Quản lý

Hơn 4.600 tỷ đồng xóa lối đi tự mở qua đường sắt phân bổ thế nào?

22/04/2020, 17:06

Dự kiến cần hơn 4.600 tỷ đồng, phân bổ cho 33 tỉnh, thành để thực hiện xóa hoàn toàn lối đi tự mở qua đường sắt.

img
Dự kiến cần hơn 4.600 tỷ đồng, phân bổ cho 33 tỉnh, thành thực hiện xóa hoàn toàn lối đi tự mở qua đường sắt.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Võ Thanh Hiền, Phó trưởng phòng Kết cấu hạ tầng giao thông Cục Đường sắt VN cho biết, theo Đề án đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng kinh phí dự kiến để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở là hơn 7.383 tỷ đồng.

Trong đó, hơn 4.634 tỷ đồng được phân bổ cho 33/34 tỉnh, thành trên cả nước có đường sắt đi qua để triển khai thực hiện. Chỉ có TP. Hồ Chí Minh hiện không có lối đi tự mở trên địa bàn do đã làm tốt công tác xây dựng hàng rào, đường gom, đóng lối đi tự mở những năm trước đây không phải phân bổ vốn.

Số kinh phí dự kiến được phân bổ cho từng địa phương theo nội dung công việc, lộ trình thực hiện, cụ thể: Thực hiện các giải pháp tăng cường ATGT đường sắt đến hết năm 2020; Thực hiện xây dựng hàng rào, đường gom để xóa lối đi tự mở trong giai đoạn 2021-2025.

Nhiều địa phương cần số kinh phí lớn lên đến hơn 200 tỷ để thực hiện mục tiêu xóa lối đi tự mở như: Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Yên Bái, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận.

Trong đó, địa phương cần kinh phí nhiều nhất là Bình Định với gần 288 tỷ đồng, bao gồm chi cho tăng cường ATGT hơn 4,2 tỷ, hơn 283 tỷ để làm gần 42km hàng rào, đường gom. Kế đến là Nghệ An với tổng kinh phí hơn 286 tỷ, gồm 3,66 tỷ tăng cường ATGT và gần 283 tỷ làm hơn 25km hàng rào, đường gom.

Hà Nội cũng cần hơn 220 tỷ, trong đó để tăng cường ATGT hơn 22,6 tỷ, hơn 197,6 tỷ để làm hơn 11,4km hàng rào, đường gom. Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, trên địa bàn toàn thành phố, có 6 tuyến đường sắt đi qua với tổng chiều dài hơn 162km hiện tồn tại đến 363 lối đi tự mở cần xóa bỏ.

Theo ông Hiền, dù phân bổ vốn như vậy, nhưng không phải hoàn toàn từ nguồn vốn ngân sách Trung ương bố trí. Theo pháp luật đường sắt hiện hành, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý, xóa bỏ lối đi tự mở trên địa bàn. Do đó, với việc phân định cụ thể số lượng vốn, khối lượng phải thực hiện, các tỉnh phải có trách nhiệm tìm nguồn vốn, lập kế hoạch để bố trí vốn triển khai, có thể từ ngân sách địa phương hoặc xã hội hóa.

"Ngay cả trường hợp từ nguồn vốn Trung ương, địa phương cũng phải tự xây dựng kế hoạch trong kế hoạch vốn trung hạn để xin Trung ương", ông Hiền thông tin.

img

Hỗ trợ khách gặp khó vì Covid-19: Xử lý lãnh đạo ngân hàng nếu gây phiền hà

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.