Hạ tầng

Không để đường hỏng rồi mới sửa

12/05/2016, 14:27

Bộ trưởnng Bộ GTVT chỉ đạo công tác bảo trì đường bộ cần tránh để đường hỏng rồi mới sửa, sẽ tốn kém thêm.

1

Công tác bảo trì đường bộ cần được làm thường xuyên ( Trong ảnh: Công nhân CIENCO 4 đang bảo trì cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa) - Ảnh: Tạ Tôn

Chỉ đạo tại buổi làm việc với Tổng cục Đường bộ VN hôm qua (11/5), Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng, mỗi việc làm của Tổng cục Đường bộ VN đều được xã hội quan tâm và ảnh hưởng trực tiếp tới người dân. Do đó, đơn vị này cần thực hiện tốt mọi nhiệm vụ, đặc biệt công tác bảo trì đường bộ cần làm thường xuyên, tránh để đường hỏng rồi mới sửa, sẽ tốn kém thêm chi phí.

Nếu có yếu kém, phải xem lại năng lực cán bộ

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 4 tháng đầu năm, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN nêu lên nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể là tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường bộ tại các địa phương còn diễn ra phức tạp; sự phối hợp giữa các Cục, Chi cục Quản lý đường bộ (QLĐB) với các Sở GTVT hiệu quả chưa cao; vẫn còn số ít xe quá tải đường dài và xe hoạt động trong phạm vi địa phương chở vật liệu xây dựng tại các công trình, dự án... Bên cạnh đó, nguồn vốn đáp ứng cho công tác XDCB gặp nhiều khó khăn; hoạt động quản lý vận tải diễn biến phức tạp.

"Giờ các đồng chí báo cáo chỉ còn 10% xe quá tải thì đó là sự nỗ lực rất lớn. Hình ảnh Bộ trưởng Thăng cùng các Bí thư, Chủ tịch tỉnh ra đường xử lý xe quá tải có hiệu ứng rất lớn. Thời gian tới, Báo Giao thông có nên chọn một vài tỉnh còn vướng về xử lý xe quá tải để làm chuyên đề quản lý tải trọng xe không? Có nên mở chuyên mục xếp hạng các tỉnh có vi phạm xe quá tải nhiều hay không. Trách nhiệm của chúng ta là phải đánh giá vai trò của địa phương ở đây như thế nào?”.

Bộ trưởng
Trương Quang Nghĩa

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng, những năm qua nhiều tuyến đường mới đã được hình thành, Tổng cục Đường bộ VN có nhiều đóng góp trong tham mưu xây dựng cơ chế chính sách để quản lý hệ thống đường bộ tốt hơn. Quỹ Bảo trì đường bộ ra đời thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đối với việc bảo đảm sự êm thuận của hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ. Vì vậy, công tác bảo trì đường bộ cần được chú trọng và làm thường xuyên tránh để hỏng rồi mới sửa, khi đó sẽ tốn kém thêm chi phí. Thời gian qua, Tổng cục Đường bộ VN đang phát huy tốt chức năng quản lý Nhà nước, công tác đấu thầu quản lý đường được thực hiện có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp.

Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, vì có doanh nghiệp ngoài tham gia bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông nên việc can thiệp vào doanh nghiệp bị hạn chế, Bộ trưởng khẳng định: “Khi việc đấu thầu và thực thi hợp đồng được thực hiện nghiêm túc, việc giám sát, chỉ đạo thực hiện sẽ mạnh hơn. Nếu có yếu kém, phải xem lại năng lực cán bộ, cũng như các điều khoản trong khi ký hợp đồng và thực thi hợp đồng”.

“Mỗi việc làm của Tổng cục đều được xã hội quan tâm và ảnh hưởng trực tiếp tới nhân dân. Thời gian qua, trong cách tiếp cận vấn đề đã kéo các địa phương, các bộ, ngành cùng vào cuộc để đạt được kết quả như hiện nay. Cần hiểu đó là nỗ lực của toàn xã hội, trong đó ngành GTVT là nòng cốt”, Bộ trưởng nói.

Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng cũng chỉ đạo các vấn đề Tổng cục Đường bộ VN cần làm tốt trong thời gian tới như: ATGT, kiểm soát tải trọng xe, tái cơ cấu vận tải, quản lý bảo trì đối với đường BOT...

