Thời sự Quốc tế

Ít nhất 5 năm nữa EU mới thôi phụ thuộc năng lượng từ Nga?

Theo người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC), Liên minh châu Âu có thể tiếp tục phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga trong ít nhất 5 năm tới.

Phụ thuộc vào năng lượng Nga ít nhất tới năm 2027

Ngày 28/3, hãng TASS đưa tin tại họp báo ở Brussels (Bỉ), khi được hỏi về thời điểm việc tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ có thể giúp châu Âu ngừng phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga, phát ngôn viên của EC về vấn đề Năng lượng và Khí hậu Tim McPhie cho biết khu vực này còn phải “phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga tới 2027”.

Theo ông McPhie, EU ước tính có thể giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong năm nay và sẽ đưa ra kế hoạch cụ thể để thực hiện mục tiêu này trước cuối tháng 5.

img

G7 từ chối thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng ruble. Ảnh - AFP

Mới đây, EU và Mỹ cũng ký thỏa thuận cho phép Mỹ cung cấp thêm ít nhất 50 tỷ m3 LNG/năm cho EU ít nhất tới năm 2030 nhằm giảm dần sự phụ thuộc của khu vực vào nguồn cung khí đốt từ Nga.

EU đặt mục tiêu ngừng mua khí đốt từ Nga như một phần trong số các biện pháp trừng phạt đối với Nga để phản ứng trước chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Nga hiện cung cấp 40% khí đốt và 25% lượng dầu mỏ nhập khẩu của châu Âu.

G7 từ chối thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng ruble

Đáp lại các lệnh trừng phạt kể trên, Nga đã tuyên bố sẽ yêu cầu các nước không thân thiện phải thanh toán tiền mua năng lượng bằng đồng ruble.

Ngày 28/3, nhóm G7 đạt đồng thuận đồng loạt từ chối yêu cầu thanh toán mua khí đốt của Nga bằng đồng ruble kể trên.

Thông báo của G7 nêu rõ các bộ trưởng năng lượng Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada cùng đại biểu về năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) đã tham gia hội đàm trực tuyến và thống nhất rằng cần phải tuân thủ theo đúng hợp đồng hiện hành. Theo đó, đa số phương thức thanh toán được quy định trong các hợp đồng là Euro hoặc USD.

Bộ trưởng Năng lượng Đức Robert Habeck cho biết tất cả bộ trưởng của nhóm G7 hoàn toàn đồng thuận rằng đây là hành vi vi phạm hợp đồng rõ ràng và là yêu cầu một phía.

“Chúng tôi không chấp nhận thanh toán bằng đồng ruble và sẽ yêu cầu các công ty bị ảnh hưởng không tuân theo yêu cầu của (Tổng thống Nga) Putin”, ông Habeck nói.

Đồng quan điểm với ông Habeck, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết các hợp đồng quy định Euro là loại tiền tệ thanh toán và các công ty sẽ thanh toán theo hợp đồng đã ký.

Khi được hỏi về khả năng Nga "khóa van" năng lượng với châu Âu, Bộ trưởng Năng lượng Đức khẳng định, khu vực đã chuẩn bị cho tất cả các kịch bản có thể xảy ra.

Ngày 28/3, khi được hỏi về việc liệu Nga có ngừng cung cấp khí tự nhiên cho châu Âu nếu các đối tác tại đây từ chối thanh toán bằng đồng ruble hay không, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết “chúng tôi sẽ không cung cấp khí đốt miễn phí”.

Hồi tuần trước, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo Nga sẽ yêu cầu các quốc gia “không thân thiện” thanh toán các hợp đồng mua khí đốt từ Nga bằng đồng ruble - tiền tệ của Nga, giá khí đốt trên thị trường thế giới, vốn đã ở mức cao tiếp tục tăng do quan ngại gián đoạn nguồn cung năng lượng cho châu Âu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.