Xem - ăn - chơi

Khôn ăn người

06/12/2015, 13:28

Quả là từ những cái liếc ngang, liếc dọc của mợ Hoàn mà bao nhiêu của nả tự bò về cửa nhà mợ.

Khôn ăn người. Ảnh minh họa..
Ảnh minh họa.

Phương ngôn có câu “khôn ăn người”, dường như để chỉ đích danh bà Hoàn vậy. Suốt thời trẻ, bà “ăn người” bằng mắt. Đố có thằng đàn ông nào không bị “rôm cắn” bởi cái nhìn của “mợ Hoàn”. Sao mà nó ướt át, lóng lánh, nhiều ý tứ làm vậy. Chả thế có lần cáu tiết bị chồng dọa “xiên cho mù mắt”, mợ Hoàn bĩu môi: “Cắt cái dạ dày quen ních rượu với thịt chó đi thì cứ việc chọc mù mắt gái này”. Quả là từ những cái liếc ngang, liếc dọc của mợ Hoàn mà bao nhiêu của nả tự bò về cửa nhà mợ.

Về già, bà Hoàn “ăn người” bằng miệng. Với tài khéo nói, bà lừa từ xóm trên đến xóm dưới, làng trong ra làng ngoài rồi lại vòng về điểm xuất phát. Ai cũng biết bà lừa nhưng không ai đủ sức để tránh trước. Thế mới lạ cho người đời.

Đột nhiên bà Hoàn xúng xính hẳn lên. Bà đeo vàng đầy tay, đầy cổ, mua một “con SH” để đấy, thỉnh thoảng dắt ra “đề” chơi, bóp còi inh ỏi. Bà bảo cho cả tổng biết rằng, bà thừa của thì kệ xác bà, đứa nào ghen tức, thối miệng bà gọi đầu gấu móc mắt ra xem ai dám động đến một sợi lông chân bà.

Thiên hạ sợ lời dọa của bà thì ít mà sợ tiền của bà thì nhiều. Nhưng bà Hoàn bốc ở đâu ra trong nháy mắt ngần ấy của? Đấy là điều vẫn hoàn toàn bị giữ kín, không ai giải thích nổi.

Trước đó vài tháng, bà Hoàn bỏ ra phố mấy hôm. Sau đó cứ độ một tháng bà lại “khăn áo” lên đường. Thoáng có người nom thấy bà ngồi trong chiếc xe con bóng loáng đợi sẵn bà ở một chỗ khuất nẻo đầu làng bên. Tất cả mới độ dăm bận.

Cũng thời gian trên, trong làng có 4-5 cô gái con nhà lành tự dưng biến mất. Thời buổi này việc ra phố làm ăn thành cái sự thường. Chỉ những gia đình có người thân bỏ làng là xôn xao mấy hôm. Rồi nghe nói hàng tháng các cô gái kia đều gửi tiền về. Tất cả cũng mới chỉ là tin đồn. Nhưng bà Hoàn sắp xây nhà ba tầng thì thật trăm phần trăm.

Đúng thời điểm bà Hoàn đánh tiếng thuê nhân công thì một trong năm cô gái từng bỏ nhà ra phố bỗng dưng lòe loẹt xuất hiện ở làng. Toàn thân cô bốc ra thứ mùi đặc biệt: Nước hoa trộn mồ hôi, phảng phất mùi tây, mùi tàu... không sao lọt lỗ mũi người nhà quê. Đám trai làng là khoái trí hơn cả vì cô Thoản xem ra rất dễ dãi trong khoản xiêm áo. Cứ là no mắt! Miệng cô đỏ lòe trong khi đó chân tay óng ánh màu chì.

- Chị Thoản làm thư ký giám đốc à?

Cô Thoản bĩu môi:

- Giám đốc là cái quái gì. Còn có loại... cụ giám đốc ấy chứ.

Sáng hôm sau chẳng ai để ý thấy cả nhà bà Hoàn nín thở khi cô Thoản rẽ vào ngõ nhà bà. Cô tự tay mở rộng cửa rồi cười ré lên:

- Bà chị của em trốn đâu rồi. Em về để bắt đền chị đây.

Bà Hoàn vờ bả lả chạy ra nhưng mắt nhìn trước nhìn sau:- Khỉ gió nhà cô! Tưởng theo thằng béo vào Nam rồi.

- Thằng Béo, thằng Xồm, thằng Phệ... Thằng nào cũng tởm kinh người. Mùi mỡ chúng nó còn ám vào em đây này.- Cô khâu mồm lại cho tôi nhờ. Thế bao giờ lại đi?

- Chính em sang để hỏi chị đây.

- Sao lại hỏi tôi?

- Khiếp, khôn vừa vừa thôi. Ăn “dày” thế chả sợ béo nứt ra à?

Bà Hoàn ức mửa mật nhưng đành cắn răng rút chiếc nhẫn đưa cho cô Thoản. Cô Thoản tươi cười quay ra, tay xoay xoay chiếc nhẫn: “Eo ơi, chị cho em thứ “xanh” thế”.

Ba ngày sau, đến lượt cô Tình mò về. Cô mặc chiếc quần xẻ tà đến bẹn, phì phèo ngậm điếu thuốc, ăn nói rặt một giọng khiêu khích đàn ông. Giống cô Thoản, nhà đầu tiên cô Tình đến là nhà bà Hoàn. Lần này mọi việc diễn ra trong im lặng để vài hôm sau cô lại ra phố.

Bà Hoàn bí mật đem gửi chiếc SH, tháo hết lắc vàng vòng ngọc cất đi. Nhưng bà chậm chân hơn cô Công, cô Ngọc. Dường như hai cô đang sốt ruột chờ đến lượt, đã lù lù đợi sẵn bà ở lối rẽ.- Em kính chào bà chị!

- Chúng em kính chào bà chị!

- Chào hai cô - bà Hoàn cố nặn ra một nụ cười

- Các cô về bao giờ?

- Hì hì... bà chị còn nợ chúng em đấy.

- Các cô đừng đùa kẻo tôi mang tiếng.

- Thôi được, tối bọn em sang. Bà Hoàn toát hết cả mồ hôi. Tối, bà đợi sẵn ở cổng. Vừa thấy hai bóng đen bèn giúi qua lớp rào một gói nhỏ, giọng sắc như dao:

- Chia đôi, rồi cuốn đi cho sớm.

- Đủ chưa ạ?

Bà Hoàn ngoảnh đít quay vào. Nhưng hai cô vội gọi giật bà lại:

-Ấy, bà chị…

- Gì nữa?

- Tháng sau, ngày mấy, bọn em cử người về?

- Về hay không, liên quan gì đến tôi? Vớ vẩn mấy cô này.

- Phải về để lĩnh lương? Mụ chủ bảo lương tháng tụi em gửi ở chỗ chị.

Bà Hoàn nghiến răng:

- Hết rồi, cút đi!

Cô Ngọc dịu dàng:

- Bà chị còn phải trả cả lương chờ việc nữa đấy, đủ cho cả năm đứa tôi. Nếu không... Cô bỏ lửng rồi cười phá lên, tiếng cười nghe như thủy tinh vỡ. Sáng sớm tinh mơ hôm sau bà Hoàn lặng lẽ bỏ làng ra đi. Không ai biết bà đi đâu. Chỉ có cụ thủ từ dậy sớm uống trà nom thấy một bóng người tùm hụp trong nilon, bước luật quật trong mưa phùn gió bấc.

Tin Liên quan

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.