Hồ sơ tài liệu

Khao khát an lành và đoàn tụ ngày Tết của người Việt tại Ukraine

21/01/2023, 14:48

Tết Nguyên đán là dịp để gia đình đoàn tụ, quây quần nhưng với nhiều người Việt ở Ukraine, chuyện tưởng bình dị đó giờ lại quá xa xỉ.

Bởi Tết Nguyên đán năm nay là gần 11 tháng kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, gia đình của nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý, người có 34 năm ở Ukraine, vẫn mỗi người một ngả. Cha mẹ đi sơ tán ở Đức, con gái bám trụ tại Ukraine còn con trai về Việt Nam.

Đấu tranh nội tâm ghê gớm

img

Nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý tham gia đón Tết cộng đồng khi còn ở Ukraine

Tính đến Tết Quý Mão 2023, chị đã phải rời nhà cửa, sơ tán khỏi Ukraine trong bao nhiêu lâu rồi?

Tết Nguyên đán năm nay là hơn 10 tháng chúng tôi đặt chân đến nước Đức. Hiện, hai vợ chồng tôi cùng 3 người Ukraine khác ở trong 1 căn nhà xã hội 3 phòng tại ngoại ô thành phố Dortmund.

Còn gia đình con gái tôi vẫn nhất quyết ở Ukraine vì con được sinh ra, lớn lên, học tập trở thành Thạc sĩ Nhi khoa tại Ukraine, đất nước này đã trở thành một phần máu thịt.

Nhiều tháng sơ tán tại Đức vì chiến tranh loạn lạc, chắc hẳn chị phải trải qua rất nhiều khó khăn, cung bậc cảm xúc?

Chúng tôi không thể quên lúc chuẩn bị lên đường đi di tản, đó là sự đấu tranh nội tâm ghê gớm. Mình phải ra đi thật sao? Phải rời bỏ căn hộ nhỏ bé, chia xa mảnh đất đã gắn bó bao dung mình hơn 34 năm trời? Lẽ nào phải bước chân vào một hành trình chưa có đích đến và một tương lai không rõ ràng phía trước? Tôi ngồi khóc nức nở khiến chồng phải động viên, an ủi mãi...

Cuối cùng, hai vợ chồng cũng quyết định lên đường chỉ với 1 vali chứa mấy bộ quần áo và vật dụng cá nhân tối thiểu. Tất cả diễn ra vội vàng không kịp trở tay.

Cho đến lúc này, tôi vẫn không thể quên những tiếng còi báo động rú vang; tiếng may bay ầm ầm trên bầu trời; những đám cháy rực từ những ngôi nhà, những công trình bị trúng tên lửa hoặc máy bay không người lái tấn công... Những chốt gác lạnh lẽo dọc đường đi; những cánh đồng mờ mịt trong đêm đen tạo cho người ta cảm giác phập phồng lo sợ.

Tiếp đến là những tiếng thở phào nhẹ nhõm khi đã vào được thành phố Lviv, cửa ngõ biên giới với Ba Lan lúc 12h đêm trong dòng người tị nạn khổng lồ; hàng tiếng đồng hồ đứng trong giá rét, tuyết rơi lạnh buốt trên chuyến tàu từ cửa khẩu Lviv - Ukraine sang Peremysh, Ba Lan.

Những cảm giác hồi hộp chỉ lắng xuống khi tàu từ Peremysh vào Thủ đô Warsaw và chúng tôi được phát sim miễn phí, nước uống với đồ ăn nhưng tôi không tài nào ăn nổi.

Trên hành trình ấy còn xen kẽ những nỗi xúc động nghẹn ngào khi bạn bè ở Warsaw đón chúng tôi về nghỉ lúc hơn 1h đêm để 9h sáng lại ra tàu đi đến cửa khẩu Ba Lan - Đức. Suốt dọc đường đi, ở đâu chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các nhân viên tình nguyện quốc tế.

Chặng từ Ba Lan sang Đức thì suôn sẻ hơn. Dù đó là cả chặng đường dài dằng dặc nhưng chúng tôi nhận được những tình cảm bao dung, những ánh mắt yêu thương, những sự hỗ trợ tận tâm.

Quả thực, đó là những cung bậc cảm xúc không thể nào phai mờ trong nhật ký lánh nạn. Chúng tôi luôn ghi khắc trong tim và nâng niu những điều quý giá đó...

Vợ chồng người bạn ở Dortmund đón chúng tôi về nhà lúc 4h sáng ngày 7/3. Sau rất nhiều công đoạn để nộp hồ sơ xin lánh nạn, cuộc sống của chúng tôi đã ổn định và được nhận thẻ cư trú vào cuối tháng 7.

