Bất động sản

Khách mua DA Vườn Sen căng băng rôn, đòi tiền Cen Land vì bán nhà trái phép

16/08/2020, 18:39

Hàng chục người căng băng rôn, đòi tiền đã đặt mua dự án Vườn Sen trong khi Cen Land tổ chức "câu bán" dự án Wyndham Lynn Times Thanh Thủy...

img
Cen Land bốc thăm trúng thưởng bán dự án Wyndham Lynn Times Thanh Thủy, Phú Thọ ở tầng 3, hàng chục người căng băng rôn đòi tiền dự án Vườn Sen dưới tầng 1

Sáng nay (16/8), trong khi Công ty cổ phần Bất động sản Thế Kỷ (Cen Land) tổ chức bốc thăm trúng thưởng "câu" khách mua dự án chưa được cấp phép xây dựng Wyndham Lynn Times Thanh Thủy, Phú Thọ tại tầng 3 một tòa nhà trên đường Nguyễn Hoàng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội thì tại chân tòa nhà này, hàng chục người căng băng rôn đòi trả lại tiền đặt mua dự án Vườn Sen, Bắc Ninh.

Những khách hàng này đòi lại tiền vì cho rằng Cen Land đã bán nhà trái phép, trước khi Sở Xây dựng Bắc Ninh chấp thuận dự án được phép kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai.

Theo bà Nguyễn Hồng Hạnh, Hà Nội, cuối tháng 6 (27/6/2019) Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh mới chấp thuận cho Công ty Nam Hồng bán nhà ở hình thành trong tương lại tại các lô đất có ký hiệu LO25, LO27, LO28, LO29 Dự án Khu trung tâm thể thao, trường học, các công trình công cộng và Khu đô thị (KĐT) tên thương mại là Dự án KĐT Vườn Sen, phường Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh.

Thế nhưng, trước đó cả tháng (29/5/2019), khi chưa đủ điều kiện bán, Công ty cổ phần BĐS Thế Kỷ (Cen Land) đã đứng ra huy động vốn dưới hình thức hợp đồng đặt mua, thu hàng chục tỷ đồng. Cụ thể: Cen Land ký 8 Hợp đồng đặt mua 8 nhà phố (shophouse) tại LO27 với bà Nguyễn Hồng Hạnh thu về hơn 11 tỷ đồng.

img
Hàng chục phiếu thu tiền bán nhà trước khi dự án được cấp phép huy động vốn

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hoà, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành, các loại hợp đồng có tên như: Hợp đồng góp vốn, hợp đồng vay, ký quỹ, hợp đồng giữ chỗ thiện chí... là hợp đồng dân sự, phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên khi tiến hành ký kết. Hợp đồng có hiệu lực khi có mục đích và nội dung của giao dịch, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Tuy nhiên, trong Luật Kinh doanh Bất động sản đã cấm việc kinh doanh bất động sản không đủ điều kiện theo quy định của luật và huy động, chiếm dụng vốn trái phép.

Cũng theo Luật sư Tùng, chủ đầu tư ký hợp đồng huy động vốn để phát triển nhà ở thì phải có biên bản nghiệm thu hoàn thành xong phần móng (đối với nhà chung cư/nhà hỗn hợp) hoặc phải có biên bản nghiệm thu về việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng tương ứng theo tiến độ dự án (đối với nhà ở liền kề/thấp tầng) và chủ đầu tư phải nộp hồ sơ hợp lệ đề nghị Sở Xây dựng chấp thuận được phép bán; Phải có thông báo đủ điều kiện bán của Sở Xây dựng hoặc hết thời hạn mà Sở Xây dựng không trả lời thì mới được phép bán.

Do đó ký hợp đồng huy động vốn mà chủ đầu tư chưa thực hiện thủ tục nộp hồ sơ lên Sở Xây dựng xin chấp thuận cho phép huy động vốn theo quy định này là trái pháp luật.

Ngoài ra, Chính phủ cũng có quy định về việc cấm chủ đầu tư áp dụng hình thức huy động vốn để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án. “Như vậy, mặc dù khi ký kết các hợp đồng có tên nêu trên là dựa trên sự tự nguyện của các bên nhưng xét về nội dung thì có thể đã vi phạm các quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở… vì thế có thể nói các hợp đồng này là bất hợp pháp”, Luật sư Tùng khẳng định.

Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.