Xã hội

Khắc khoải Gạc Ma

28/04/2018, 07:37

Nhìn hòn đảo nhô lên giữa biển nước Trường Sa, các thành viên trên tàu đều lao ra phía boong tàu...

52

Thả hoa xuống biển tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh tại đảo Gạc Ma

Nhìn hòn đảo nhô lên giữa biển nước Trường Sa, các thành viên trên tàu đều lao ra phía boong tàu, hướng về Gạc Ma với niềm xót thương khắc khoải. Thật kỳ lạ, những vòng hoa, bàn lễ vật được thả xuống biển cứ dập dềnh trên sóng nước rồi cùng chụm lại thành một khối, trôi về phía đảo Gạc Ma.

Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma trên boong tàu

Tháng 4/2018, PV Báo Giao thông cùng đoàn do Chuẩn Đô đốc Phạm Xuân Điệp, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân làm trưởng đoàn ra thăm, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Chuyến công tác đúng dịp kỷ niệm 30 năm xảy ra trận chiến bi hùng trong chiến dịch CQ88 (chủ quyền 88).

Sau 3 ngày lênh đênh trên biển, tàu 561 đưa đoàn công tác đến vùng biển đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma. 3 đảo chỉ cách nhau vài hải lý, hợp thành một cụm đảo trong nhóm đảo Sinh Tồn (quần đảo Trường Sa). Con tàu 561 chở đoàn công tác đã neo lại tại vùng biển này 4 tiếng, đủ thời gian để chúng tôi tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ anh dũng hy sinh tại Gạc Ma ngay trên boong tàu.

"Cuộc chiến đấu rạng sáng 14/3/1988 ở Gạc Ma đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu ấn không bao giờ phai trong tâm khảm của mỗi người dân đất Việt. Những người lính đầy nhiệt huyết và sức trẻ đã mãi mãi nằm lại biển sâu nhưng ý chí quật cường của các anh đã trở thành tượng đài bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tiếp nối truyền thống đấu tranh giữ nước bất khuất của dân tộc Việt Nam. Máu của các anh đã hòa cùng biển sâu, nhắc nhở thế hệ muôn đời sau nhớ về tinh thần quyết tử để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc"

Đại tá Lê Văn Tuấn
Trưởng phòng Chính sách Bộ Tư lệnh Hải quân

Trên boong tàu, trong khói hương trầm mặc, lời điếu văn của Bộ Tư lệnh Hải quân vang lên: Ngày 14/3/1988, các lực lượng tàu chiến hùng hậu có trang bị vũ khí hiện đại của Trung Quốc đã ngang nhiên, bất chấp công lý và lẽ phải, bất ngờ tấn công quân sự, bắn cháy, chìm 3 tàu vận tải và đánh chiếm một số đảo đá ngầm của ta. Với ý chí quyết tâm “Bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh trái tim của người lính”, các lực lượng Hải quân đều là những cán bộ, chiến sĩ các tàu vận tải và lực lượng công binh xây dựng đảo, trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và súng bộ binh đã bình tĩnh, kiên cường chiến đấu để giữ vững chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Trong cuộc chiến đấu không cân sức đó, 64 cán bộ, chiến sỹ đã vĩnh viễn nằm lại Gạc Ma”.

Chuẩn Đô đốc Phạm Xuân Điệp nghẹn ngào kể tên những đồng đội đã anh dũng hy sinh như: Anh hùng liệt sỹ, Trung tá Trần Đức Thông - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng liệt sỹ Đại úy Vũ Phi Trừ - Thuyền trưởng Tàu HQ 604, trước sự tấn công của kẻ thù vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ tàu, giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo. Anh hùng liệt sỹ Thiếu uý Trần Văn Phương - Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước lúc hy sinh anh đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội “Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của quân chủng”. Anh hùng, thuyền trưởng, Thiếu tá Vũ Huy Lễ, trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc, đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy Tàu HQ 505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm.

53

Ngày 8/4, tàu HQ 561 chở đoàn công tác số 4 (gồm các tỉnh Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, An Giang, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh) do Chuẩn đô đốc Phạm Xuân Điệp - Phó Tư lệnh Hải quân dẫn đầu tới khu vực vùng biển đảo Gạc Ma, tổ chức lễ tưởng niệm các liệt sỹ

Máu xương còn ở lại Gạc Ma

Hàng năm cứ đến ngày 14/3, gia đình ông Đoàn Tuấn Nghĩa ở quận Lê Chân (Hải Phòng) đều tổ chức cúng lễ cho con trai là liệt sỹ Đoàn Đắc Hoạch cùng 64 đồng đội của anh hy sinh tại đảo Gạc Ma trong sự kiện 1988. Liệt sỹ Đoàn Đắc Hoạch là một trong 8 liệt sỹ mà một phần hài cốt được đưa về đất mẹ, vẫn còn thi thể của 56 hài cốt chiến sỹ ta đang nằm dưới biển lạnh Gạc Ma.

