Thời sự

Không chấp nhận người ấn nút thông qua luật lại phạm luật

16/06/2015, 06:28

Quốc hội sẽ có phiên họp riêng để thảo luận về việc bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với bà Châu Thị Thu Nga...

chau thi thu nga
Bà Châu Thị Thu Nga (giữa) bị bắt tạm giam

 Chiều mai (17/6), Quốc hội sẽ có phiên họp riêng để thảo luận về việc bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với bà Châu Thị Thu Nga (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội). Sau đó, chiều 18/6, Quốc hội sẽ tiếp tục họp riêng để bỏ phiếu, thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với bà Nga.

Trao đổi với Báo Giao thông bên hành lang Quốc hội ngày 15/6, ĐB Nguyễn Sỹ Cương, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, ĐBQH là một người được dân bầu ra với những uy tín và những trách nhiệm được quy định rõ ràng trong luật. Có khi bầu ra không có vấn đề gì, nhưng trong quá trình hoạt động mà không có uy tín, đi ngược với quyền hạn và trách nhiệm của chính bản thân mình, không xứng đáng với niềm tin của người dân thì đương nhiên phải bị bãi nhiệm. “Mỗi khi phải bãi nhiệm một ĐB nào đó hoặc chứng kiến một ĐB nào đó có sự sai lầm thì chính bản thân tôi là một ĐBQH, tôi cũng thấy rất đau lòng”, ông Cương chia sẻ.

Bà Châu Thị Thu Nga là một trong hai nữ đại biểu tự ứng cử bị xem xét bãi nhiệm tư cách ĐBQH vì có hành vi vi phạm pháp luật. Dù không thể vì một, hai trường hợp như bà Nga mà đưa ra đánh giá chung về chất lượng của các ĐBQH tự ứng cử, nhưng theo ông Cương, chất lượng này cũng là điều phải suy nghĩ. “Trong những khóa Quốc hội tới, có thể thêm nhiều người ứng cử, cần có cách kiểm soát nhân thân, đạo đức cũng như trình độ chuyên môn của họ để chất lượng ĐB tốt hơn”, ông Cương đề xuất và cho biết thêm, không loại trừ việc nhiều ĐB lợi dụng tư cách này để thực hiện mục đích riêng hay có các hành vi vi phạm pháp luật, nhưng để xác định được điều này không hề dễ.

Theo ông Cương, Ban Công tác đại biểu là cơ quan giúp Quốc hội kiểm soát hoạt động của các ĐB. Ngoài ra, ban này còn có vai trò giám sát của Mặt trận cũng như người dân. Vì thế, với bất cứ sự phản ánh nào của người dân, của Mặt trận Tổ quốc hay của đoàn thể nào đó liên quan đến phẩm chất đạo đức hay biểu hiện vi phạm của ĐB thì cần có sự xem xét kịp thời và tìm hiểu một cách thấu đáo, tránh trường hợp có ĐB bị người dân phản ánh rất nhiều, rất lâu mà không được xem xét.

“Đã xác định mình là ĐBQH thì phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Mình phải là tấm gương trong việc chấp hành pháp luật để người dân nhìn vào và thấy thực sự Quốc hội là lĩnh vực, là cơ quan thực sự có những người xứng đáng với vị trí đó. Anh là người tham gia ấn nút thông qua các dự án luật mà lại vi phạm pháp luật là không thể chấp nhận được”, ông Cương nêu quan điểm.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM cũng cho rằng, ĐBQH vi phạm đến mức bị bãi miễn trách nhiệm ĐB thật sự là một việc đáng tiếc, làm tổn thương niềm tin của cử tri. Với tư cách là một nữ ĐBQH, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng, sự việc này là một sự mất mát lớn lao, nhất là trong xu hướng chúng ta đang khuyến khích tăng số lượng ĐBQH nữ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.