Sau những khó khăn đó, cuộc sống hiện tại của chị ra sao?

Chúng tôi may mắn hơn nhiều người khác là có nơi ở và công việc sớm. Hiện, chồng tôi đi làm ở công ty sushi của Đức từ ngày 30/5. Thời gian đầu thử việc, anh phải đi làm rất xa, dậy từ 4h sáng, đi bộ lên bến xe rồi đi xe bus, chuyển tiếp mấy lần mới đến được nơi làm việc, làm đến 6h - 7h tối mới về. Sau thời gian thử việc, giờ anh đã được làm việc chính thức.

Còn tôi đang giúp trông nom nhà cửa - cách khu ở tạm khoảng 30km. Cuộc sống hai vợ chồng có vất vả nhưng đã bắt đầu ổn định hơn.

Nắm tay, mỉm cười và bước qua!

img

Cô Đỗ Thị Hoa Lý (áo dài tím) chụp ảnh cùng Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch và các học trò trong ngày khai giảng lớp tiếng Việt theo chương trình hợp tác giữa Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine và Trường chuyên ngữ số 251 TP Kiev mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 15/9/2021

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, khi còn ở nhà cũ tại Ukraine, gia đình chị thường đón Tết thế nào?

Ngày còn ở Ukraine chúng tôi vẫn chuẩn bị đón Tết Nguyên đán theo truyền thống Việt Nam. Vui lắm! Các dịch vụ bán hàng Tết cuối năm cũng nhộn nhịp không kém ở Việt Nam.

Hàng Tết từ Việt Nam đưa sang theo đường máy bay kịp thời đáp ứng nhu cầu mọi mặt của người Việt. Chúng tôi cũng tổ chức gói bánh chưng, làm giò chả, nem... nấu các món ăn truyền thống ngày Tết để đón tiếp khách, bạn bè, chúc Tết nhau nhân dịp đầu Xuân.

Chúng tôi còn đón Tết cộng đồng tại Kiev và ở các thành phố tập trung đông người Việt như Odessa, Kharkiv. Tết cộng đồng vui vẻ, đầm ấm và bạn bè hạnh phúc bên nhau chuyện trò sau một năm làm việc miệt mài...

Tết năm nay, gia đình chị chuẩn bị và đón Tết ra sao?

Với Tết Dương lịch, chúng tôi chỉ được nghỉ một ngày theo người Đức. Còn Tết Âm lịch năm nay rơi vào giữa tuần nên có lẽ chồng tôi vẫn đi làm bình thường.

Tại khu vực ở tạm hiện nay, ngoài vợ chồng tôi, không có người Việt nên sẽ khó có hoạt động chung với mọi người, nhưng chắc chắn hai vợ chồng cũng sẽ cố gắng thu xếp để làm đôi ba chiếc nem, chuẩn bị bánh chưng và chút rượu thưởng thức cùng nhau, tận hưởng những khoảnh khắc thiêng liêng, nhìn lại một năm sóng gió. Dẫu thế nào, chúng tôi cũng vẫn có nhau, cùng nắm tay và mỉm cười bước qua.

Con gái chị vẫn đang ở Ukraine, mọi người vẫn thường xuyên liên lạc với nhau chứ?

Theo lời kể của con, sau 7 tháng, nhà để không, lúc trở về toàn bộ cây cối nhà tôi đã chết sạch, chỉ còn lại duy nhất 1 cây xương rồng.

Trong tủ đá vẫn còn chiếc bánh chưng tôi được phụ huynh học sinh biếu từ năm ngoái, hai vợ chồng còn chưa kịp ăn hết đã phải ra đi. Dù sao, năm mới đã đến, cùng với người dân Ukraine, chúng tôi cầu mong hòa bình sớm trở lại trên đất nước Ukraine xinh đẹp và hiền hòa!

Cảm ơn chị!

Cô Đỗ Thị Hoa Lý là nhà văn, nhà thơ khá nổi tiếng, luôn tích cực đóng góp, chia sẻ với báo chí trong nước cũng như báo tiếng Việt tại Ukraine.

Cô cùng gia đình đã sống và làm việc tại Ukraine hơn 34 năm. Cô tham gia dạy tiếng Việt cho nhiều trung tâm như Trung tâm Ngoại ngữ Up & Go từ tháng 11/2018 - 3/2021 và trường phổ thông số 251 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Kiev từ tháng 9/2021.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.