Điện ảnh

Hollywood điêu đứng khi loạt "bom tấn" hoãn công chiếu vô thời hạn

09/03/2020, 07:10

Hollywood đang đứng trước nguy cơ thiệt hại đến 5 tỷ USD vì hàng loạt "bom tấn" buộc phải tạm dừng sản xuất hoặc lùi ngày công chiếu.

img
“The Call of the Wild” có doanh thu bết bát, dù được đầu tư khủng

Khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 khiến giới làm phim Hollywood điêu đứng khi phải hứng chịu thiệt hại lớn về kinh tế cũng như kế hoạch sản xuất trong tương lai.

Hollywood thất bại thảm hại khi ra rạp đầu năm

Năm 2019, phòng vé phim điện ảnh toàn cầu ghi nhận mức doanh thu kỷ lục 42,5 tỷ USD, trong đó phía thị trường ngoài nước Mỹ đóng góp tới hơn 31 tỷ USD. Nhưng ngay sau bữa tiệc đó là cơn ác mộng tồi tệ kéo đến, bao trùm lấy mùa phim đối với kinh đô phim ảnh Hollywood vào đầu năm nay.

Theo thống kê, top 5 bộ phim Hollywood có doanh thu toàn cầu cao nhất hai tháng đầu năm 2020, chưa bộ phim nào có thể vượt qua được cột mốc 400 triệu USD dù có nội dung và chủ đề khá hấp dẫn. Trong đó, Bad boys for life thu về 394 triệu USD trên toàn thế giới; Sonic the Hedgehog thu về hơn 222 triệu USD; Dolittle với kinh phí hơn 175 triệu USD cũng chỉ mang về vỏn vẹn 205 triệu USD.

Birds of Prey: And the Fantabulous Emancipation of One Harley Quinn thất bại ê chề đến nỗi nhà sản xuất (NSX) phải đổi tên trên thị trường Bắc Mỹ và Nhật Bản. Bộ phim này có kinh phí sản xuất 97 triệu USD chỉ mang về 179 triệu USD trên toàn cầu. Trong khi đó, dù lọt top 5 nhưng The Gentlemen chỉ thu về vỏn vẹn 88 triệu USD trên toàn cầu.

Cùng với đó, phim The Call of the Wild đã ngốn khoản ngân sách khổng lồ lên tới 125 triệu USD, nhưng chỉ thu về 45 triệu USD tại riêng Bắc Mỹ và khoảng 106 triệu USD trên khắp toàn cầu. Doanh thu này giảm khoảng 46% - mức bình thường đối với các tác phẩm nhắm đến đối tượng khán giả gia đình, trong cùng thời gian ra mắt.

Dù phim mới chỉ công chiếu được hơn 10 ngày, nhưng giới chuyên môn cho rằng phim cần mang về 250-275 triệu USD từ phòng vé toàn cầu mới có thể hoàn vốn. Nhưng, kể cả được trình chiếu tại Trung Quốc khi dịch Covid-19 qua đi, cơ hội để bộ phim đạt đến con số đó là cực thấp.

Theo tạp chí Forbes, phim nhiều khả năng gây lỗ ít nhất 50 triệu USD cho các bên đầu tư. Bên cạnh ngân sách quá cao, giới chuyên gia nhận định, dịch Covid-19 là nguyên nhân khiến doanh thu phim bị ảnh hưởng. The Call of the Wild hiện không có cơ hội kiếm tiền tại thị trường tiềm năng như: Trung Quốc, Hàn Quốc và Italy - nơi dịch bệnh đang bùng phát và có diễn biến phức tạp.

Tình hình này cũng đẩy NSX vào thế “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”. Đối với những bộ phim đã được gửi ra rạp với chi phí cho các chiến dịch quảng cáo lên tới hàng triệu USD, rất khó và tốn kém cho NSX nếu rút lại tác phẩm. Một số khác buộc phải thông báo rời lịch công chiếu, bất chấp thiệt hại hàng triệu USD cho việc quảng bá và lên kế hoạch trước đó.

Bom tấn liên tiếp dừng ra mắt dù đã đổ tiền quảng cáo

img

Mới đây, NSX thông báo No time to die sẽ không còn ra rạp từ ngày 2/4 tại Anh và 10/4 tại Bắc Mỹ cùng nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đây là tập phim thứ 25 của thương hiệu phim điệp viên 007 và đánh dấu lần cuối cùng Daniel Craig sắm vai James Bond và là thương hiệu phim từng có doanh thu tỷ USD cho NSX. Phần phim năm 2014 thu về hơn 1 tỷ USD trên toàn cầu, 880 triệu USD là con số thu về cho NSX phần phim năm 2015.

Theo The Hollywood Reporter, với kinh phí khoảng gần 250 triệu USD, No time to die được dự đoán sẽ tiêu tốn từ 30-50 triệu USD của NSX khi kéo dài lịch chiếu. Bởi trước đó nhiều tuần, NSX và nhà phát hành đã bỏ ra một con số khổng lồ cho chiến dịch quảng bá.

“Chiến dịch quảng bá đã được diễn ra hiệu quả từ 4 tuần trước ngày thông báo phát hành. Trong đó, bao gồm 1 suất quảng cáo trong giờ nghỉ trận Super Bowl trị giá 4,5 triệu USD đã chạy từ tháng 2/2020”, The Hollywood Reporter cho hay.

