Tài chính

Khách bức xúc vì phí tin nhắn SMS Banking tăng vọt, ngân hàng nói gì?

21/02/2022, 17:31

Phí dịch vụ tin nhắn SMS Banking tăng vọt gấp 5-7 lần khiến khách hàng bức xúc, ngân hàng lý giải ra sao?

Ngân hàng: Có đồ miễn phí sao không dùng?

Khách hàng của nhiều ngân hàng vừa ngỡ ngàng vừa bức xúc khi bị thu phí dịch vụ tin nhắn SMS Banking vọt lên tới 55.000-77.000 đồng cho tháng 1 vừa qua.

Bị thu phí SMS Banking đến 77.000 đồng, anh Nguyễn Cảnh Chi (Thanh Xuân, Hà Nội) bức xúc: “Phí SMS Banking 11.000 đồng một tháng trước kia tôi nghĩ đã cao rồi, nay lên hơn 70.000 đồng thì quá kinh khủng”.

img

Khách hàng bức xúc vì phí SMS Banking tăng lên 77.000 đồng

Việc tăng phí dịch vụ tin nhắn SMS Banking được một số ngân hàng lý giải là đã thông tin từ cuối năm ngoái, cùng với quyết định miễn phí nhiều loạt phí dịch vụ ngân hàng điện tử khác.

Phó Giám đốc bộ phận công nghệ của một ngân hàng lớn cho biết, hiện nay khách hàng vẫn sử dụng hình thức nhận thông báo thay đổi số dư và nhận OTP (mật khẩu giao dịch một lần) qua tin nhắn SMS là rất phổ biến.

Trong khi đó, các ngân hàng mới chỉ thu phí đối với dịch vụ thông báo thay đổi số dư mà vẫn chưa thu phí đối với tin nhắn gửi OTP.

Cũng theo vị này, sau hai năm dịch bệnh khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử đã tăng rất mạnh.

“Điện thoại của khách hàng đều cài app ngân hàng để thuận tiện khi thanh toán, chuyển khoản… Cơ bản, các app của bất kỳ ngân hàng nào cũng đều có chức năng thông báo, trong đó có cả thông báo về biến động số dư tới khách hàng. Mà các tin nhắn thông báo này lại hoàn toàn miễn phí. Tại sao khách hàng không tận dụng dịch vụ miễn phí này mà lại dùng dịch vụ trả tiền mà chất lượng có khi không bằng?”, vị này nói và đặt câu hỏi.

Do đó, việc tăng thu phí SMS Banking nhằm khuyến khích khách hàng nhận thông báo biến động tài khoản qua app, qua đó khách hàng được miễn phí và ngân hàng giảm được chi phí trả cho các nhà mạng viễn thông.

Ngân hàng từng muốn giảm giá cước tin nhắn

Câu chuyện cước phí tin nhắn đối với dịch vụ ngân hàng không còn mới mẻ.

Mới nhất, tháng 8/2021 Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có công văn gửi tới Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Bộ này chỉ đạo quyết liệt nhà mạng giảm phí cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng để chia sẻ, giảm bớt gánh nặng chi phí cho ngân hàng khi thực hiện chính sách miễn, giảm phí, hạ, giảm lãi suất tiền vay cho khách hàng trong bối cảnh Covid-19.

Được biết, đó là lần thứ 4 liên tiếp kể từ năm 2020 Hiệp hội Ngân hàng gửi văn bản đề xuất giảm phí.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông giảm giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ tài chính ngân hàng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng thông tin, cước tin nhắn mà các ngân hàng đang trả từ 700 đồng đến 800 đồng/tin nhắn. Cụ thể, đối với doanh nghiệp, MobiFone và VinaPhone đang thu 820 đồng/1 tin nhắn, Viettel thu 785 đồng/1 tin nhắn. Còn đối với cá nhân, Viettel thu 100-300 đồng/tin nhắn, VinaPhone thu 99-350 đồng/tin nhắn, MobiFone thu 200-350 đồng/tin nhắn.

“Mức giá cước này cao hơn 2-3 lần so với mức giá tin nhắn mà ngân hàng đang thu của khách hàng. Thêm nữa, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các ngân hàng đã liên tục giảm phí dịch vụ, trong đó có phí tin nhắn. Nhiều ngân hàng hiện nay đã miễn nhiều loại phí cho khách hàng trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, ông Hùng nói.

Tính sơ bộ, với nhóm ngân hàng nhỏ, với gần 20 triệu tin nhắn mỗi tháng phải trả khoảng 15 tỷ đồng, còn với ngân hàng lớn có khoảng 50 triệu tin nhắn thì mỗi tháng phải trả gần 40 tỷ đồng cho nhà mạng. Và cả hệ thống ngân hàng phải trả cước phí dịch vụ tin nhắn mỗi tháng, mỗi năm là quá lớn.

Đại diện Hiệp hội cũng cho biết, ở đây ngân hàng không có sự lựa chọn. Có nghĩa là khi khách hàng dùng dịch vụ viễn thông của Viettel hay Vinafone thì ngân hàng phải sử dụng dịch tin nhắn của nhà mạng tương ứng. “Ngân hàng muốn chuyển sang nhà mạng khác có cước rẻ hơn cũng không được”, vị này cho hay.

“Nhiều người cứ nói rằng ngân hàng là ngành lãi lớn, hàng nghìn tỷ đồng thì không nên tính toán vài chục tỷ tiền phí cước tin nhắn mỗi tháng. Nhưng khoản nào ra khoản ấy. Nhiều ngân hàng phải bù lỗ cho chi phí cước dịch vụ tin nhắn thì các nhà mạng cũng nên chia sẻ với các ngân hàng trước mắt để chia sẻ với người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh, sau đó là để thực hiện mục tiêu hạn chế giao dịch bằng tiền mặt mà Chính phủ đã đặt ra”, đại diện Hiệp hội ngân hàng nói.

Khi đó, ông Hùng cũng cho biết, trong trường hợp các nhà mạng kiên quyết không giảm giá cước dịch vụ tin nhắn nói trên, các ngân hàng sẽ khuyến khích khách hàng chuyển từ dùng dịch vụ tin nhắn SMS sang OTP.

“Bởi tin nhắn SMS không an toàn, dễ bị giả mạo, lừa đảo. Và trên thực tế, nhiều khách hàng đã mất tiền khi nhận được các tin nhắn lừa đảo như vậy”, đại diện Hiệp hội Ngân hàng nói và cho biết tin nhắn OTP không chỉ miễn phí do ứng dụng ngân hàng số cung cấp, mà còn an toàn và màu sắc cũng đẹp đẽ hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.