, rất được lòng dân. Đó cũng chính là chúng ta đang làm theo lời căn dặn với 4 chữ “thật” trong xây dựng Đảng từ Di chúc của Người thầy sáng lập Đảng ta.

Hay Bác viết: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Đến nay, đây là điều kiện trước tiên để đổi mới và cũng là trách nhiệm của Đảng và Chính phủ, trong chương trình nghị sự, trong kế hoạch hành động. Công cuộc đổi mới phải bắt đầu từ Đảng, do đó, Người xác định việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng.

Bản Di chúc được viết lần đầu từ tháng 5/1965 “trước hết nói về Đảng” với lời căn dặn đầu tiên là giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng từ Trung ương tới chi bộ. Người đồng thời nói rõ mục đích của việc chỉnh đốn lại Đảng là “làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”. Người tin tưởng rằng, “Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy, chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.

Đây là vấn đề vô cùng hệ trọng bởi như thực tế đã cho thấy, Đảng là lực lượng lãnh đạo và cầm quyền, sự nghiệp cách mạng thành hay bại đều tùy thuộc vào năng lực và sức chiến đấu của Đảng, đặc biệt là phẩm chất đạo đức, tính tiên phong và sự gương mẫu của cán bộ đảng viên, làm nên uy tín và ảnh hưởng sâu rộng của Đảng trong nhân dân. Xây dựng và chỉnh đốn Đảng làm cho Đảng trong sạch để thật vững mạnh không những là một trong những nội dung trọng yếu của đổi mới mà còn là điều kiện căn bản, là nhân tố quyết định thành công của đổi mới trong tầm nhìn chiến lược của Hồ Chí Minh.

Bác bắt đầu viết Di chúc vào tháng 5/1965, từ ngày 10 - 15/5/1965, dịp Người 75 tuổi. Từ đó đến năm 1969, trong khoảng 4 năm, Bác nhiều lần bổ sung, sửa chữa, có thể nói là rất công phu, thận trọng, nghiền ngẫm sâu sắc. Bản di chúc thiêng liêng 1.000 từ mà Người khiêm nhường chỉ gọi là “một bức thư”, là “mấy lời nhắn gửi” nhưng thực sự là một văn kiện lịch sử vô giá, một đại tổng kết về cách mạng Việt Nam gắn bó mật thiết với cuộc đời, với sự nghiệp của Người. Di chúc còn là một thiết kế lý luận về đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước trong hòa bình. Từng câu, từng chữ trong mỗi tác phẩm Bác viết ra đều rất giản dị, dễ hiểu, luôn hàm chứa nhiều ý nghĩa.

Học Bác từ những điều bình dị

Theo ông, để góp phần thực hiện Di chúc của Bác, mỗi cán bộ đảng viên hiện nay cần phải làm gì? Và trong bối cảnh hiện nay, việc học tập Di chúc của Bác, rồi sau đó gắn với việc vận dụng trong thực tế nên được tiến hành như thế nào cho thực chất và liệu có khó thực hiện lắm không?

Với mỗi người hiện nay, thiết thực hơn, theo tôi nghĩ là ai ai cũng nên thấm nhuần 5 thực hành lớn, tiêu biểu của đời Bác. Đó là: Thực hành lý luận trong thực tiễn; thực hành dân chủ với tinh thần: Không làm điều gì trái ý dân, mọi việc đều hỏi dân, nghe dân, học dân để vì dân; thực hành dân vận; thực hành đoàn kết, đại đoàn kết; thực hành đạo đức cách mạng với 4 chuẩn mực: Cần, kiệm, liêm, chính để: Chí công vô tư…

Thực hiện lời dạy của Bác, nói khó hay dễ thì tùy thuộc vào nhận thức, quan niệm và cách sống, xử lý vấn đề của mỗi người. Bác vĩ đại nhưng vô cùng giản dị. Chúng ta hãy học Bác và làm theo Bác từ những điều bình dị hàng ngày và ai cũng có thể làm được. Không có gì là khó cả. Còn nếu coi Bác là một bậc thánh nhân, là siêu thực, không có trong lịch sử thì chúng ta sẽ không bao giờ học được. Mà nhiều khi học một cách máy móc lại là bản sao chép sống sượng.

Cho nên tôi nghĩ, học Bác xuất phát từ cái tâm của mình, nếu mỗi người lòng dặn lòng hãy làm những việc tốt từ nhỏ đến việc lớn hàng ngày là như vậy mang được hình ảnh của Bác về đạo đức và lối sống. Hãy học Bác ở phương châm “nói đi đôi với làm”, nói ít làm nhiều, chủ yếu là hành động. Một tấm gương sống còn quý hơn cả trăm bài diễn văn và gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất của Đảng ta hiện nay theo chỉ dẫn của Bác. Và toàn Đảng, toàn dân, mỗi người thì việc học Bác trở thành một việc bình thường, trở thành vấn đề ý nghĩa, trở thành nhu cầu văn hóa của mỗi người thì sẽ bền bỉ suốt đời.

Là người gắn bó mật thiết với việc nghiên cứu về cuộc đời và tấm gương đạo đức vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều khiến ông ấn tượng nhất, luôn lấy đó là “phương châm sống” mà do đã học được từ Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là gì?

Bác mất đúng ngày Quốc khánh vào lúc 9h47 phút sáng 2/9/1969, là giờ mà vào lúc sinh thời Bác thường ngồi viết Di chúc. Sự kiện trùng hợp một cách ngẫu nhiên nhưng với một vĩ nhân như Hồ Chí Minh thì đem lại xúc động cho biết bao nhiêu người đặc biệt là với dân tộc Việt Nam chúng ta. Ở Bác từ cuộc đời đến sự nghiệp, từ tác phẩm cho đến hành động thực tiễn nhất là kết tinh trong di chúc để lại cho chúng ta ấn tượng khó phai mờ.

Riêng tôi, có một kỷ niệm không thể nào quên. Đó là việc tôi là người trực tiếp chứng kiến lễ tang Bác tại Quảng trường Ba Đình, trực tiếp nghe Tổng Bí thư Lê Duẩn lúc đó công bố Di chúc của Bác, với 5 lời thề vĩnh biệt Bác vô cùng cảm động. Hàng triệu người ở Quảng trường Ba Đình trong lễ tang Bác năm ấy đẫm nước mắt mà giơ cánh tay lên vĩnh biệt Người. 50 năm trôi qua, thế hệ tiếp nối thế hệ, những kỷ niệm đó đã làm tổ trong tâm hồn chúng tôi. Và đó cũng là động lực tinh thần để chúng tôi suốt đời gắn bó, học tập làm theo tinh thần Hồ Chí Minh.

Tôi thuộc về thế hệ sinh ra cùng với Cách mạng Tháng 8, lớn lên trong kháng chiến, trưởng thành trong hòa bình và được phát triển trong sự nghiệp đổi mới của Đảng. Tất cả những dấu mốc lịch sử đó luôn luôn làm cho chúng tôi lòng dặn lòng thực hiện những chỉ dẫn của Bác để trung thành với mục tiêu lý tưởng của Đảng chúng ta.

Với bản thân tôi từng là giáo viên dạy văn học ở các nhà trường phổ thông, lại được dạy chính tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Bác thì những điều Bác nói, Bác dạy ấy tạo ra một động lực tinh thần cho chúng tôi phấn đấu vươn lên, truyền cảm hứng đó cho các thế hệ sau.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.