Chuyên trang này còn nhận định, việc rời lịch chiếu khiến phim có thể chỉ đạt khoảng 300 triệu USD, dù trước đó phim dự kiến đạt doanh thu 1 tỷ USD trên toàn cầu. Sự thay đổi lịch chiếu của No time to die chắc chắn còn gây ra xáo trộn lớn tại phòng vé dịp cuối năm. Phim ra rạp sau bom tấn quái vật Godzilla vs Kong đúng một tuần lễ và sẽ cạnh tranh trực tiếp với phim hoạt hình Raya and the Last Dragon.

Một trường hợp đáng chú ý khác là dự án Mulan của Disney - bộ phim được mong chờ là sẽ phá đảo màn ảnh năm nay tại Trung Quốc. Ban đầu, phim với kinh phí 200 triệu USD dự kiến sẽ ra mắt khán giả ngay trong tháng 3/2020, nhưng giờ đây lại nằm trong danh sách trì hoãn vô thời hạn.

Ngoài ra, các bom tấn Mission: Impossible 7 và Red Notice gặp gián đoạn trong quá trình thực hiện khi phải tạm hoãn để chọn địa điểm quay khác bên ngoài Italy.

Thị trường lao đao, thiệt hại đến 5 tỷ USD

Đầu năm 2020, điện ảnh Việt có gần 10 tác phẩm được tung ra rạp và cạnh tranh cùng những “bom tấn” của nước ngoài. Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến số lượng khán giả ra rạp. Trong đó, cụm Galaxy giảm hơn 20% toàn thị trường.

Bà Bích Liên, Giám đốc nhà phát hành Mega GS cho biết, đơn vị này chỉ bán cao nhất là 2.000 vé/ngày, giảm 50%. Trung tâm chiếu phim Quốc Gia cũng thừa nhận, lượng người xem đến xem phim tại đây giảm mạnh. Số buổi chiếu phim tăng 24%, nhưng số người xem giảm trên 50% so với cùng kỳ năm 2019.


Trong bối cảnh dịch Covid-19 đã bắt đầu lan rộng ra các nước châu Âu, với tâm điểm là Italy, The Hollywood Reporter cho rằng, Hollywood đang đứng trước nguy cơ thiệt hại đến 5 tỷ USD vì hàng loạt bom tấn buộc phải tạm dừng sản xuất hoặc lùi ngày công chiếu. Giới chuyên môn cho rằng con số này có thể sẽ còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.

Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc vào tháng 1/2020, Hollywood đã phần nào bị ảnh hưởng nặng nề bởi hơn 70.000 cụm rạp chiếu phim tại quốc gia tỷ dân phải đóng cửa trong nhiều tuần qua.

Tính riêng trong tháng Tết Nguyên đán (24/1 - 23/2), doanh thu phòng vé tại thị trường điện ảnh lớn thứ 2 thế giới đã giảm từ 1,76 tỷ USD (2019) xuống chỉ còn 4,2 triệu USD (số liệu của Artisan Gateway). Thiệt hại này mới chỉ là ước tính ban đầu, dự báo ít nhất 2 tỷ USD tiền bán vé tại quốc gia tỷ dân sẽ bị Covid-19 làm “bốc hơi”. Ngay cả khi hết dịch, việc kinh doanh cũng sẽ phục hồi rất chậm, ảnh hưởng kéo dài nhiều tháng sau đó.

Trường hợp tương tự cũng xảy ra ở Italy, Hàn Quốc và Nhật Bản. Doanh thu phòng vé tại Hàn Quốc đã giảm đến 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Chuỗi rạp chiếu lớn nhất xứ kim chi là CGV đã đóng cửa 9 cụm rạp ở gần Daegu, tâm dịch lúc này của Hàn Quốc.

Với các thành phố khác, hãng cũng giảm một nửa số màn chiếu hoạt động. Lotte Cinema và Megabox cũng phải cắt giảm số suất chiếu, thu nhỏ đội ngũ nhân viên nhằm tránh lây nhiễm. Trước tình hình này, The Hollywood Reporter còn phải thốt lên: “Các cụm rạp ở đây có mở cửa cũng như không, vì chẳng còn ai đến xem phim nữa”.

Trong khi đó, ở Nhật Bản, The Hollywood Reporter dự đoán doanh thu tại đây sẽ sụt giảm khoảng 10 - 15%. Hãng phân phối kiêm xưởng phim Shochiku cho biết, họ đang cân nhắc có nên tiếp tục tiến hành các sự kiện quảng bá phim hay không. Việc hoàn tiền vé đã được tiến hành.

Tại châu Âu, Italy đã cho đóng cửa gần 1 nửa cụm rạp tại quốc gia này, chủ yếu tập trung ở phương Bắc. Và chỉ 1 tuần sau, doanh thu phòng vé của họ đã giảm 44%. Tính đến thời điểm hiện tại, con số này thấp hơn 76% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không khó để thống kê con số thiệt hại mà đại dịch Covid-19 đã giáng xuống kinh đô điện ảnh Hollywood. Theo như dự đoán của truyền thông Mỹ, nền công nghiệp điện ảnh xứ cờ hoa có khả năng sẽ còn điêu đứng vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, kế hoạch ứng phó với đại dịch một cách bài bản như hủy các buổi họp báo, dời lịch quay phim… là điều quan trọng, cần thiết của các NSX, nhà phát hành.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.