Xã hội

Khi gặp bão biển, ngư dân cần làm gì?

16/08/2020, 08:02

Nhiều trường hợp, tàu của ngư dân bị đánh chìm do di chuyển nhầm hướng, thay vì tránh bão, lại đưa tàu vào vùng tâm bão…

img
Đế tránh bị gió bão đánh chìm thuyền, trong trường hợp bị lọt vào vùng tâm bão, thuyền trưởng nên thả cho tàu chạy theo hướng gió nhưng hơi chếch về phía tay phải so với hướng gió (chếch khoảng 15 - 20 độ)

Cảnh báo siêu bão có thể xuất hiện vào cuối năm

Nhận định về mùa bão năm nay, ông Lê Thanh Hải, Thư ký Hội Khí tượng - Thủy văn cho biết: Một số cơ quan khí tượng của Mỹ, Nhật Bản, Philippines… có chung dự báo toàn bộ các khu vực ở bắc bán cầu sẽ xuất hiện thiên tai nhiều hơn so với trung bình hàng năm.

“Ngoài xuất hiện muộn, mùa bão năm nay đang trùng với thời kỳ ENSO trung tính nghiêng về pha lạnh và trước cuối năm có thể chuyển sang La Nina, nên bão có thể nhiều về số lượng, mạnh về cường độ và dồn dập vào cuối mùa, từ tháng 10 đến tháng 12”, ông Hải nhận định.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020, sẽ xuất hiện khoảng 11 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó có 5 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Bão tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và phía Nam trong những tháng nửa cuối năm 2020.

“Trong số 5 - 6 cơn bão dự kiến đổ bộ vào Việt Nam, bão mạnh là 2 - 3 cơn, 1 - 2 cơn rất mạnh, 2 - 3 áp thấp nhiệt đới và cần phải đề phòng có thể có cả một cơn siêu bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển, quần đảo, đảo và đất liền”, ông Hải nói và cảnh báo: “Hai năm liên tiếp 2012 và 2013 trên Biển Đông đã xuất hiện siêu bão (cấp 15 trở lên), sau đấy ít gặp lại. Mùa bão năm nay cần đề phòng, cảnh giác cao với sự xuất hiện trở lại của siêu bão”.

Trước tình hình trên, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) nhìn nhận, bão dồn dập xuất hiện cuối năm sẽ tạo nên những bất lợi đối với công tác phòng, chống thiên tai, đặc biệt là phía Nam, nơi chưa có nhiều kinh nghiệm chống mưa bão. “Những năm gần đây, việc thực hiện nhiều giải pháp cùng với chất lượng dự báo bão được nâng cao giúp giảm thiệt hại về người, tàu cá hoạt động trên biển. Cụ thể, số người chết và mất tích bình quân năm trong 5 năm 2011 - 2015 là 226 người/năm, giảm 53% so với giai đoạn 2006 - 2011; hầu hết các trận bão, áp thấp nhiệt đới gần đây đã không có người chết trên biển, trên tàu thuyền neo đậu ở bến”, ông Hoài cho biết.

Kỹ năng ứng phó khi gặp bão, áp thấp nhiệt đới trên biển

img
Ngư dân khi hoạt động trên biển cần giữ liên lạc thường xuyên, hàng ngày cập nhật kịp thời các bản tin dự báo thời tiết biển

Để bà con ngư dân, người đi biển liên tục được cập nhật các thông tin về thời tiết biển, tin bão, áp thấp…, hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam phát tin dự báo thời tiết biển, cảnh báo thiên tai hàng ngày trên tần số 7906 KHZ. Trong điều kiện thời tiết bình thường, bản tin được phát 15 phút một phiên (sáng từ 5h20 - 9h20, chiều từ 17h20 - 21h20).

Trong điều kiện thời tiết có bão gió, áp thấp, hệ thống phát bản tin được phát liên tục 15 phút một phiên 24/24h đồng thời trên tần số 7906 kHz và kênh 16 VHF. Trong trường hợp ngư dân lỡ mất bản tin trước, có thể chờ đến lần phát tiếp theo để nghe lại, nhanh chóng có kế hoạch di chuyển tàu, tránh bão an toàn.

Tuy nhiên, thực tế khi bão, áp thấp xảy ra, vùng ảnh hưởng của bão nằm trên một diện tích rộng có bán kính từ vài chục đến vài trăm km tùy theo cường độ cơn bão. Do đó, có nhiều trường hợp, nhiều ngư dân khi trên đường tránh bão, khi đang ở ngoài rìa cơn bão lại vô tình lọt vào tâm bão, dẫn đến tổn thất nhân mạng và tài sản.

Theo các chuyên gia, bão biển luôn tạo ra bởi những cơn gió mạnh, theo phương gần như tiếp tuyến với tâm bão theo chiều ngược chiều kim đồng hồ tính từ tâm bão.

Do vậy, nếu ngư dân đang ở giữa biển, khi thấy gió mạnh, biết mình đang ở trong vùng ảnh hưởng của bão thì hãy bình tĩnh phân tích: Nếu vị trí đứng cùng chiều với hướng gió bão (xoay phía lưng về hướng gió), thì phía tay trái dang ngang sẽ là vị trí vùng tâm bão đang hoạt động. Vì vậy, tuyệt đối không được cho tàu đi về hướng này vì chắc chắn sẽ đi vào chỗ chết.

Khi đã biết được thông tin hướng di chuyển của cơn bão, xác định vị trí tương đối của tàu so với cơn bão, ngư dân hoàn toàn có thể chọn được hướng tối ưu nhất để đưa con tàu của mình thoát ra khỏi cơn bão an toàn. Chẳng hạn, nếu nghe đài dự báo bão sẽ đi theo hướng Tây, nhưng sau khi phân tích hướng gió, ngư dân xác định tâm bão đang ở phía Đông của con tàu thì không được chạy tránh bão theo hướng Tây vì cơn bão sẽ đuổi kịp tàu và thiệt hại sẽ nặng nề. Lúc này, nên cho thuyền chạy theo hướng Bắc hoặc hướng Nam mới hy vọng tránh được vùng tâm bão.

Trong trường hợp bị lọt vào vùng tâm bão, thuyền trưởng nên thả cho tàu chạy theo hướng gió, nhưng hơi chếch về phía tay phải so với hướng gió (chếch khoảng 15 - 20 độ theo hướng gió là tốt nhất), từ từ thoát ra khỏi vùng tâm bão.

Tuyệt đối không được cho tàu chếch về phía tay trái theo hướng gió vì đó là hướng của tâm bão; Không nên dùng neo để giữ con tàu chống chọi với sóng to gió lớn vì tàu sẽ bị đứt neo hoặc vỡ, dẫn đến chìm tàu; Không cho tàu chạy theo phương vuông góc với hường gió khi gió quá mạnh vì sóng sẽ đánh vỡ mạn tàu; Thả bớt vật nặng xuống biển để giảm tải trọng của tàu…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.