Thế giới

Không nên dừng các chuyến bay đến vùng dịch Ebola

20/08/2014, 07:15

Nỗi lo bùng phát dịch bệnh do virus Ebola càng tăng cao, càng nhiều hãng hàng không lo sợ và tạm ngừng các chuyến bay tới ba nước Tây Phi - nơi ổ dịch Ebola lớn nhất trong lịch sử...

Kiểm tra để phát hiện người nhiễm Ebola tại sân bay
Kiểm tra để phát hiện người nhiễm Ebola tại sân bay

 
Virus Ebola lan sang Châu Á

Ngày 18/8, một phụ nữ người Nigeria, 35 tuổi, đang trên đường tới Ấn Độ điều trị bệnh ung thư di căn đã thiệt mạng tại khu quá cảnh ở sân bay quốc tế Abu Dhabi, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Giới chức y tế UAE cho biết, người này có các triệu chứng tương tự như trường hợp nhiễm virus Ebola. “Sức khỏe của bệnh nhân xấu đi nhanh chóng và dù đã được hỗ trợ y tế, cô vẫn không thể hồi phục”. “Tất cả các biện pháp an toàn và phòng tránh lây lan dịch đã được các nhân viên y tế sân bay tuân thủ theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới đối với trường hợp có hành khách bị nghi vấn nhiễm virus” - cơ quan y tế Abu Dhabi cho biết.


Người duy nhất ngồi gần người phụ nữ Nigeria này trên máy bay là chồng của cô, cùng 5 nhân viên y tế chăm sóc cô đã được cách ly chờ kết quả khám nghiệm tử thi. Tất cả họ đều trong tình trạng sức khỏe tốt, không có dấu hiệu nhiễm bệnh. Nếu người phụ nữ Nigeria này được xác định là nhiễm virus Ebola, đây sẽ là trường hợp đầu tiên virus Ebola vượt ra ngoài khu vực châu Phi và lan sang châu Á. Dịch sốt xuất huyết  do virus Ebola lần này cướp đi sinh mạng của 1.229 người chỉ trong vòng năm tháng chủ yếu ở ba nước Tây Phi: Guinea, Sierra Leone và Liberia. Dịch Ebola có nguy cơ tác động tài chính trực tiếp vào ngân sách Chính phủ tại ba quốc gia gần như nghèo nhất khu vực Tây Phi. Cơ quan Tín dụng quốc tế Moody’s cho biết, nếu dịch bệnh này lan tràn tới Nigeria, nó sẽ khiến nền kinh tế và tài chính lớn nhất lục địa châu Phi suy thoái.


Tây Phi đang bị cô lập hàng không


Hôm nay (20/8), hãng Hàng không Korean Airlines (Hàn Quốc) đã dừng các chuyến bay tới Nairobi vì lo ngại khu vực này tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh lây lan qua các dịch vụ từ Tây Phi. Trước đó, ngày 16/8, theo lời khuyên của Bộ Y tế Kenya, hãng Hàng không Kenya Airways chính thức tạm ngừng các chuyến bay tới Liberia và Sierra Leone. Ngoài ra, còn rất nhiều hãng hàng không đến từ Mỹ, Anh, Pháp, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Nigeria hoãn các chuyến bay tới ba nước Tây Phi từ trước đó. Rất nhiều người dân tại khu vực Tây Phi tỏ ra lo ngại họ đang bị thế giới cô lập. 
 

Cơ quan quản lý Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp Việt Nam (CITES) vừa có văn bản yêu cầu chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng chủ động giám sát tình hình dịch bệnh tại các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã; Tiến hành tiêu hủy ngay cá thể chết không rõ nguyên nhân; Cách ly khẩn các cá thể ốm, yếu, có triệu chứng bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt, cần giám sát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu động vật hoang dã, bao gồm động vật hoang dã có nguồn gốc từ châu Phi.

 

H.Q

Trước tình hình này, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) khuyên các hãng hàng không nên tiếp tục duy trì dịch vụ tới những khu vực bị lây nhiễm Ebola bởi những quốc gia này rất cần được kết nối với thế giới. Để phòng tránh dịch, các hãng hàng không chỉ cần sàng lọc hành khách bị nhiễm bệnh tại sân bay, áp dụng các thủ tục cách ly nghiêm ngặt, khử trùng máy bay, “việc hạn chế đi lại với các khu vực nhiễm bệnh là không cần thiết”, ông Raphael Kuuchi nói.

Mặt khác, ông Raphael Kuuchi, Phó Chủ tịch của IATA tại khu vực châu Phi nhấn mạnh, không phải tất cả các hãng hàng không tạm ngừng các chuyến bay tới khu vực dịch bệnh đều để phòng tránh lây lan virus. Một số hãng đưa ra quyết định này với “mục đích thương mại” do nhu cầu đến và đi tới các đất nước có dịch giảm mạnh.


Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết,  khả năng lây lan virus Ebola qua đường hàng không là khá thấp. Trong vòng 40 năm kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên tại Congo, virus Ebola chưa bao giờ bị lây lan ra bên ngoài khu vực châu Phi. Vụ một người Liberia bị nhiễm bệnh khi bay từ Monrovia tới Lagos là trường hợp duy nhất được biết cho đến nay bị lây qua đường hàng không. Ông Kuuchi cho biết: “Ebola là loại virus nguy hiểm nhưng không dễ dàng bị lây lan. Nó chỉ có thể bị lây qua tiếp xúc với máu hoặc chất dịch cơ thể”.

Trang Trần - Kim Hậu



Việt Nam cách ly hai hành khách bị sốt đến từ tâm dịch Ebola

 

Văn phòng đáp ứng khẩn cấp Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thông báo có hai trường hợp hành khách người Nigeria có biểu hiện sốt, nhập cảnh Việt Nam tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Theo đó, chiều 19/8/2014, trên chuyến bay số hiệu QR964 của Hãng Hàng không Quatar Airway đi từ Quatar tới Việt Nam tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất có hai hành khách quốc tịch Nigeria xuất cảnh từ Nigeria ngày 18/8/2014. Số ghế ngồi của hai hành khách này là 25B và 26D có biểu hiện sốt. Ngoài ra chưa phát hiện triệu chứng khác.


Để phòng chống dịch Ebola vào Việt Nam, ngay sau đó Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Pasteur TP HCM và ngành Y tế TP HCM tiến hành các thủ tục xử lý, cách ly theo quy định và chuyển hai hành khách trên đến khu vực cách ly của Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM để theo dõi, kiểm tra, chăm sóc sức khỏe theo quy định. Hai hành khách này được lấy mẫu máu xét nghiệm, Cục Y tế dự phòng, Viện Pasteur TP HCM đã phối hợp với Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam để gửi mẫu xét nghiệm.


Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị hành khách đi cùng chuyến bay trên ngồi các hàng ghế số 24, 25, 26, 27 của chuyến bay QR964 ngày 19/8/2014 chủ  động đến các cơ sở y tế nơi gần nhất hoặc liên hệ với số điện thoại 0989 671 115 để được hướng dẫn về các biện pháp phòng bệnh và theo dõi sức khỏe, gửi danh sách các hành khách ngồi trên các số ghế trên cho các địa phương tiếp tục theo dõi. Bộ Y tế sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình sức khỏe của hai hành khách nêu trên và kịp thời thông báo những thông tin tiếp theo.

 

T.K

 

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.