Hạ tầng

Khánh thành cầu Hưng Hà thông đường nối hai cao tốc lớn

25/01/2019, 07:44

Dự án tuyến đường bộ nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 47,7km...

img
Cầu Hưng Hà nối hai tỉnh Hưng Yên - Hà Nam hoàn thành vượt tiến độ 5 tháng - Ảnh: Đình Quang

Ngày 26/1, dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Hưng Hà và tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chính thức thông xe, đưa vào khai thác, mở toang cánh cửa để hai tỉnh Hưng Yên, Hà Nam thu hút đầu tư, phát triển KT-XH.

Cầu gần 3.000 tỷ đồng vượt sông Hồng về đích trước 5 tháng

Dự án tuyến đường bộ nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 47,7km được Bộ GTVT phê duyệt quyết định đầu tư ngày 22/2/2011. Theo đó, tuyến đường được chia thành 3 dự án thành phần gồm: Dự án xây dựng cầu Hưng Hà và đường dẫn hai đầu cầu (Ban QLDA Thăng Long - Bộ GTVT làm chủ đầu tư), dự án xây dựng đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên từ Km 0 - Km 24+930,9 (Sở GTVT Hưng Yên làm chủ đầu tư), dự án xây dựng đoạn qua địa phận tỉnh Hà Nam từ Km 31 - Km 47+543 (Sở GTVT Hà Nam làm chủ đầu tư).

Dự án thành phần có tổng mức đầu tư lớn nhất, cũng là công trình tạo điểm nhấn đặc biệt trên tuyến đường nối hai cao tốc hiện đại nhất Việt Nam là cầu Hưng Hà vượt sông Hồng và đường dẫn hai đầu cầu dài 6,16km, tổng mức đầu tư 2.969 tỷ đồng sử dụng vốn vay từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) Hàn Quốc và vốn đối ứng trong nước do Ban QLDA Thăng Long làm chủ đầu tư.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, cầu Hưng Hà vượt sông Hồng và đường dẫn hai đầu cầu nối hai tỉnh Hưng Yên và Hà Nam có điểm đầu tại Km 24+950 (thuộc xã Phương Chiểu, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) giao cắt với QL39 (Km 38+732 - QL39), điểm cuối tại Km 32+259.98 (thuộc xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Trong đó, phạm vi xây dựng cầu Hưng Hà dài 2,1km, đoạn đường dẫn phía Hưng Yên 2,11km và đường dẫn phía Hà Nam 1,88km.

“Dự án được khởi công vào tháng 5/2016. Theo hợp đồng, dự án sẽ hoàn thành trong 36 tháng, kết thúc vào tháng 5/2019. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT, sự ủng hộ giúp đỡ của chính quyền và nhân dân địa phương, vùng dự án trong công tác giải phóng mặt bằng, đến nay các hạng mục của dự án đã hoàn thành, bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật để thông xe đưa vào khai thác, vượt tiến độ 5 tháng so với hợp đồng”, ông Lâm nói.

Cũng theo ông Lâm, đây là công trình có quy mô lớn và có ý nghĩa rất quan trọng. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ kết nối và nâng cao khả năng khai thác của hai tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tạo động lực lớn để phát triển KT-XH của hai tỉnh Hưng Yên, Hà Nam nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ nói chung.

img
Dự án đường nối hai cao tốc rút ngắn thời gian và khoảng cách giữa hai tỉnh Hưng Yên - Hà Nam - Ảnh: Đình Quang

Rút ngắn thời gian đi lại, tạo cú hích thu hút đầu tư

Đối với dự án thành phần xây dựng tuyến đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên từ Km 0-Km 24+930,9 (nút giao QL39) đi qua 17 xã của 6 huyện, thành phố của tỉnh Hưng Yên có chiều dài 24,93km do Sở GTVT Hưng Yên Làm chủ đầu tư. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Sở GTVT Hưng Yên cho biết, theo quy mô đầu tư hoàn chỉnh nền đường của dự án rộng 22,5m, trong giai đoạn 1 đầu tư phân kỳ thực hiện GPMB theo quy mô hoàn chỉnh, đầu tư xây dựng đường đi một bên, mặt đường rộng 12m, nền đường rộng 11m.

Theo thiết kế, cầu Hưng Hà được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, bề rộng toàn cầu 22,5m gồm 4 làn xe cơ giới, hai làn xe thô sơ, dải phân cách giữa và dải an toàn 1,5m. Kết cấu nhịp chính dùng dầm hộp liên tục bằng bê tông cốt thép dự ứng lực thi công theo phương pháp đúc hẫng cân bằng, kết cấu nhịp dẫn dùng dầm Super-T, mố và trụ cầu dẫn bằng bê tông cốt thép trên móng cọc khoan nhồi đường kính 1,5m, trụ cầu chính dùng dạng trụ thân đặc bằng bê tông cốt thép, móng cọc khoan nhồi đường kính 2m, lớp phủ mặt cầu bằng bê tông nhựa chặt dày 7cm. Nhà thầu thi công là Hyundai Development Company.

