Văn hóa - Giải Trí

Khi hát nhép được công khai trên sóng truyền hình

22/08/2016, 01:05

Hát nhép vốn là hành vi bị cấm khi biểu diễn, nhưng giờ đây, nó lại được công khai phát sóng trên truyền hình.

Hương Giang Idol say mê hát nhép trong chương trìn

Hương Giang Idol say sưa hát nhép trong chương trình “Kỳ phùng địch thủ”

Hát nhép vốn là hành vi bị cấm khi biểu diễn trong nghệ thuật, nhưng giờ đây, nó lại được công khai phát sóng trên truyền hình dưới hình thức một gameshow. Đáng nói là người tham gia có cả ca sĩ.

Gameshow hát nhép tung hoành

Khi những gameshow ca hát, bắt chước người nổi tiếng dần trở nên bão hòa, quen thuộc đến mức nhạt nhẽo thì những gameshow với format mới lại bắt đầu xuất hiện với nhiều cách chơi để thu hút được khán giả. Trong số ấy, có hai gameshow mới toanh là Kỳ phùng địch thủ và Tuyệt chiêu siêu diễn. Nói một cách thẳng thắn, đây là hai gameshow có chứa nội dung phần lớn là hát nhép. Ở đó, người chơi không chỉ hát nhép sao cho đúng mà còn phải biết diễn xuất, còn MC, giám khảo và khán giả ở dưới hò reo, cổ vũ nhiệt tình. Chưa bao giờ, hát nhép lại được một số nhóm làm nghề cổ vũ công khai trên sóng truyền hình như thế.

Kỳ phùng địch thủ (phát sóng thứ 7 hàng tuần trên kênh HTV7 do Đông Tây Promotion sản xuất) dựa trên format đình đám Lipsync battle của Mỹ và thu hút sự chú ý nhờ có sự tham gia “cầm trịch” của ba nhân vật đang rất “hot” hiện nay là “nữ hoàng nội y” Ngọc Trinh, MC Trấn Thành và danh hài Vân Sơn. Trong chương trình, người chơi phải trải qua 3 vòng thi và cả ba vòng đều là hát nhép với cấp độ khó tăng dần. Gameshow có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ thuộc các lĩnh vực như MC, diễn viên và cả những ca sĩ như: Hương Giang Idol, Hari Won, Hoàng Yến Chibi…

Chương trình Tuyệt chiêu siêu diễn (phát sóng thứ 4 hàng tuần trên kênh HTV7 do Công ty Điền Quân Media sản xuất) cũng được cổ vũ nhiệt tình dù bị không ít người đánh giá là quá lố lăng và nhảm nhí vì hành vi giả gái liên miên gây phản cảm. Thế nhưng, chương trình được mô tả bằng ngôn ngữ mĩ miều là “một sân chơi mới hội đủ 3 yếu tố sáng tạo - trình diễn - âm nhạc dành riêng cho những bạn trẻ yêu thích nghệ thuật diễn xuất. Người chơi sẽ phải nhép và trình diễn một ca khúc quen thuộc theo một cách thức hoàn toàn mới”. 

Phải thừa nhận, sự ra đời của các gameshow này đã tạo sự sôi động, hài hước và thu hút một lượng khán giả truyền hình. Nhưng còn sự hưởng ứng của khán giả và những người trong nghề phải chăng là đang cổ súy cho một hành vi vốn bị cấm và kỳ thị trong nghệ thuật biểu diễn?

Chỉ dựa vào đạo đức của người làm nghề

Là một trong những ca sĩ từng lên án vấn nạn hát nhép trong showbiz Việt, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khá thoải mái với những gameshow hát nhép như thế này. Theo anh, những gameshow chỉ là một trò chơi để mua vui, giải tỏa căng thẳng cho khán giả và bên nước ngoài cũng làm vậy nên không có gì ghê gớm và đáng trách. Anh cho rằng, chẳng qua Việt Nam không có từ nào khác để sử dụng nên phải dùng từ hơi nhạy cảm là “hát nhép”.

Do đó, nếu tìm được từ nào hay mà chính xác hơn thì các gameshow này sẽ thuyết phục khán giả hơn. Tuy nhiên, Mr. Đàm cũng chỉ ra những gameshow để tạo tiếng cười thì giám khảo chỉ nên là những nghệ sĩ kịch nói hoặc diễn viên hài. Đặc biệt, phải xác định rõ đối tượng người chơi. Những ca sĩ thiên về biểu diễn sân khấu thì không nên tham gia, bởi tính chất của chương trình như vậy là khá nhạy cảm với những nghệ sĩ hoạt động âm nhạc.

Khi làm những chương trình sử dụng âm nhạc thì hãy có tâm đối với thế hệ trẻ, để chương trình có thể đóng góp, bồi bổ thẩm mỹ cho công chúng. Những gameshow thi hát nhép cũng chỉ là trò chơi. Giống như có những gameshow chỉ để thỏa tham vọng kinh doanh của nhà sản xuất mà không quan tâm tới nội dung. Nó có thể gây ra những định hướng lệch lạc về tư duy thẩm mỹ và lối sống cho lớp trẻ”. 

Nhạc sĩ Minh Châu

Ý kiến của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hoàn toàn có sơ sở bởi hát nhép chỉ bị cấm trong biểu diễn trực tiếp, còn trong gameshow giải trí đơn thuần thì cũng không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi chương trình lên sóng, các ca sĩ tham gia trong chương trình và được cổ súy sự “nhép” sẽ ảnh hưởng nhiều tới tâm lý nghệ sĩ. Và khán giả cũng coi chuyện nhép là bình thường. Vậy nên, NSND Lê Tiến Thọ từng nói, gameshow luôn gắn với văn hóa của xã hội nên nó mang tính tuyên truyền văn hóa. Như thế, có nên không những chương trình cổ vũ cho một loại hình văn hóa thiếu chuyên nghiệp và mang tính rẻ tiền.

Nhạc sĩ Minh Châu nhìn nhận, những gameshow mang lại nhiều lợi nhuận nên các nhà sản xuất cứ đổ xô làm mà thiếu quan tâm tới chất lượng và nội dung chương trình có tác động gì hay không. Trong khi đó, các nhà quản lý cũng còn lơi lỏng và không kiểm soát được chặt chẽ những chương trình liên quan đến văn hóa và tiền bạc như thế này. Do đó, đây là vấn đề ý thức và lương tâm của những người làm nghề.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.