Hàng không

Hụt thu lớn từ thị trường quốc tế, hàng không chưa phục hồi như kỳ vọng

19/05/2022, 06:00

Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hàng không vẫn rất khó khăn, nguy cơ âm vốn chủ sở hữu, cạn dòng tiền vẫn cận kề.

Nội địa hồi phục nhanh, quốc tế vẫn ì ạch

Trong khi hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế đang bừng lên mạnh mẽ nhờ tác động của việc triển khai các giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển KTXH theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ, theo các chuyên gia, hàng không vẫn chưa thể phục hồi như kỳ vọng.

img

Hành khách làm thủ tục tại kiosk check-in sân bay quốc tế Nội Bài

Tính riêng kỳ nghỉ lễ được kỳ vọng là “mùa vàng” 30/4 và 1/5, vừa qua, các hãng hàng không Việt Nam chỉ vận chuyển đạt 486.600 lượt khách và 1.858 tấn hàng hóa, giảm lần lượt giảm 13% và 27% so kỳ nghỉ lễ năm 2021.

Trong số các sân bay chỉ có Tân Sơn Nhất ghi nhận lượng hành khách tăng 3% so cùng kỳ, hai sân bay khác là Nội Bài và Đà Nẵng lần lượt giảm 4% và 8%.

Đáng lưu ý, sự phục hồi của thị trường cũng chưa đồng đều giữa phân khúc nội địa và quốc tế. Cục Hàng không VN cho biết đà phục hồi của thị trường nội địa khá tích cực. Đến nay, các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác trở lại gần 60 đường bay nội địa với tần suất trung bình từ 700 - 800 chuyến bay/ngày.

Theo kịch bản lạc quan, dự kiến đến hết năm 2022, sản lượng vận chuyển hành khách nội địa có thể đạt từ 33 - 35 triệu lượt khách và trở về mức trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Riêng thị trường quốc tế vẫn giảm sâu 72-80% vì gặp nhiều khó khăn hơn. Theo ghi nhận của một hãng hàng không, Việt Nam đã công bố mở cửa đón khách quốc tế từ 15/3/2022 và đã mở lại 20 đường bay đến các quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng đến nay sản lượng vận chuyển hành khách mới chỉ đạt khoảng 7% so với cùng kỳ của giai đoạn trước đại dịch.

Nguyên nhân chủ yếu do các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Đài Loan, Hongkong vẫn đang theo đuổi chính sách Zero Covid trong khi các thị trường lớn khác như Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn hạn chế nhập cảnh và thực hiện cách ly khiến nhu cầu đi lại của hành khách chưa thể trở lại bình thường.

Hơn nữa, quy định bắt buộc khách phải xét nghiệm âm tính trước chuyến bay và thu nhập giảm sút trong đại dịch khiến việc phát động khách du lịch outbound gặp nhiều khó khăn, chưa kể cần độ trễ ít nhất 2-3 tháng để phát động thị trường đối với thị phần khách đem lại doanh thu cao là nhóm khách du lịch.

“Với tỷ trọng doanh thu, lợi nhuận của các hãng hàng không chủ yếu đến từ thị trường vận chuyển quốc tế, thì dự kiến năm 2022, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hàng không vẫn tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ âm vốn chủ sở hữu, cạn dòng tiền vẫn cận kề”, lãnh đạo Cục Hàng không VN nhận định.

Chính sách hỗ trợ cần nhanh và đủ liều lượng

Khủng hoảng của ngành hàng không đã không còn dừng lại ở nguyên nhân do thị trường sụt giảm mà đang trầm trọng thêm bởi cú sốc giá nhiên liệu đến từ cuộc chiến giữa Nga - Ukraine. Rủi ro giá nhiên liệu năm 2022 được dự tính là rất lớn đối với ngành hàng không.

Thống kê cho thấy, chi phí nhiên liệu bay của Vietnam Airlines trong quý I đã chiếm hơn 30% chi phí hoạt động và dự kiến còn tăng sốc trước xu thế tăng giá xăng dầu thế giới. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến các các tổ chức nghiên cứu đưa ra dự báo quá trình phục hồi của ngành hàng không còn gặp nhiều trắc trở.

Còn theo đại diện Bamboo Airways, tỷ trọng chi phí nhiên liệu bình quân của hãng tại thời điểm tháng 12/2021 là 34% tổng chi phí khai thác một chuyến bay nhưng đến tháng 3/2022 đã tăng vọt lên mức 50%.

“Tính đến thời điểm này, triển vọng tăng trưởng 2022 của hầu hết các ngành chính được dự báo tích cực. Tuy nhiên, một số ngành có sự hồi phục nhưng còn rất chậm, như hàng không và du lịch quốc tế; xây dựng và vật liệu... cần phải được kích hoạt để hồi phục mạnh hơn nữa, nhằm góp sức tăng trưởng kinh tế cao hơn, nhất là trong bối cảnh môi trường lãi suất đã tạo đáy và lạm phát có thể gia tăng vượt kỳ vọng”, Chủ tịch FiinGroup Nguyễn Quang Thuân đề cập trong báo cáo về bức tranh tăng trưởng ngành kinh tế chính tại Việt Nam giai đoạn 2022-2023.

Cùng quan điểm, các chuyên gia kinh tế cho rằng, giải pháp hỗ trợ phục hồi ngành hàng không cần sớm được triển khai đủ liều lượng cả về tài chính và tiền tệ. Theo đó, nhà nước cần tiếp tục chính sách giảm thuế, phí cho các hãng hàng không và thực hiện chính sách hỗ trợ cơ cấu nợ vay, giảm lãi suất vay, miễn giảm các khoản vay bảo lãnh chính phủ cho những doanh nghiệp hàng không gặp khó khăn.

Chính sách cấp bù lãi suất 2% mà doanh nghiệp hàng không là một trong những đối tượng được thụ hưởng trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội cần sớm được có hướng dẫn cụ thể để triển khai vào cuộc sống.

Để tạo tiền đề cho sự phục hồi và phát triển trong tương lai, Cục Hàng không VN đề xuất Bộ GTVTtiếp tục ban hành chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa và áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Về phía các hãng hàng không vẫn đang nỗ lực tái cơ cấu, chủ động triển khai đồng bộ nhiều các giải pháp trong quản trị, điều hành để ứng phó với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, bảo đảm thanh khoản và khả năng hoạt động liên tục.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.