Trong trận chiến Gạc Ma 1988, con tàu HQ 604 chìm tại khu vực cách đảo Gạc Ma 1 hải lý về phía Tây, cách đảo Cô Lin 3,72 hải lý về phía Nam, như một ngôi mộ tập thể. Thế nhưng, phải 20 năm sau con tàu mới được phát hiện một cách tình cờ.

Ngày 10/8/2008, khi đang đánh bắt hải sản tại khu vực gần đảo Cô Lin, tàu cá Quảng Ngãi QNg 96219 phát hiện 1 xác tàu vận tải quân sự Việt Nam nằm ở độ sâu 21m, trong tàu có hài cốt của nhiều người nên lập tức báo cho Ban chỉ huy đảo Cô Lin, để rồi rất nhanh chóng, thông tin trên được báo cáo lên Sở chỉ huy Vùng 4 Hải quân, Bộ Tư lệnh Hải quân. Theo nhận định của Quân chủng Hải quân, đây chính là tàu HQ 604 bị chìm trong trận đánh với hải quân Trung Quốc ngày 14/3/1988.

Cùng ngày phát hiện xác tàu HQ 604, tàu Thành Công 07 chuyên nghề lặn thu gom phế liệu đang có mặt trên vùng biển Trường Sa. Hai chủ tàu này vốn quen biết nhau, nên sau khi chủ tàu QNg 96219 cho biết Quân chủng Hải quân nhờ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, ông Võ Văn Chức - thuyền trưởng tàu Thành Công 07 - lập tức chỉ huy con tàu cùng đội thợ lặn tới ngay khu vực tàu đắm. Sau nhiều cố gắng những thợ lặn của tàu Thành Công 07 đưa lên từ con tàu đắm một số bộ hài cốt và 1 khẩu B41 cùng 3 quả đạn, bệ khóa nòng và thoi đẩy của tiểu liên AK, 1 cuốc chim. Ngoài ra, thợ lặn còn mang lên được một đôi dép nhựa, dù ở sâu dưới lòng biển ngót hai chục năm vẫn còn rõ dòng chữ “Triển lãm thành tựu kinh tế Việt Nam - HCV - dép nhựa Tiền Phong, Hải Phòng”.

Những ngày sau đó, dù nhiều lần quay lại Gạc Ma nhưng những chiếc tàu tìm kiếm không thể đưa thêm được hài cốt liệt sỹ về bởi những chiếc tàu quân sự Trung Quốc xông ra truy đuổi quyết liệt. Phần hài cốt được đưa về đất liền, qua giám định AND xác định là hài cốt của 8 liệt sỹ gồm: Liệt sỹ Đoàn Đắc Hoạch ở quận Lê Chân, liệt sĩ Nguyễn Thanh Hải ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng); liệt sĩ Trần Văn Phòng ở huyện Kiến Xương, liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình; liệt sĩ Đậu Xuân Tư và liệt sĩ Hồ Văn Nuôi đều ở huyện Nghi Lộc (Nghệ An) và liệt sĩ Trần Văn Quyết ở huyện Quảng Trạch, liệt sĩ Trần Quốc Trị ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình).

Một phần hài cốt của 8 liệt sỹ được đưa về đất mẹ, vẫn còn 56 chiến sỹ Hải quân quả cảm hy sinh, thân xác các anh vẫn đang nằm dưới lòng biển lạnh Gạc Ma trong sự khắc khoải của mỗi người dân đất Việt.

Vòng hoa trắng trôi về Gạc Ma

Trước khi con tàu 561 của chúng tôi tới vùng biển Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma những thành viên trên tàu đã cắt, gấp hàng nghìn con hạc giấy. Những con hạc giấy ấy được thả xuống biển cùng với vòng hoa như những lời khấn nguyện gửi tới anh linh các anh hùng liệt sỹ hy sinh để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Tháng 4 ở Trường Sa, thường thì dịp này biển rất yên, sóng nhỏ nhưng chuyến tàu gặp đúng đợt áp thấp khiến sóng cấp 7. Trên boong tàu hôm đó, hơn 200 đại biểu đứng sát nhau, ôm vào những chiếc cột để tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Gạc Ma.

Những vòng hoa, bàn lễ vật được thả xuống biển trong lễ tưởng niệm 64 chiến sỹ Hải quân hy sinh trong trận chiến ngày 14/3/1988. Thật kỳ lạ, những vòng hoa ấy dập dềnh trên sóng nước rồi chụm lại với nhau thành một khối, trôi về phía đảo Gạc Ma. Từng hàng chục lần đưa các đoàn công tác tới Trường Sa, một chiến sỹ lái ca nô trên tàu 561 chia sẻ: “Lần nào cũng vậy, các vòng hoa ấy đều trôi về phía Gạc Ma”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.