2
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc với Tổng cục Đường bộ VN - Ảnh: Tiến Mạnh

Kiến nghị lại định mức bảo trì đường bộ

Trước đó, tại buổi làm việc, lãnh đạo các cục, vụ của Bộ GTVT đã đóng góp nhiều ý kiến làm sáng tỏ các vấn đề còn vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đường bộ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

Lãnh đạo các Cục Quản lý đường bộ (QLĐB) thuộc Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, định mức bảo dưỡng thường xuyên hiện nay quá thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo dưỡng thường xuyên. Ông Trần Văn Sơn, Cục trưởng Cục QLĐB I cho biết, định mức 25 triệu đồng/km/năm như hiện nay chỉ đủ để giải quyết chi phí nhân công, không thể đủ chi phí vật liệu để trám vá ổ gà, sửa chữa một số hạng mục như sơn vạch kẻ đường, đảm bảo ATGT.

"Thời gian qua, Tổng cục Đường bộ VN đã làm rất mạnh việc chuyển đổi mô hình cả về tổ chức mô hình quản lý lẫn con người. Mô hình hiện nay có thể nói là đã đáp ứng được xu thế phát triển mới. Tuy nhiên, đến nay, cần đánh giá toàn diện về mô hình này để hoàn thiện. Chẳng hạn cách đây khoảng 5-6 năm chúng ta chưa nghĩ đến việc quản lý hệ thống đường cao tốc hay quản lý Nhà nước với các dự án BOT. Đến nay, khi đã thực hiện mạnh xã hội hóa đầu tư và có rất nhiều đường cao tốc đi vào khai thác, cần phải nghiên cứu để quản lý”.

Thứ trưởng Bộ GTVT
Lê Đình Thọ

Ông Võ Đình Dũng, Cục trưởng Cục QLĐB III cho rằng, công tác bảo dưỡng thường xuyên trước đây giao cho các công ty sửa chữa dùng ngân sách Nhà nước luôn ở mức 60 triệu đồng/km/năm. Theo đánh giá, mức này mới đáp ứng được 50 - 60% yêu cầu. Việc không áp dụng định mức này mà ấn định mức 25 triệu đồng/km/năm là rất khó khăn...

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, trước đây, tiền dành cho công tác bảo dưỡng thường xuyên vào khoảng 1.500 - 2.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc giao đó không rõ ràng nên Bộ GTVT đã cắt giảm 50%. “Đây là Bộ GTVT giao Tổng cục để thử nghiệm xem hiệu quả đến đâu, số vốn còn lại để dành cho sửa chữa tập trung. Nếu lại quay về phương án cũ mà thấy đâu cũng có ổ trâu, ổ gà thì rất phức tạp nên cần có hội thảo để nghiên cứu tỷ lệ cần bao nhiêu để đưa ra giải pháp tốt nhất”, Thứ trưởng Trường nói.

Tại cuộc họp, vấn đề quản lý, bảo trì các dự án BOT và đường cao tốc cũng được nhiều ý kiến nêu ra. Ông Dương Viết Roãn, Phó Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT (Bộ GTVT) cho biết, đến nay, đã bàn giao 4.700km đường BOT nhưng việc quan tâm đến công tác bảo trì các dự án này chưa được như các dự án sử dụng vốn ngân sách, trái phiếu. Theo ông Roãn, cần thực hiện ngay từ khâu trình đàm phán hợp đồng BOT để làm rõ quy trình và cách thức quản lý ra sao nhằm bảo đảm chất lượng bảo trì của dự án BOT.

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT) cũng cho rằng, Tổng cục Đường bộ VN có thẩm quyền trong việc quản lý công tác bảo trì các dự án BOT đã đưa vào vận hành khai thác. Tổng cục còn có chức năng giám sát chất lượng bảo trì đối với các dự án này. Tuy nhiên, qua báo cáo, dường như Tổng cục Đường bộ VN chưa thực sự quan tâm vấn đề này. Vì vậy, thời gian tới Tổng cục Đường bộ VN cần lưu ý xây dựng các tiêu chí để quản lý chất lượng công bảo trì để các cơ quan chuyên ngành có thể theo dõi, xử lý. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.