Điện ảnh

Không dễ gọi vốn cộng đồng làm phim điện ảnh

18/12/2018, 10:03

Gọi vốn cộng đồng cho phim đang được coi như một phương thức huy động vốn sản xuất thức thời.

25

“578” là dự án phim điện ảnh hành động của đạo diễn Lương Đình Dũng thực hiện theo phương thức kêu gọi vốn cộng đồng 

Đa dạng phương cách huy động vốn

Dự án phim điện ảnh 578 của đạo diễn Lương Đình Dũng với đề tài ấu dâm đang thu hút sự quan tâm của khán giả yêu điện ảnh. Đặc biệt, dự án gây chú ý khi kinh phí ước tính lên tới 60 tỷ đồng và hy vọng sẽ có 32 tỷ đồng được huy động bằng hình thức gọi vốn cộng đồng. Đạo diễn Lương Đình Dũng còn lập ra một website riêng cho dự án này để kêu gọi vốn, với những trình bày khá chi tiết về dự án. Theo đó, dự án 578 có slogan “Bộ phim của chúng ta, tiếng nói của chúng ta”, sẽ dùng ngôn ngữ điện ảnh để truyền tải một cách chân thực và nhân văn câu chuyện về nạn ấu dâm. Website 578movie khẳng định: “Bộ phim được xây dựng bởi niềm tin của cộng đồng vì một thế giới không còn nạn ấu dâm. Đó là sẽ là một bộ phim được tạo nên bởi tất cả chúng ta”.

Cũng chung cách thức này, Ngộ Entertainment - đơn vị sản xuất của bộ phim điện ảnh như Hùng Ali và Sáu lóc cóc cũng là vừa lập dự án SCS để kêu gọi vốn cho những dự án điện ảnh sắp tới của công ty. Theo đó, Ngộ Entertainment cùng các nhà đầu tư quản trị mở thêm các gói cổ phần đầu tư dành cho các nhà đầu tư phổ thông. Nhà sản xuất Nguyễn Tấn Trực - Giám đốc Ngộ Entertainment cho biết, đơn vị này sẽ có đội ngũ chăm sóc, tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho các nhà đầu tư quan tâm thật sự đến dự án. Những tài liệu thông tin cơ bản về dự án, cách thức tham gia, quyền lợi sẽ được công khai trên các diễn đàn, trang thông tin truyền thông của công ty.

Đây có thể coi là hướng đi mới của đạo diễn Lương Đình Dũng hay Ngộ Entertainment bởi ở Việt Nam, đã có một số nền tảng trung gian làm công việc huy động vốn cộng đồng như Betado.com, Comicola.com, Fundstart.vn… Một số dự án phim từng huy động vốn thông qua các trung gian này là các dự án phim ngắn như Bạn cùng phòng, Đẩy đưa…

Kêu gọi khó dù cam kết minh bạch

Các nhà làm phim đều thừa nhận một thực tế: Việc xin tài trợ để làm một dự án phim điện ảnh là cả hành trình gian khổ. Không phải nhà đầu tư nào cũng sẵn sàng bỏ tiền đầu tư một sản phẩm nếu họ không đạt được những lợi ích nhắm tới. Kêu gọi nhà đầu tư cho phim đã khó, huy động vốn cộng đồng càng không dễ dàng. Trong việc huy động này, các nhà làm phim phải đưa ra những ưu đãi khác nhau cho những người góp vốn ở từng mức độ cụ thể. Đạo diễn Lương Đình Dũng nhận định, hình thức gọi vốn cộng đồng có những ưu điểm, nhưng cũng có khuyết điểm riêng. Trên thế giới, hình thức này khá quen thuộc, nhiều dự án phim đã kêu gọi thành công từ vài triệu USD, có cả những website chuyên hỗ trợ các nhà làm phim việc kêu gọi cộng đồng. Nhưng ở Việt Nam, khán giả và nhà đầu tư chưa quen với việc này. Hơn nữa, phim ảnh cũng chưa phải là ngành được các nhà đầu tư quan tâm chú trọng. Thực tế, cùng hình thức kêu gọi cộng đồng tham gia, nam đạo diễn cũng phải huy động tổng hợp nhiều cách thức cho dự án 578 như huy động nhà đầu tư, nhà tài trợ, quỹ….

“Chúng tôi thực sự tâm huyết với dự án của mình nhưng không dễ để chia sẻ. Dự án của tôi có cái khó nhưng cũng có phần lợi thế, bởi tôi kêu gọi một dự án với mục đích rõ ràng, mới mẻ ở Việt Nam nên mọi người cũng dành nhiều sự quan tâm. Chúng tôi đã phải chuẩn bị một nền tảng hàng chục năm mới có thể tự tin kêu gọi cộng đồng”, đạo diễn của Cha cõng con tâm sự. Anh cũng cho biết thêm, khi làm việc với nhà đầu tư hay tài trợ lớn ê-kíp đều phải đàm phán, thoả thuận, ký kết. Còn những ai góp vốn, dù nhỏ nhất cũng sẽ được công khai khi dự án thực hiện để đảm bảo tính minh bạch.

Việc mất hàng chục năm chuẩn bị mới dám kêu gọi vốn cộng đồng của đạo diễn Lương Đình Dũng là điều dễ hiểu. Bởi thực tế cho thấy, không phải dự án nào kêu gọi vốn cũng thành công. Gần đây nhất, tháng 5/2018, dự án phim ngắn Đẩy đưa có sự tham gia của MC Phí Linh đã gọi vốn thông qua nền tảng Fundstart nhưng thất bại. Dự án đặt mục tiêu 39 triệu đồng, nhưng chỉ kêu gọi được 1,4 triệu đồng (4% mục tiêu). Hay dự án Nếu một ngày - If one day của Phạm Thanh Tân cũng kêu gọi theo cách tương tự nhưng chỉ đạt 26 triệu đồng (7% mục tiêu) dù mục tiêu kêu gọi là 350 triệu đồng.

Theo NSX Nguyễn Tấn Trực, việc kêu gọi vốn cộng đồng trước mắt vẫn là thử thách gian nan, bởi việc sản xuất phim không đơn thuần chỉ theo cảm hứng, tự phát mà phải có quy trình. Điểm khó là làm sao biến các dự án từ vô hình thành những bản mẫu hữu hình, để những nhà đầu tư, góp vốn nhận thức rõ về sản phẩm. “Nhà sản xuất cũng cần có đề án kinh doanh rõ ràng, số liệu cụ thể, minh bạch tài chính và có các thỏa thuận cam kết chắc chắn về việc chia sẻ các giá trị lợi nhuận cho nhau”, ông Trực chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.