Dự án tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng chiều dài 47,7km. Điểm đầu dự án tiếp nối với nút giao liên thông giữa QL39 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Km 20+250 thuộc dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Điểm cuối tuyến tiếp nối với nút giao Liêm Tuyền (Km 230+727 thuộc dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình), xã Liêm Tuyền, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

“Tổng mức đầu tư giai đoạn của dự án là 1.077 tỷ đồng đã bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng cho giai đoạn 2”, ông Sơn nói và cho biết, nguồn vốn đầu tư dự án do địa phương ứng trước và vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020.

Theo ông Sơn, dự án được khởi công xây dựng từ tháng 8/2011. Trong quá trình triển khai, tỉnh Hưng Yên đã ứng kinh phí để GPMB đủ cho cả hai giai đoạn của dự án, nhà thầu ứng vốn thi công xây lắp. Đến tháng 3/2013, dự án đã thực hiện GPMB và thi công đào đất hữu cơ, đắp trả cát nền đường được khoảng 19/24km.

“Do khó khăn về vốn nên công trình sau đó phải tạm dừng thi công. Đến tháng 2/2017, tỉnh Hưng Yên tiếp tục ứng vốn GPMB khoảng 5km còn lại, nhà thầu cũng ứng vốn thi công để hoàn thiện toàn bộ nền, mặt đường và các công trình của dự án. Đến nay, các hạng mục của công trình đã hoàn thành đảm bảo các điều kiện về chịu lực, về an toàn để thông xe”, ông Sơn nói.

Tương tự, đại diện Sở GTVT Hà Nam cho biết, dự án thành phần xây dựng đoạn qua địa phận tỉnh Hà Nam từ Km 31 (nút giao với ĐT499) đến Km 47+543 (nút giao Liêm Tuyền) co chiều dài 15,6km. Về quy mô, dự án giai đoạn hoàn chỉnh nền đường rộng 22,5m, đoạn qua khu đô thị rộng 24m. Dự án cũng được phân kỳ đầu tư, giai đoạn 1 thực hiện GPMB theo quy mô hoàn chỉnh, thực hiện đầu tư xây dựng đường đi 1 bên với bề rộng nền đường 12m, mặt đường rộng 11m.

“Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự án khoảng 923,18 tỷ đồng bằng nguồn vốn đầu tư do địa phương ứng trước và vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020. Dự án được khởi công đầu tháng 10/2014, đến nay đã hoàn thành đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, các điều kiện về ATGT để thông xe đưa vào khai thác, sử dụng”, đại diện Sở GTVT Hà Nam thông tin.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hưng Yên cho biết, sau khi dự án cầu Hưng Hà và hai dự án thành phần thuộc tuyến đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình thông xe, đưa vào khai thác sử dụng sẽ tạo ra hệ thống giao thông kết nối thuận lợi giữa hai tỉnh Hưng Yên - Hà Nam nói riêng và khu vực Đồng bằng Bắc bộ nói chung.

“Trước đây, khoảng cách từ trung tâm tỉnh Hưng Yên đến TP Phủ Lý, Hà Nam chỉ cách nhau khoảng 30km nhưng di chuyển bằng ô tô mất khoảng 40 phút. Bây giờ, dự án tuyến đường nối hai cao tốc hiện đại nhất Việt Nam đã hoàn thành, khoảng cách từ Hưng Yên sang Phủ Lý chỉ 20km, thời gian cũng chỉ mất khoảng 20 phút, tiết kiệm được nửa thời gian so với đi đường cũ”, ông Sơn nói.

Đặc biệt, đối với tỉnh Hưng Yên, đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình là tuyến đường trục dọc kinh tế, hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển quỹ đất để phục vụ phát triển KT-XH của địa phương. “Dọc tuyến đường này chúng tôi đang hình thành khu công nghiệp, đô thị, công nghiệp rộng 3.000ha trải dài từ huyện Ân thi đến huyện Kim Động và Khoái Châu, tạo động lực to lớn để Hưng Yên thu hút đầu tư, phát triển kinh tế”, ông Sơn nói và cho biết, dự án đường nối hai cao tốc không chỉ tạo điều kiện giao thương thuận lợi giữa Hưng Yên với Hà Nam mà còn kết nối giao thông thuận lợi giữa Hưng Yên với Thái Bình.

“Từ Hưng Yên đi trên đường nối hai cao tốc để sang Thái Bình qua cầu Thái Hà rất thuận lợi, nhanh và an toàn hơn tuyến đường cũ rất nhiều. Hơn nữa, dự án còn mục tiêu quan trọng là giảm tải phương tiện cho tuyến QL5, QL1 và giảm áp lực giao thông qua Thủ đô Hà Nội”, ông Sơn chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.