Thời sự Quốc tế

Khai trương tuyến vận tải đường sắt Nga-Trung mới giữa thách thức bủa vây

image

Cách đây ít ngày, một tuyến đường sắt chở hàng mới kết nối thị trấn Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc với Nga đã đi vào hoạt động.

Đây là một phần thuộc tuyến đường sắt China Railway Express (CRE) đóng vai trò quan trọng trong cơ sở hạ tầng kết nối Trung Quốc với châu Âu nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng.

Tuy nhiên tuyến đường sắt mới từ Đường Sơn (Trung Quốc) với Nga đang đối mặt với không ít thách thức liên quan tới chiến sự Ukraine.

Trong những năm qua, CRE đóng vai trò trụ cột trong hoạt động thương mại xuyên lục địa giữa Trung Quốc và châu Âu cũng như với các quốc gia nơi tuyến đường sắt đi qua.

Trong năm nay, tuyến CRE đã được sử dụng để vận chuyển lượng hàng hóa trị giá 240 tỷ USD tới 23 quốc gia châu Âu.

img

Ảnh minh hoạ - Xinhua. Chuyến tàu nối Trung Quốc - châu Âu xuất phát từ tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) đi Moscow (Nga) hôm 18/1

Tuy nhiên, tuyến đường sắt này đã gặp nhiều thách thức sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Lượng hàng hóa xuất khẩu từ Nga qua tuyến đường này giảm 7,7% trong tháng 3, với giá trị hàng hóa vận tải tụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam, một số tuyến vận tải đường sắt thuộc CRE đi qua Ukraine đã buộc phải tạm ngừng hoặc đổi lộ trình.

Tuy nhiên, tờ Global Times, phụ san của Nhân dân Nhật báo Trung Quốc, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc dẫn lời Phó Chủ tịch Ủy ban Điều phối Vận tải CRE Feng Xubin cho biết, thực chất hoạt động tàu đến Kiev đã tạm dừng từ trước khi căng thẳng giữa Nga - Ukraine leo thang.

Việc tạm dừng hoạt động vận tải đường sắt tới Ukraine chỉ có tác động hạn chế, theo dữ liệu từ RZD Logistics - nhà cung cấp logistics lớn nhất trên lãnh thổ Nga và các nước SNG. Năm 2021, lượng container đi qua Ukraine chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng số các chuyến tàu chở hàng trên tuyến Trung Quốc - Châu Âu.

Để giảm thiểu tối đa tác động, các doanh nghiệp này đã thực hiện một số điều chỉnh về lộ trình, chẳng hạn Tuyến Nam Ukraine tạm thời đổi lộ trình sang Tuyến Bắc Ba Lan kết nối thành phố A Lạp Sơn Khẩu, Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Trung Quốc với Belarus, Budapest và Hungary.

Tuy nhiên, ông Feng thừa nhận, tình hình tại Nga và Ukraine vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với hoạt động tàu xuyên biên giới như buộc nhiều nhà xuất khẩu ngừng vận tải hàng hóa tới Nga, Ukraine và nhiều khu vực khác tại châu Âu, Trung Á. Một số hãng vận tải cũng phải hủy lịch trình đã lên lập sẵn.

Các lệnh trừng phạt Nga khiến một số khách hàng châu Âu chuyển sang vận tải đường biển thay vì sử dụng tuyến đường sắt CRE.

Trong bối cảnh tình hình Ukraine có nhiều bất ổn và phương Tây có thể mở rộng trừng phạt Nga, các nhà cung cấp dịch vụ vận tải quốc tế đang theo dõi sát sao và cân nhắc các biện pháp dự phòng trước khả năng xảy ra gián đoạn trong hoạt động của tuyến đường sắt CRE.

Video tuyến đường sắt mới nối Trung Quốc-Nga thuộc tuyến đường sắt CRE

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.