Thời sự

Kết luận chính thức nguyên nhân cá chết hàng loạt trên sông Âm

10/04/2017, 11:59
image

Nguyên nhân cá tự nhiên chết trên sông Âm được xác định là do ô nhiễm từ nước thải của 1 nhà máy.

1

Cơ quan chức năng xác định Công ty TNHH sản xuất thương mại vật tư Tuấn Vinh lắp đặt 1 đường ống để xả thải trộm ra sông Âm

Ngày 10/4, thông tin từ Sở TN&MT Thanh Hóa cho biết đã có kết luận kiểm tra việc xả thải ra sông Âm dẫn tới hiện tượng cá tự nhiên chết.

Theo đó, ngày 4/4 vừa qua, sau khi tiếp nhận thông tin về việc cá tự nhiên chết trên sông Âm đoạn chảy qua địa phận xã Vân Am, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) không rõ nguyên nhân, Sở TN&MT tỉnh cùng chính quyền địa phương đã kiểm tra thực tế dọc tuyến sông và kiểm tra tại cụm Công nghiệp Bãi Bùi (thuộc xã Quang Hiến, huyện Lang Chánh).

Qua kiểm tra thực tế khu vực cầu Can, xã Vân Am (huyện Ngọc Lặc) cho thấy còn một lượng cá tự nhiên chết chưa được thu gom đang trong quá trình phân hủy, nước sông  có màu đục và mùi hôi. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn công tác đã tổ chức lấy 3 mẫu nước sông Âm ở khu vực cá chết và trưng dụng 1 mẫu nước sông Âm do UBND xã Vân Am lấy trước đó 1 ngày (3/4) để phân tích (hiện vẫn đang chờ kết quả phân tích của phòng thí nghiệm).

1. Cá chết trên sông Âm, Ngọc Lặc, Thanh Hóa

Việc xả thải trực tiếp ra môi trường của Cty TNHH SXTMVT Tuấn Vinh dẫn tới hiện tượng cá tự nhiên trên sông Âm bị chết

Nhận thấy sự bất thường này, Sở TN&MT Thanh Hóa đã tổ chức kiểm tra 3 cơ sở có hoạt động sản xuất bột giấy, giấy vàng mã tại Cụm công nghiệp Bãi Bùi, xã Quang Hiện, huyện Lang Chánh. Kết quả kiểm tra cho thấy: Hợp tác xã chế biến lâm sản Lang Chánh đã dừng hoạt động từ tháng 11/2016, đang cải tạo hệ thống xử lý nước thải; Công ty CP lâm sản Lang Chánh mới hoạt động trở lại từ ngày 30/3 để vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải mới đầu tư. Lượng nước thải phát sinh được dẫn về hệ thống xử lý tập trung sau đó lưu giữ trong hồ sinh học và bơm tuần hoàn sản xuất, không có dấu hiệu xả thải ra môi trường. Riêng Công ty TNHH sản xuất thương mại vật tư Tuấn Vinh đang hoạt động bình thường với 2 dây chuyền xeo và 10 bể ngâm ủ bột giấy có dung tích 70m3/bể.

Đoàn kiểm tra cũng đã phát hiện Công ty Tuấn Vinh lắp đặt 1 đường ống nhựa PVC D150 và van khóa chôn ngầm dưới lòng đất, đấu nối từ đáy bể phản ứng keo tụ vào đường ống cấp nước thô. Tại trạm bơm nước thô có lắp đặt đường ống, van khóa dẫn ra sông Âm, có dấu hiệu xả nước thải không qua xử lý thông qua đường ống cấp nước thô đầu vào sản xuất ra sông Âm.

Đoàn công tác đã thực nghiệm quy trình xả thải của Công ty Tuấn Vinh cho kết quả: Nước thải không qua xử lý từ bể chứa được thải trực tiếp ra sông Âm. Công ty Tuấn Vinh đã xử dụng đường ống cấp nước thô với 2 mục đích là vừa bơm nước thô từ sông Âm vào nhà máy để sản xuất vừa là đường ống xả nước thải không qua xử lý thải trực tiếp ra sông Âm. Bên cạnh đó, Công ty này còn đào thêm 2 ao chứa nước thải tại góc phía Nam của Nhà máy với diện tích 400m2, sâu 1m để bơm nước thải từ bể xử lý hiếu khí về lưu giữ. Ao này chỉ lót thành, đáy sơ sài bằng bạt nilon, nước thải trong ao đang thấm vào nền đất và thấm vào mương thoát nước bên cạnh Công ty.

Sở TN&MT cho biết, hoạt động xả nước thải trái phép của Công ty Tuấn Vinh gây nên tình trạng cá tự nhiên bị chết trên sông Âm trong thời gian qua, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nước, đời sống của động vật thủy sinh và gây bức xúc cho nhân dân. Trước sự việc này, Đoàn công tác đã yêu cầu Công ty Tuấn Vinh dừng ngay việc bơm nước thải vào ao chứa tạm và bơm nước thải trở về hồ sinh học để tiếp tục xử lý đúng quy trình kỹ thuật.

Hiện, Sở TN&MT gửi văn bản kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính của Công ty TNHH Sản xuất thương mại vật tư Tuấn Vinh do vi phạm về lắp đặt đường ống để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường với số tiền phạt 160 triệu đồng. Đồng thời, đình chỉ hoạt động của Công ty này thời gian 3 tháng để Công ty tháo dỡ đường ống dẫn xả thải để chờ hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy định.

 >>> Xem thêm vi deo:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.