Chuyện dọc đường

Khép lại quá khứ, xây dựng tương lai

18/02/2019, 07:17

Không lãng quên quá khứ, nhưng khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, từ sau 1991, Việt Nam và Trung Quốc đã chính thức bình thường hóa quan hệ.

img
Xác xe tăng Trung Quốc bị bắn gục tại bản Sẩy (Hòa An, Cao Bằng) - Ảnh:Trần Mạnh Thường - Đồ họa: Nguyễn Tường

Kỷ niệm 40 năm Chiến tranh biên giới phía Bắc (1979-2019), cả dân tộc đều hướng về miền biên viễn, tưởng nhớ những người dân vô tội đã khuất, tri ân những người lính đã anh dũng hy sinh xương máu trên mặt trận phía Bắc để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.

Trong cuộc chiến đấu ấy, sự hy sinh mất mát, đau thương không có bút mực nào diễn tả hết. Nhưng trong mất mát, đau thương, vẫn rất đỗi tự hào. Bởi đó là cuộc chiến tranh chính nghĩa, quân và dân các tỉnh biên giới nói riêng cũng như cả nước đã anh dũng chiến đấu, “sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử” để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Thế nhưng, khi tiếng súng ngừng, quân và dân ta ngay lập tức bắt tay vào công cuộc kiến thiết các tỉnh vùng biên giới chịu ảnh hưởng trong cuộc chiến. Với truyền thống hoà hảo, yêu chuộng hoà bình, người dân Việt đã từng bước xây dựng được tinh thần đoàn kết dân tộc giữa các quốc gia. Bởi nói như Đại tá Nguyễn Kim Chung, nguyên Chỉ huy phó Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang - một trong những nhân chứng lịch sử đã từng chiến đấu trong cuộc chiến biên giới phía Bắc: “Ký ức đã lùi xa, chúng ta chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, chiến đấu để chống lại quân xâm lược chứ chúng ta không chiến đấu để chống nhân dân nước láng giềng. Họ vốn là bạn của ta, họ cũng rất cần cù lao động, cũng có nguyện vọng hòa bình, hợp tác hữu nghị và phát triển. Vì vậy ngày nay, chúng ta cần phải xây dựng tình đoàn kết các dân tộc giữa các quốc gia”.

Không lãng quên quá khứ, nhưng khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, từ sau năm 1991, Việt Nam và Trung Quốc đã chính thức bình thường hóa quan hệ, hai Đảng, hai Nhà nước tuyên bố phát triển mối quan hệ hữu nghị và láng giềng thân thiện trên cơ sở 5 nguyên tắc: Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và cùng tồn tại hòa bình.

Từ khi bình thường hóa quan hệ đến nay, dù còn tồn tại những bất đồng, những điểm khác biệt, song thực tiễn đã chứng minh về tổng thể, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc đã khôi phục nhanh, phát triển mạnh. Trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao, hai bên đã thường xuyên duy trì cơ chế hợp tác song phương. Trên lĩnh vực kinh tế, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều không ngừng gia tăng. Trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, hợp tác giữa hai nước càng ngày càng gắn kết. Về biên giới lãnh thổ, Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn thành việc cắm mốc biên giới trên đất liền, Hiệp định phân định Vịnh Bắc bộ…

Theo số liệu sơ bộ, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam; Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 8 của Trung Quốc trên thế giới. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc trong 11 tháng năm 2018 đạt gần 97,8 tỷ USD. Tính lũy kế đến cuối tháng 9/2018, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam 2.041 dự án, với số vốn đăng ký 12,78 tỷ USD, đứng thứ 7 trong số 129 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Khi hợp tác và hữu nghị đóng vai trò chủ đạo trong sự phát triển của quan hệ hai bên, thì đó cũng là điều phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước và phù hợp với xu thế hòa bình, hợp tác cùng phát triển của thời đại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.